Những ngày này, công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Bách Thảo, Thủ Lệ (quận Ba Đình)... luôn đông nghịt người ra vào. Ông Hoàng Kim Hồng, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, nói: “Những ngày hè vào buổi sáng và buổi chiều, lượng người vào công viên đi dạo và tập thể dục luôn đông nghẹt, thậm chí quá tải. Trung bình buổi sáng có từ 7.000 đến 8.000 người vào công viên”.
Trong khi đó, tại một số công viên được coi là hiện đại và lớn nhất của Hà Nội như Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm), Yên Sở (quận Hoàng Mai)... lại vắng vẻ, đìu hiu. Công viên Hòa Bình rộng hơn 20 ha, có mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long.
Ông Đặng Gia Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty TNHH Nhà nước MTV Vườn thú Thủ Lệ (đơn vị quản lý cả công viên Thủ Lệ và công viên Hòa Bình), nói rằng, công viên Thủ Lệ thu phí vào cổng (giá vé từ 2.000 đến 4.000 đồng), nhưng hiện lượng khách hằng ngày rất lớn, các ngày nghỉ lễ luôn đông kín. Công viên Hòa Bình dù không thu phí vào cổng, dù khuôn viên rộng lớn, được đầu tư nhiều hạng mục, nhưng vẫn thưa vắng người ra vào.
Công viên Yên Sở là công viên xanh lớn nhất với diện tích hơn 300 ha, đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, càng đi sâu vào trong càng vắng vẻ, cỏ dại um tùm bên đường khiến những người lần đầu tiên vào công viên này có cảm giác đang đi vào nơi hoang vu, lạnh lẽo. Dọc các con đường ven hồ trong công viên, thỉnh thoảng có một vài người dân đi bộ thể dục, hiếm thấy bạn trẻ đến dạo mát, tham quan.
Cải tạo, xây dựng theo hướng công viên mở
Hà Nội hiện có gần 70 công viên, vườn hoa và hơn 100 hồ điều hòa, tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập. “Ngân sách thành phố không đủ để đầu tư cho các công viên, còn kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào công viên thì chủ đầu tư đặt vấn đề bù đắp bằng những công trình thương mại.
Chẳng hạn, công viên Thống Nhất có ba nhà đầu tư xin đăng ký, nhưng họ tính phương án bù đắp chi phí bằng cách xây dựng các tầng hầm ở dưới, trong đó chủ yếu kinh doanh dịch vụ. Nếu phê duyệt như thế sẽ phá vỡ quy hoạch, công viên sẽ không còn là nơi vui chơi, giải trí cho người dân”, một lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Vị cán bộ này cũng cho hay, nhiều ý kiến cũng đề nghị tới đây thành phố cần phân loại công viên, công viên vườn hoa thì ngân sách thành phố đầu tư, còn những công viên vui chơi giải trí hay các hạng mục kinh doanh trong công viên thì mới kêu gọi xã hội hóa.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế HĐND thành phố, cho biết: “Các kiến nghị của HĐND thành phố đã nói rõ việc cải tạo, đầu tư xây dựng các công viên theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập, không phải là nơi để thu tiền. Trong kỳ họp HĐND sắp tới, khi bàn về các loại phí chúng tôi đề nghị thành phố chỉ đạo không thu vé vào cổng các công viên”.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nói: “Công viên xa nơi tập trung dân cư là một rào cản lớn. Cộng thêm sự thiếu vắng các hoạt động hằng ngày hấp dẫn hay thiếu vắng cây xanh nên cũng chưa tạo ra các lý do hấp dẫn để người ta đến chơi”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong bản quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, tại khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có và sẽ có thêm 7 khu công viên đặc thù.