Chẳng hạn, Ngân hàng Á châu (ACB) công bố lãi ròng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 573 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân làm cho lợi nhuận ACB sụt giảm chính là do chi phí dự phòng rủi ro tính dụng trong nửa đầu năm lên đến 578 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của ACB cũng tăng vọt từ mức 3,03% đầu năm lên 3,65% vào cuối tháng 6 vừa qua.
Một ngân hàng khác có kết quả kinh doanh không tốt là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN-Eximbank (EIB). Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong 6 tháng chỉ đạt 514 tỷ đồng, giảm 11,41% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với ACB đây là năm thứ 2 liên tiếp EIB có hiệu quả kinh doanh rất thấp với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chưa đến 10%. Tỷ lệ nợ xấu của EIB cũng tăng từ mức 1,98% đầu năm lên mức gần 3% giữa năm nay.
Trong khối quốc doanh, lợi nhuận quý 2/2014 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV) sụt giảm ghi nhận mức 418 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với BIDV, nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận chủ yếu là do phải tăng dự phòng rủi ro tín dụng và rủi ro chứng khoán đầu tư. Cụ thể, BIDV đã phải trích dự phòng gần 700 tỷ đồng từ trái phiều doanh nghiệp (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ) và gần 3.000 tỷ đồng từ rủi ro tín dụng.
Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) sụt giảm không phải do dự phòng rủi ro tín dụng mặc dù tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ mức 1% đầu năm đến 2,53% vào cuối tháng 6 vừa qua. Lợi nhuận ròng Vietinbank 6 tháng hơn 3.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ chủ yếu do thua lỗ từ đầu tư chứng khoán hơn 135 tỷ đồng.
Bên cạnh những ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm cũng có một số điểm sáng trong giới nhà băng cùng niêm yết. Đơn cử: Lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương – Vietcombank trong nửa đầu năm đã tăng 9,34% so với cùng kỳ và đạt 2.486 tỷ đồng. Vietcombank là một trong những ngân hàng hoạt động khá tốt và ổn định trong nhiều năm qua. ROE trong 6 tháng của Vietcombank lên đến 8,78%. Đây là mức rất cao so với lợi nhuận chung của các ngân hàng hiện nay. Tuy vậy, cũng như những ngân hàng khác nợ xấu tính đến hết quý 2 của ngân hàng này lên tới 9.032 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu đạt 3,09%.
Hai ngân hàng khác có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Sacombank trong 6 tháng đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 10,54% so với cùng kỳ và tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ xấu chỉ có 1,5%, Sacombank trở thành ngân hàng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết hiện nay.
Trong khi đó SHB lại có mức lợi nhuận tăng vọt do mở rộng hoạt động tín dụng. Lợi nhuận sau thuế của SHB đạt 401 tỷ đồng tăng 32% so với cùng kỳ. Trong thuyết minh báo cáo tài chính của SHB không đưa ra con số nợ xấu mà chỉ ghi nợ quá hạn (bao gồm Nợ cần chú ý + Nợ xấu) lên đến 7.470 tỷ đồng, bằng 8,16% tổng dư nợ.
Bức tranh về lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm cho thấy không đến mức tệ so với cùng kỳ trước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hầu hết ngân hàng không cao thể hiện qua chỉ số ROE vẫn còn khá thấp. Đặc biệt, nợ xấu các ngân hàng đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù đây là thông tin không hề mới bởi với việc áp dụng Thông tư 09 mà trước đó nhiều chuyên gia đều cảnh báo nhưng có thể xem là một nét tích cực vì con số này sẽ phản ánh trung thực hơn tình trạng nợ xấu của các ngân hàng.