Nỗi lo cơm áo

Nỗi lo cơm áo
TP - Hai tháng nay, đã thành thường lệ đôi vợ chồng công nhân thất nghiệp Nguyễn Thị Hương phải xoay xở với bữa cơm chỉ rau muống luộc cùng dĩa đậu hũ chiên.

> Lương công nhân không đủ nuôi thân

Hú họa lắm người mẹ của đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi này mới dám tặng cho mình một miếng thịt heo nho nhỏ để ăn lấy sữa cho con bú.

Những bữa cơm “đạm bạc” như thế này không lạ lẫm gì với đời sống công nhân, nhất là khi mà cơn bão thất nghiệp tràn qua mang theo bao hệ lụy. Hẳn không ai trong hàng triệu công nhân mong mỏi phải sống trong cảnh tằn tiện, dè xẻn từng miếng cơm, manh áo như vậy.

Nhưng liệu họ có làm thay đổi được cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mình khi đồng lương vẫn còm cõi, khi việc làm bấp bênh, thậm chí bị “xù” lương, xù thưởng.

Họ làm được gì khi doanh nghiệp không cho họ tấm thẻ bảo hiểm y tế lận lưng, không bảo hiểm xã hội để vớt vát những đồng lương thất nghiệp trong lúc sa cơ lỡ vận... chỉ vì chủ bỏ trốn. Họ phải sống trong thấp thỏm lo lắng bởi có thể sáng đang làm việc chiều lại “ngồi chơi xơi nước” như bây giờ.

Đầu năm ngoái, nhiều người nhói lòng khi một điều tra từ Trung tâm dinh dưỡng TPHCM với hơn 1.000 công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, công nghiệp ở thành phố này được công bố: cứ 10 công nhân thì có 3 bị suy dinh dưỡng.

Con số này không khó lý giải bởi cứ chiều tan ca trở về, họ lại vội vã tấp vào khu chợ cóc ven đường, lựa chọn cho mình những thứ rẻ nhất có thể. Họ phải ăn những suất ăn bị teo tóp bởi đã bị ăn chặn, bởi những thức ăn giá rẻ, kém chất lượng.

Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng với công nhân họ còn phải cõng biết bao gánh nặng trên vai. Người ta không ngớt hô hào, kêu gọi các chủ trọ chung tay vì công nhân, nhưng đâu đó vẫn thấy công nhân méo mặt về giá điện, giá nước, giá phòng trọ… vì cứ tháng sau giá phi mã hơn tháng trước.

Tôi đã gặp không ít công nhân ngày đêm dán mắt vào những quán cà phê vỉa hè, xem phim chưởng, bạo lực. Chẳng có sân chơi nào cho công nhân sau những giờ tan ca, chẳng có nơi nào giúp họ có thể giải trí tốt hơn là vùi đầu vào những nơi như vậy.

Tại các điểm giữ trẻ tồi tàn, nơi hầu như chỉ dành cho con em của công nhân, nếu một lần chứng kiến khó có người bình thường nào đủ can đảm để gửi gắm con em mình.

Bão thất nghiệp cuốn không ít công nhân đi và ở. Người dắt díu nhau về quê, kẻ ở lại bám trụ thành phố trông nỗi lo cơm áo…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG