“Khai tử” sổ hộ khẩu sớm nhất vào năm 2020

Nỗi khổ mang tên “hộ khẩu”

Bà Trần Thị Nhuận kể lại câu chuyện của con trai bà. Ảnh: Văn Minh.
Bà Trần Thị Nhuận kể lại câu chuyện của con trai bà. Ảnh: Văn Minh.
TP - Trước thông tin sẽ “khai tử” hộ khẩu tồn tại hàng chục năm qua, nhiều người dân TPHCM đã bày tỏ đồng tình ủng hộ. Bởi từ nhiều năm qua, chính hộ khẩu đã gây ra nhiều phiền hà trong công việc, cuộc sống của người dân.

Đủ thứ phiền hà trong 1/4 thế kỷ

Là người Sài Gòn chính hiệu, sinh ra lớn lên và lập gia đình tại đây nhưng bà Trần Thị Nhuận (58 tuổi, ngụ phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM) khi nhắc đến hộ khẩu cũng không khỏi buồn lòng. Gần 40 năm trước, bà Nhuận lấy chồng, không lâu sau đó bà sinh anh Nguyễn Tuấn Kiệt.

Anh Kiệt năm nay đã 40 tuổi nhưng giấy tờ tùy thân chẳng có gì lận lưng. Lấy vợ và có con nhưng anh Kiệt không thể làm giấy hôn thú gì, cũng không thể tách hộ với cha mẹ.

Bà Nhuận kể, trước đây anh Kiệt có tên trong hộ khẩu gia đình nhưng lúc còn trẻ, anh Kiệt có đi cai nghiện nhưng trốn về. “Giấy tờ tùy thân này kia bị mất tất cả. Bởi trốn trại cai nghiện trở về nên anh Kiệt thiếu tờ giấy xác nhận của trung tâm, sau này không thể làm giấy tờ tùy thân cho đến ngày hôm nay”- bà Nhuận giải thích.

Không có giấy tờ lận lưng, đứa con gái đầu lòng của anh Kiệt vì thế mang họ mẹ, trong giấy khai sinh phần ghi tên cha bỏ trống. Từ nhiều năm nay, anh đưa con gái về bên nội nuôi nấng.

Bà Nhuận kể lại: “Thằng Kiệt thì không có giấy tờ tùy thân suốt bao năm qua, nay chính quyền có ai công nhận nó là cha của Thu Ngân (con gái anh Kiệt) đâu. Thằng cha bị thiệt thòi nhiều thứ vì giấy tờ tùy thân này kia, rồi đứa con cũng bị ảnh hưởng đến chuyện đi học hành sau này khi không thể đưa cháu đi học đúng tuyến”.

Không những cha con, vợ chồng không được thừa nhận về mặt pháp lý, anh cũng không thể đứng tên sở hữu bất cứ tài sản có giá trị nào, như nhà cửa, xe máy… bởi không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân. Thật khó tin, nhưng lại là sự thật, người đàn ông trụ cột trong gia đình, không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh bản thân mình.

“Là cư dân TPHCM và từng có hộ khẩu thường trú ở quận 11, vậy mà hơn 20 năm nay cả nhà tôi gồm năm người phải “sống dở chết dở” vì nhiều cái không, trong đó có không hộ khẩu. Mọi người có tin nổi hay không?”, chị Nguyễn Thị Lành (ngụ quận 11, TPHCM) nhớ lại.

Chị cho biết, trước đây chị sống với cha mẹ ở quận 11. Đến năm 1991, cha mẹ chị mất, căn nhà duy nhất cha mẹ để lại cũng phải bán đi. Vợ chồng chị và ba người con phải thuê hết nhà này đến nhà khác để ở và bươn chải kiếm sống. Mà đâu chỉ có mỗi miếng ăn, gia đình chị còn gặp rất nhiều khó khăn vì thủ tục hành chính.

Đầu tiên phải kể đến sổ hộ khẩu. Do trước đó đã bị xóa hộ khẩu ở nhà cũ nên vợ chồng chị đã nhiều lần xin cấp lại sổ hộ khẩu. Thế nhưng nêu lý do gia đình chị không có chỗ ở hợp pháp, không được chủ nhà cho thuê bảo lãnh…, cơ quan công an không đồng ý giải quyết cho gia đình chị.

Từ chỗ không có hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của hai đứa con lớn không làm lại được. Tuy biết sửa máy móc nhưng chúng không thể xin vào làm ở xí nghiệp và chỉ còn biết làm thuê vặt vãnh bên ngoài.

“Chưa hết, khi lập gia đình chúng không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn và khi sinh con ra thì các con của chúng lại rơi vào vòng luẩn quẩn của chính cha mẹ chúng”, chị Lành nói.

Vì không có hộ khẩu mà các cháu không được hưởng những quyền lợi của trẻ nhỏ như khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, chọn trường, chọn lớp… Đến nay, gia đình chị có thêm hai đứa cháu ngoại, nhưng các cháu cũng chưa làm được… giấy khai sinh (?).

Ông Nguyễn Văn Truyền (47 tuổi, ngụ ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) cũng cùng cảnh ngộ. Theo ông Truyền, dù trước đó ông có hộ khẩu gốc ở Sài Gòn nhưng rồi sau khi từ vùng kinh tế mới trở về, ông không còn miếng giấy lận lưng. Vậy là 25 năm qua, ông Truyền phải chen chúc cùng con cái ở chân cầu thang cư xá Thanh Đa để kiếm sống qua ngày. “Rồi các con tôi dần lớn khôn, lần lượt trở thành cô giáo, phiên dịch, võ sư… và sau nhiều năm chắt chiu, chúng tôi mua được 1/2 căn hộ ở cư xá này”- ông Truyền kể lại.

Có nhà, ông Truyền tưởng sẽ được nhập hộ khẩu để chấm dứt cảnh sống tạm bợ nhưng viện lý do căn hộ “không đảm bảo cấu trúc”, cơ quan quản lý nhà không chịu cho ông ký hợp đồng thuê nhà, kéo theo đó cơ quan công an không cho ông nhập hộ khẩu.

Từ chỗ không có hộ khẩu, các con ông Truyền không được cấp chứng minh nhân dân. Không có chứng minh nhân dân, các con ông dẫu ăn học đàng hoàng vẫn không thể xin được việc làm ổn định tại TPHCM…

“Không đành lòng để các con có một tương lai mù mịt, tôi đã vác đơn đi cầu cứu khắp nơi. Rất may là sau một thời gian dài, chạy đủ cửa, chúng tôi cũng đã được đăng ký hộ khẩu và cấp chứng minh nhân dân. Giờ nghĩ lại thấy sởn cả da gà”, ông Truyền kể.

Khổ vì “xin tạm trú”

Theo quy định hiện hành thì người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến, công dân phải làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Kể nỗi khổ khi làm giấy xin tạm trú ở TPHCM, anh Trương Cần (34 tuổi, quê TP Cần Thơ) cho biết, ngoài việc xuất trình giấy chứng minh nhân dân, anh còn phải nộp đủ 3 loại giấy tờ khác gồm bản khai nhân khẩu, phiếu báo thay đổi nhân khẩu – hộ khẩu và giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Để có đầy đủ giấy tờ này, trong hồ sơ anh Cần phải mất nhiều thời gian để đi về quê làm thủ tục.

Đối với nhiều người dân, hộ khẩu là “cửa ải” không đáng có. Mỗi lần nhắc đến chuyện làm thủ tục vay vốn mua chung cư cách đây chưa đầy nửa năm, chị Nguyễn Thị Thuỷ (công nhân Công ty giày Hồng Thạnh, quận Phú Nhuận) không khỏi… ngán ngẩm.

Theo chị Thuỷ, vợ chồng chị quê ở Cà Mau, vào Sài Gòn làm công nhân cách đây 7 năm. Nhờ cha mẹ bán căn nhà thừa kế ở quê cộng với số tiền hai vợ chồng dành dụm chị có khoảng 400 triệu đồng. Gia đình chị hỏi mua một căn hộ ở tỉnh Bình Dương (giáp quận Thủ Đức) giá 950 triệu đồng. Bạn bè, đồng nghiệp tư vấn vợ chồng chị vay tiền ngân hàng, trả góp trong 20 năm. Tính ra, mỗi tháng trả khoảng 6 triệu đồng cả gốc lẫn lãi thì vợ chồng chị có thể xoay xở được.

“Đến ngân hàng, nhân viên ngân hàng rất nhiệt tình, hỗ trợ vợ chồng tôi thủ tục định giá, mua bảo hiểm cho căn hộ, phân tích hợp đồng. Nhưng, do vợ chồng tôi chưa tách khẩu nên hồ sơ bị ách lại. Cha mẹ già yếu nên không nhớ hộ khẩu cất ở đâu trong nhà. Thế là, chồng tôi đành xin nghỉ 4 ngày, bay từ Sài Gòn về Cà Mau, chỉ để tìm bản chính hộ khẩu”, chị Thủy nhớ lại.

Nhân viên ngân hàng giải thích theo quy định, hợp đồng thế chấp và hồ sơ đăng ký thế chấp bắt buộc có hộ khẩu. Đây là căn cứ xác nhận nhân thân người giao kết hợp đồng. Như thế, vì hộ khẩu, gia đình chị Thủy tốn thêm hơn 5 triệu đồng chi phí đi lại. Số tiền trên gần bằng một tháng lương và tiền tăng ca của chị.

Nỗi khổ mang tên “hộ khẩu” ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Đặng bên những đứa cháu. Ảnh: Văn Minh.

“Bỏ càng sớm càng tốt cho dân”

Ông Nguyễn Văn Đặng (SN 1939, trú quận 12, TPHCM) cho biết, thế hệ của tôi đã chịu nhiều khổ sở với các giấy tờ hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên khi hay tin Chính phủ sẽ bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì tôi rất mừng. Ông Cần là người ở quận 8 nhưng sau khi giải tỏa di dời, ông được về quận 12 để ở từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, khi lên chung cư ở thì mọi phiền toái xuất phát từ giấy tờ nhà, hộ khẩu.

Trong căn chung cư 64m2 này, vợ chồng ông ở với hai đứa con và 8 đứa cháu. Còn 9 đứa con khác đều lập gia đình và đi nơi khác sống. Giờ ông muốn tách hộ khẩu cho mấy đứa con nhưng già cả, thủ tục nhiều và việc đi lại khó khăn mất thời gian nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được.

Do không có sổ hộ khẩu nên các con ông mất nhiều cơ hội xin việc làm, những công việc khác của gia đình như xác nhận sơ yếu lý lịch, mua xe... cũng bị ảnh hưởng.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Cty Luật Đức Chánh) cho rằng, quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu ở Việt Nam được thực hiện từ rất lâu và thực tiễn đã cho thấy, việc quản lý này hiện nay đã lạc hậu. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ thì việc người dân phải lỉnh kỉnh mang theo giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân… khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự là điều đáng buồn cho trình độ quản lý.

Theo luật sư Chánh, Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan chức năng sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sớm đưa ra giải pháp quản lý dân cư bằng mã định danh công dân.

“Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an là tín hiệu đáng mừng. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ để tích hợp mọi dữ liệu, mọi thông tin của người dân và đơn giản hóa rất nhiều các loại giấy tờ, qua đó góp phần giảm hiện tượng nhũng nhiễu, trục lợi về các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý cư trú”.

 Luật sư Nguyễn Đức Chánh

MỚI - NÓNG