Nỗi ám ảnh khát nước sạch

 Một gia đình tại chung cư TSQ Euroland dự trữ số nước ít ỏi vừa lấy được từ xe stec.
Một gia đình tại chung cư TSQ Euroland dự trữ số nước ít ỏi vừa lấy được từ xe stec.
TP - Những ngày đầu tháng 5, khi những đợt nắng nóng đầu tiên ập về, cũng là lúc nhiều khu vực tại Hà Nội bị mất nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra ở nhiều nơi khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình bị đảo lộn. 

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, dự báo việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn địa hình cao sẽ khó khăn. Dự kiến thủ đô thiếu khoảng 20.000-24.000m3 nước sạch/ngày đêm.

Khu đô thị 5 ngày không nước sạch

Theo phản ánh của cư dân ở tòa A chung cư Mulberry Lane Hà Nội (phường Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội), từ ngày 6/5 hơn 400 hộ dân sinh sống tại đây đã bị cắt nước. Sau đó không lâu, các tòa B, C, D, E cũng lần lượt mất nước.

Chị Nguyễn Thu Hoài, một cư dân tại đây cho biết, đến hôm qua (11/5) nước mới được cấp tương đối ổn định. Còn những ngày trước đây nhà lúc nào cũng lỉnh kỉnh xô, chậu đựng nước. Tuy nhiên, nước rất bẩn, có cặn nên chị phải bỏ tiền mua thêm mỗi ngày 2 bình nước suối 30 lít để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. “Ban quản lý chung cư không hề thông báo khiến toàn bộ dân cư bị bất ngờ”, chị Hoài nói.

Cùng trên địa bàn quận Hà Đông, hàng trăm hộ dân sinh sống tại chung cư TSQ Euroland ở phường Mỗ Lao bị mất nước từ ngày 4/5 – 10/5. Bà Đỗ Thị Tâm, Phó Ban quản trị chung cư TSQ Euroland cho biết, ngày 4/5 người dân nhận được thông báo từ Cty nước sạch Hà Đông về lý do vỡ đường ống nước sông Đà nên lưu lượng nước cấp về chung cư sẽ giảm, đến ngày 7/5 sẽ có nước trở lại. Thế nhưng đến 10/5, nước về vẫn rất ít không đủ sinh hoạt, Ban quản lý tòa nhà phải mua nước từ xe stec hỗ trợ cư dân.

Cách đó không xa, người dân tại khu đô thị mới Đại Thanh (huyện Thanh Trì) cũng đang chật vật vì thiếu nước sạch. Chị Tĩnh (cư dân tòa CT8A) cho biết, 5 ngày nay cư dân khốn khổ vì thiếu nước. Chưa đến mức phải xách xô nước lấy từ xe stec, nhưng nước lúc có lúc không khiến cả nhà ai cũng mệt mỏi. Được biết, 5 ngày nay 3 tòa CT8A, CT8B, CT8C trong tình trạng mất nước.

Tòa nhà No8B tại Khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai) cũng đã mất nước 2 ngày. Anh Quân (nhân viên quán bia thuê tầng trệt tòa nhà) cho biết, mất nước khiến kinh doanh bị ảnh hưởng lớn. Nhân viên túa đi xin từ nước sinh hoạt đến nước rửa bát. Nhà vệ sinh hôi rình vì thiếu nước rửa. Một bảo vệ ở đây cho biết thêm, để đảm bảo nước cho người dân sinh hoạt, sáng nào anh này cũng phải lên bơm nước chia vào 2 bể để bà con dùng trong ngày.

Thiếu hàng chục nghìn m3 nước mỗi ngày

Ông Lại Văn Thịnh, Giám đốc Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông xác nhận: “Nguồn nước chính tại Khu đô thị Mulberry và chung cư TSQ Euroland là từ sông Đà mà Cty mua lại để cung cấp, nhưng do đường ống nước sông Đà gặp sự cố nên thiếu nước sạch”. Theo ông Thịnh, hiện đơn vị đã cung cấp trở lại khoảng 700m3 nước cho khu đô thị này. Ngoài nguồn của nước sạch sông Đà, Công ty cấp bổ sung nước ngầm do Cty nước sạch Hà Đông sản xuất. Tuy nhiên, thực tế vẫn không đủ lượng nước như nhu cầu của cả khu đô thị. Tương tự tại Khu đô thị Đại Thanh, đại diện đơn vị quản lý cho biết, do đường ống dẫn nước từ sông Đà bị giảm áp mấy ngày nay nên đơn vị phải san sẻ từ các tòa CT10 cho các tòa CT8, do đó việc thiếu hụt nước là không thể tránh khỏi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Cty nước sạch Vinaconex xác nhận, đêm 2/5, đoạn đường ống nước sạch sông Đà bị rò rỉ tại km23 đại lộ Thăng Long, nên phải dừng bơm nước. Công ty huy động máy móc, công nhân tới khắc phục. Khoảng một giờ sau đường nước đã hoạt động trở lại. “Đến nay, người dân đã sử dụng nước lại bình thường”, lãnh đạo Cty cho hay.

Nỗi ám ảnh khát nước sạch ảnh 1 Cư dân chung cư TSQ Euroland ở phường Mỗ Lao bị mất nước 5 ngày phải lấy nước từ xe stec.

Sự cố đã được khắc phục, nhưng “điệp khúc” vỡ đường ống sông Đà vẫn đang là nỗi ám ảnh của hàng nghìn cư dân, dù khi mới chỉ là giai đoạn đầu hè và đợt nắng nóng đầu tiên.

Liên quan đến dự án đường ống nước sông Đà, năm 2005 dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông triển khai giai đoạn 1, dài 45,8km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, với số vốn 1.500 tỷ đồng. Năm 2009, tuyến ống số 1 được đưa vào vận hành nhưng từ đó đến nay, đường ống này đã 22 lần gặp sự cố.

Giai đoạn 2 của dự án theo kế hoạch được khởi công vào tháng 10/2015 với tổng nguồn vốn đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm với cam kết hoàn thành vào giữa năm 2016. Thực tế đến thời điểm này, tuyến ống số 2 vẫn chưa được triển khai. Đại diện Tổng Cty CP Thiết bị điện Việt Nam (chủ đầu tư) cho biết, vì nhiều lý do nên dự án bị chậm nhưng “sẽ được khởi công vào cuối năm 2018”. Dự án đường ống số 2 sẽ sử dụng ống gang ngoại nhập, cùng nhiều cải tiến về chất lượng nên sẽ khó gặp sự cố vỡ ống như dự án số 1.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù từ đầu mùa hè năm 2018 hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày đêm nhưng do số khách hàng đấu nối tăng thêm 6% nên dự báo việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn địa hình cao sẽ còn khó khăn. Dự kiến, Hà Nội sẽ thiếu khoảng 20.000- 24.000m3 nước sạch/ngày đêm. Cụ thể là các khu vực: Đại Kim, Định Công - quận Hoàng Mai; Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt - quận Thanh Xuân; khu đô thị Đại Thanh - huyện Thanh Trì... sẽ thiếu nước. Ngoài ra, tuyến ống truyền tải nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà hiện đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây nên càng hạn chế khả năng cung cấp nước. Sẽ có nơi phải cấp nước theo giờ, có điểm phải cấp nước bằng xe stec.

Trong phiên họp tập thể UBND thành phố tháng 4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các đơn vị liên quan phân công trách nhiệm ứng phó khi xảy ra sự cố cấp nước sạch. "Cần đảm bảo hạn chế thiếu nước sinh hoạt hè. Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, cần có giải pháp chống thất thoát nước", lãnh đạo thành phố đề nghị.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.