Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn Kazuo Ishiguro để vinh danh vì tác phẩm dạt dào cảm xúc “khám phá vực thẳm dưới cảm giác huyền bí của chúng ta về sự kết nối với thế giới”. Mặc dù những cái tên như Nguji wa Thiong’o, Haruki Murakami luôn dẫn đầu trong bảng đặt cược nhưng chiến thắng gọi tên Kazuo.
Dù độc giả yêu mến nhà văn 62 tuổi này hay không, thì chiến thắng giành cho ông không gây tranh cãi dữ dội như Nobel cho Bob Dylan năm 2016. Hơn nữa danh tiếng của ông từng được khẳng định qua tác phẩm và giải thưởng trước đó.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của Kazuo chính là The remains of the day (Tàn dư ngày ấy). Đó là tiểu thuyết thể hiện tinh hoa văn hóa Anh. được đạo diễn James Ivory dựng thành phim năm 1993. Tàn dư ngày ấy kể về quản gia hoàn hảo người Anh Stevens với những ký ức trong tòa lâu đài Darlingtin Hall và mối tình đơn phương với nữ chủ nhân Sarah Kenton. Cuốn sách đoạt giải Man Booker năm 1989 được chuyển thể thành phim điện ảnh và nhận tới tám đề cử Oscar. Phim quy tụ các diễn viên danh tiếng Anthony Hopkins, Emma Thompson, James Fox.
Sau Tàn dư ngày ấy, tiểu thuyết Never let me go (Mãi đừng xa tôi) của ông tiếp tục được chuyển thể thành phim năm 2010. Tác phẩm giả tưởng xoay quanh ba người bạn Kathy, Ruth và Tommy từ thời trong ngôi trường nội trú cho tới giai đoạn họ bắt đầu nhận biết về sứ mệnh duy nhất trong đời là hiến tạng hoặc trở thành người chăm sóc cho người hiến tạng.
Đạo diễn Mark Romanek chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh năm 2010 với ba diễn viên người Anh Keira Knighley, Carey Mulligan và Andrew Garfield. Dù doanh thu bình thường nhưng phim nhận được sự đánh giá cao của giới phê bình. Hai diễn viên Andrew Garfield và Carey Mulligan nhận được giải nam/nữ chính xuất sắc ở một số liên hoan phim quốc tế.
Không bằng lòng với địa vị tác giả có tiểu thuyết chuyển thể điện ảnh, Kazuo viết kịch bản phim The White countess, đạo diễn James Ivory thực hiện. Phim xoay quanh mối quan hệ của nhà ngoại giao mù (Ralph Fiennes) và cô gái bán hoa người Nga (Natasha Richardson) trong bối cảnh Thượng Hải những năm 1930.
Năm 2003 đạo diễn Guy Maddin làm bộ phim The Saddest music in the world (Âm nhạc buồn nhất thế giới). Kịch bản gốc do Kazuo Ishiguro viết, sau đó Maddin và George Toles viết kịch bản chuyển thể. Phim đặt trong bối cảnh đại suy thoái năm 1933 tại Canada, nữ bá tước Helen Port-Huntley (Isabella Rosenllini) tổ chức cuộc thi tìm kiếm âm nhạc buồn nhất thế giới như một chiêu quảng cáo cho công ty bia.
Giải thưởng 25 nghìn USD vào thời kỳ đại suy thoái là miếng mồi béo bở cho rất nhiều nhạc sĩ đổ về, trong đó có Chester Kent (Mark McKinney) một nhà sản xuất Broadway thất thế. Sự trở về của Chester và cuộc thi âm nhạc là cơ hội để làm sáng tỏ bí mật gia đình Chester, cũng như mối quan hệ với Helen với cái kết đầy bi kịch.
Kazuo Ishiguro được coi là nhà văn của ký ức. Tác phẩm văn chương hay điện ảnh của ông đều thấm đẫm hoài niệm. Các nhà phê bình đánh giá tiểu thuyết của ông lấy cảm hứng từ Kafka. So với các nhà văn đương thời, Kazuo Ishiguro chọn cách sống ẩn dật và khá kiệm lời. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times ông từng thừa nhận “không có nhiều ý tưởng và không phải là người giàu cảm hứng”. Trước khi trở thành người viết sách chuyên nghiệp từ năm 1982, Kazuo từng ước ao trở thành ngôi sao nhạc rock.
Người Nhật nhiều năm kỳ vọng ở Murakami nay thêm một lần thất vọng, nhưng năm nay họ tự hào với chiến thắng của Kazuo. Nhiều người Nhật biết tới cuốn Mãi đừng xa tôi (2005) qua một chương trình truyền hình địa phương thực hiện năm ngoái. 16 năm qua, NXB Hayakawa độc quyền dịch tác phẩm của ông sang tiếng Nhật, chỉ bán được chưa đến 1 triệu cuốn sách trên tổng tám tác phẩm. Tuy nhiên, sau đêm 5/10 nhà xuất bản cho biết họ nhận được đơn đặt hàng hơn 200 nghìn bản sách của Kazuo được coi là “không tưởng tượng nổi trong thời đại ngày nay”.