Nỗi đau từ những câu đùa miệt thị

Nhữ Hương Trà - sinh viên ĐH Quốc Tế RMIT Việt Nam.
Nhữ Hương Trà - sinh viên ĐH Quốc Tế RMIT Việt Nam.
TP - Ai cũng mong muốn sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo. Nhưng chỉ số ít người may mắn được tạo hóa ưu ái. Chúng ta đối xử thế nào với phần chưa hoàn hảo ở cơ thể của mình và người khác? Chế giễu, trêu đùa…hay căm ghét? “Đẩy lùi miệt thị cơ thể”, dự án do một số sinh viên trẻ ở Hà Nội thực hiện,  lần đầu tiên cảnh tỉnh về những tổn thương tâm lí từ sự “bạc đãi” cơ thể mang lại.

Chân xấu làm sao lấy được chồng?

Mới đây, trên mạng xã hội, bạn gái có nickname Nhữ Hương Trà đã viết dòng trạng thái gây xôn xao: “Theo tiên liệu của bác sỹ, tớ sẽ có 30 cm2 sẹo lùi ở đùi bên trái và khoeo chân bên phải của tớ hiện tại bị khoét mất 40 cm2 vào từ nửa đến một phân. Tớ tháo băng ra trước mặt trẻ con 5 tuổi, bọn nó ré lên khóc ngay. Bị mất một dây thần kinh, bàn chân tớ không co gập được, chưa biết khi nào mới hết đi chấm phẩy”. Đây chính là một nhân vật của dự án “Đẩy lùi  miệt thị cơ thể”.

Liên lạc với Nhữ Hương Trà, cô ấy đang nằm trong bệnh viện, khi tôi xin phép được đăng dòng trạng thái cùng sử dụng hình ảnh của cô trong bài viết này, cô  đã đồng ý, kèm theo lời cảm ơn. Một cô gái dũng cảm! Hãy xem cô ấy đương đầu với sự miệt thị cơ thể từ xã hội thế nào: “Nhưng có một cái thực sự làm tớ quan tâm, đấy là câu này của mọi người: “Chân xấu thì làm sao lấy chồng được?”. Mẹ tớ cũng nói thế. Tớ hỏi lại mẹ mình: “Mình là phụ nữ, nói như vậy không thấy xấu hổ ư? Có bao nhiêu việc để làm, chẳng lẽ giá trị của con chỉ có lấy chồng?”. Cô viết tiếp: “Khi bước chân của tớ vẫn còn cà nhắc, mọi người chỉnh cho tớ đi, không một ai không nói: “Đi thế này làm sao mà lấy chồng được?”. Không ai hỏi tớ về việc học hành, về mong muốn được sống một cuộc sống bình thường, trở lại với con người lành lặn vốn có. Tớ hiểu và thông cảm cho tư tưởng truyền thống của mọi người nhưng không đồng nghĩa với việc chấp nhận và coi những câu nói đấy “chỉ là những câu đùa vô hại”. Và bạn gái  khẳng định: “Giá trị của một người phụ nữ. Không. Một con người, không hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại hình. Nói ngoại hình vô nghĩa là sai (…) Nhưng ngoại hình chỉ là một phần thôi, không phải tất cả. Và chắc chắn giá trị của một người phụ nữ không nằm ở việc lấy chồng và đẻ con”. Cô nhắn nhủ những người không may như mình: “Chỉ cần được sống tớ đã vui rồi (….). Sống cho nó rực rỡ lên các chị em ạ, thân mình để múa, để vui chơi chạy nhảy khám phá thế giới, để tìm được người chịu đựng cõi đời này cùng mình. Chứ không phải để thuần túy lấy chồng. Nhé”. Tâm sự của cô gái vô danh này đã nhận được sự đồng cảm lớn từ các bạn trẻ.

Ban thực hiện dự án “Đẩy lùi miệt thị cơ thể” gồm 10 người, là những sinh viên trẻ thuộc một số trường đại học ở Hà Nội. Dự án chạy online là chủ yếu, mới đang ở giai đoạn đầu. Vấn đề các bạn gặp phải hiện nay: Làm sao kêu gọi được nhiều bạn bị “miệt thị cơ thể” dám nói lên tâm sự của mình, giống như bạn gái Nhữ Hương Trà. Đỗ Hà Anh, sinh viên năm thứ hai, Đại học Luật Hà Nội, đại sứ truyền thông của dự án cho biết: “Ít người dám lộ danh tính khi phỏng vấn nên chúng tôi đẩy mạnh Confessions (trào lưu tự thổ lộ cực hút cư dân mạng) hoặc hình thức phát thanh qua internet. Nếu quay video, các bạn thoải mái cho quay toàn bộ mặt thì tốt nhưng cũng có thể quay từ miệng trở xuống”.

Nỗi đau từ những câu đùa miệt thị ảnh 1

“Miệt thị” không giới hạn


Không chỉ những người bình thường, ngay cả những “ngôi sao” cũng là “nạn nhân” của “miệt thị cơ thể”. Mới đây, nữ diễn viên trẻ Diệp Lâm Anh thổ lộ khi cô dính phải “nghi án phẫu thuật thẩm mỹ” khiến gương mặt thay đổi: “Khi bị chê bai nhan sắc tôi buồn, khóc và ngồi trước gương tự hỏi: Mình có đến nỗi nào đâu”. Cô cho biết, có nhiều người đã nhắn tin trên trên trang cá nhân của cô chỉ để chê cô xấu quá.  Trường hợp ca sỹ Vũ Hà lại khác, anh không bị “miệt thị” nhưng người thân của anh lại chịu “án” này. Có lần Vũ Hà  thẳng thừng nói: “Tôi từ mặt bạn bè khi chê vợ tôi xấu và già” v.v.. Nhưng dù sao họ cũng là người nổi tiếng, họ có thể “xù lông” để tự bảo vệ mình. Còn những người bình thường, cụ thể là những bạn trẻ chưa va vấp thì sao?

“Tưởng chỉ là những lời nói vui  nhưng lại gây tổn thương cho người khác. Nhất là khi trò đùa bị đưa lên mạng xã hội, ảnh hưởng lan rộng, rất tệ hại”. 

Đỗ Hà Anh - đại sứ truyền thông của dự án “chống miệt thị cơ thể”

Đại sứ truyền thông của dự án “Đẩy lùi miệt thị cơ thể”  khá quen mặt trong những bộ phim truyền hình: “Chàng trai đa cảm”, “Bánh đúc có xương”, “Chiều ngang qua phố cũ”… Cô từng giành giải Hoa khôi học sinh Hà Nội 2013 tại cuộc thi “Duyên dáng Hà thành”. Ít ai ngờ cô cũng từng chịu “miệt thị cơ thể”: “Hồi lớp 12, do ôn thi tôi bị stress, thức khuya nhiều nên mặt có mụn. Tôi đi trong trường bạn bè hỏi: Ôi tại sao dạo này mặt nổi hoa nhiều thế kia. Khi mình đang stress,  thì những lời nói đó càng làm tôi không vui. Hồi lớp 11, tôi khá mập,  sau đó tôi giảm cân, bạn bè lại bảo: Giống như xác chết trôi”. 
Nỗi đau từ những câu đùa miệt thị ảnh 2Đỗ Hà Anh - đại sứ truyền thông của dự án “chống miệt thị cơ thể”.

Câu chuyện của Hà Anh khá phổ biến: “Miệt thị cơ thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người thường mang cân nặng hoặc những bộ phận trên cơ thể ra đùa, nào là “hai lưng”, “răng tung tăng đi trước, môi lả lướt theo sau”… Theo khảo sát của dự án, bộ phận bị miệt thị nhiều nhất là ngực. Các bạn nữ thường bị trêu, lép thì bị trêu hai lưng, lớn cũng bị đả kích. “Dự án của chúng tôi tập trung nhấn mạnh sang chấn tâm lí với những người chịu ảnh hưởng của miệt thị cơ thể”. Nhân dịp mồng 8 tháng 3, dự án “Đẩy lùi miệt thị cơ thể” sẽ phát một video trên mạng, kể về một cô gái, có vòng 1 “khủng”. Cô thường bị bạn bè trêu, bố mẹ không quan tâm, thậm chí hùa theo trò đùa của lũ bạn, khiến cô bị trầm cảm. Không chịu nổi môi trường học tập kiểu này, cô gái đã rời bỏ quê hương, sang Singapore du học. Tại đây, cô được hỗ trợ  từ thầy cô, bạn bè. Những hành động như bắt nạt, miệt thị cơ thể gần như là những điều không thể chấp nhận được, nên dần dần cô gái đã tự tin trở lại, hòa nhập với cộng đồng.

Khi mốt người dây lên ngôi, những cô gái tròn trịa bị ám ảnh bởi sự khác người của mình. Đại sứ truyền thông của dự án “Đẩy lùi miệt thị cơ thể” kể trường hợp bạn cùng lớp cô ngày trước: “Bạn tôi khá ưa nhìn nhưng chỉ thích chơi với hội con trai. Đến đầu lớp 9, bọn con trai đã để ý đến con gái. Họ vô tư kể chuyện thích người này, người kia, khen đứa con gái này dáng đẹp, đứa con gái kia người ngon… Bạn gái ấy bắt đầu đặt dấu hỏi, tại sao mình là con gái mà người ta không coi mình như con gái? Thế là bạn tiến hành giảm cân thông qua ăn uống, khiến mẹ bạn lo lắng phải đề nghị sự giúp đỡ từ chủ nhiệm lớp. Hiện nay, bạn đã du học ở Anh. Cũng đã ba năm bạn ăn chay , không phải vì yêu thương súc vật, bảo vệ môi trường, mà đơn giản, bạn muốn giảm cân. Ám ảnh cân nặng đeo bám bạn cả khi đã thay đổi môi trường học tập”.

“Đẩy lùi  miệt thị cơ thể” không giới hạn ở bạn gái, các bạn trai cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Và dự án này hẳn nhiên không bỏ qua những đối tượng chịu sự “miệt thị” lớn như nạn nhân chất độc da cam, những người mắc hội chứng down… 

Học từ “cô gái xấu xí nhất thế giới”

Lizzie Velasquez, người bị mang biệt danh “cô gái xấu xí nhất thế giới” hay “bộ xương khô”.Ở  tuổi 17, cô được xem một đoạn video tập hợp những “lời hay ý đẹp” về vẻ ngoài của mình. Đó là một điều kinh khủng với một cô gái tuổi đời còn non nớt: “Tôi rất buồn, tôi tức giận và không biết làm thế nào để vượt qua được nỗi đau quá lớn như vậy”.

Nỗi đau từ những câu đùa miệt thị ảnh 3 Lizzie Velasquez.

Nhưng rồi trong tận cùng của tăm tối cô gái quyết định vượt lên số phận. Giờ đây cô đã nổi tiếng trên toàn thế giới, trở thành cảm hứng sống cho những ai rơi vào hoàn cảnh không may mắn.  Lizze Velasquez viết những cuốn tự truyện, ra mắt bộ phim tài liệu về chính mình, để gửi gắm thông điệp với những người đang ở “cuối đường hầm”: “Khi chúng ta đều phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn nhất, hãy luôn nhớ rằng bạn không cô đơn, vẫn có một ánh sáng ở cuối đường hầm, tôi mong rằng bạn sẽ tìm thấy nó như tôi đã từng”. Khi bị dân mạng chế ảnh làm trò đùa, cô đã viết những dòng cảm nghĩ khiến bất kể ai cũng phải suy nghĩ: “Dù nhan sắc có ra sao hay ngoại hình trông thế nào, xin hãy nhớ rằng chúng ta đều là những con người”. 

MỚI - NÓNG
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
Dự án giao thông TPHCM chậm tiến độ vì 'vướng' trụ điện: Đại diện ngành điện nói gì?
TPO - Trước việc một số dự án cầu, đường tại TPHCM chậm tiến độ vì vướng trụ điện, đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM nhận một phần trách nhiệm và cam kết đơn vị sẽ phối hợp cùng địa phương và ngành giao thông trong thời gian tới để tình trạng này không còn diễn ra.