Nỗ lực tháo ngòi xung đột Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngoại trưởng Nga - Mỹ gặp nhau ngày 21/1 tại Geneva (Thụy Sĩ) trong một cuộc gặp được coi là nỗ lực cuối cùng để giải quyết xung đột xoay quanh vấn đề Ukraine.

Lời qua tiếng lại

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov diễn ra chỉ 11 ngày sau khi các thứ trưởng ngoại giao của 2 nước gặp nhau tại Geneva. Trong cuộc họp kéo dài gần 8 giờ ngày 10/1, các quan chức Nga và Mỹ đã nhất trí duy trì đối thoại trong bối cảnh Mátxcơva bị cáo buộc điều hàng chục nghìn binh sĩ đến biên giới với Ukraine. Nga liên tục phủ nhận cáo buộc này.

Ông Blinken và ông Lavrov đều là những nhà ngoại giao kì cựu từng chạm trán nhau suốt nhiều năm. Ông Blinken nổi tiếng với sự điềm tĩnh đến khó tin, trong khi ông Lavrov gây ấn tượng với tính cách cương trực. “Chúng ta đang đối mặt những vấn đề khó nhằn. Việc giải quyết chúng chắc chắn sẽ mất thời gian. Tôi không hy vọng rằng những vấn đề này có thể được giải quyết ở Geneva”, ông Blinken nói trước cuộc họp với người đồng cấp Nga. “Nhưng chúng ta có thể gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Và nếu Nga giảm leo thang trên thực địa thì chúng ta có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này trong vài tuần tới”, ông nói.

Nỗ lực tháo ngòi xung đột Ukraine ảnh 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái). Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Blinken cho biết ông sẽ không đưa ra phản hồi chính thức với ông Lavrov về các đề xuất mà Nga đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Trước khi gặp ông Lavrov, ông Blinken đã có chuyến thăm Ukraine, và hội đàm với các quan chức Anh - Pháp - Đức tại Berlin về tình hình khu vực Đông Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/1 nhận định, người đồng cấp Nga Vladimir Putin có khả năng sẽ hành động ở Ukraine. Ông Biden cảnh báo về một “thảm họa đối với Nga”, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nếu Mátxcơva khiến căng thẳng leo thang. Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng những nhận xét của ông Biden ẩn chứa nội dung gây bất ổn và có thể “truyền cảm hứng cho một số cái đầu nóng ở Ukraine với những hy vọng hão huyền”.

Nga nói rằng những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ sẽ không giúp xoa dịu tình hình. Mátxcơva tuyên bố sẽ có hành động quân sự nếu những yêu cầu của mình không được Washington và NATO đáp ứng.

Chia rẽ và đoàn kết

Mỹ và các nước phương Tây đang cố thể hiện đoàn kết và quan điểm cứng rắn trong vấn đề Ukraine, sau khi Tổng thống Biden gây hoang mang vì thừa nhận sự chia rẽ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cách phản ứng nếu Nga thực hiện một cuộc “tấn công nhỏ”.

Sau những phát biểu gây hoang mang, ông Biden đã cố gắng sửa chữa. “Tôi đã nói cực kỳ rõ với Tổng thống Putin, và ông ấy không hiểu nhầm. Nếu có bất kỳ đơn vị nào của Nga vượt qua biên giới, đó sẽ là một cuộc tấn công”, ông Biden nói ngày 20/1. Hành động đó sẽ vấp phải “phản ứng phối hợp mạnh mẽ, những biện pháp kinh tế đã được bàn chi tiết với các đồng minh và đã nói rõ với Tổng thống Putin”, ông Biden nói với báo chí.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ cho thấy nỗ lực của những thành viên khác trong chính quyền, khi Nhà Trắng đang cố gắng bác bỏ bất kỳ gợi ý nào cho rằng một cuộc tấn công quy mô nhỏ của Nga vào Ukraine sẽ chỉ dẫn đến phản ứng yếu ớt của Mỹ. Theo Mỹ và phương Tây, Nga vẫn tập hợp hàng ngàn binh lính gần biên giới Ukraine, có thể sẽ tấn công quốc gia láng giềng. Nga bác bỏ kế hoạch tấn công nhưng nói sẽ có hành động quân sự nếu danh sách yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Trong phát biểu trước đó, Tổng thống Biden nói rằng ông nghĩ Tổng thống Putin sẽ tiến vào Ukraine, và có vẻ gợi ý rằng Washington và các đồng minh có thể bất đồng về cách phản ứng nếu Mátxcơva không thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đáp trả gay gắt trước những phát biểu này. “Chúng tôi muốn nhắc nhở các cường quốc rằng, không có một cuộc tấn công nhỏ và quốc gia nhỏ nào. Cũng không có thương vong nhỏ và nỗi đau nhỏ nào từ việc mất người thân yêu”, ông Zelenskiy viết trên Twitter bằng tiếng Anh và Ukraine.

Phát biểu của ông Biden khiến các đồng minh cũng phải cố gắng khắc phục thiệt hại, nhấn mạnh sự đoàn kết. “Dù Nga chọn con đường nào thì Mỹ, Đức và các đồng minh của chúng tôi vẫn đoàn kết”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong chuyến thăm Berlin để gặp các bộ trưởng Anh, Pháp và Đức. “Chúng tôi khẩn cấp yêu cầu Nga có những bước đi để xuống thang. Bất kỳ hành vi hung hăng nào thêm cũng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, bà Baerbock nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, phát biểu của ông Biden về “một cuộc tấn công nhỏ” không phải để bật đèn xanh cho Nga tiến vào Ukraine. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: “Nếu Nga có bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào Ukraine, ở bất kỳ quy mô nào, tôi nghĩ sẽ là thảm họa, không chỉ với Ukraine mà cả Nga”.

MỚI - NÓNG