Nô lệ thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 100 người Việt từ lãnh thổ nước bạn bất chấp nguy hiểm, liều lĩnh nhảy xuống dòng nước chảy xiết bơi về An Giang cũng như cố chạy trốn về hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để tìm kiếm sự giúp đỡ, có người mãi mãi không về được đất mẹ đã gây bàng hoàng dư luận những ngày qua.

Họ là những công nhân, lao động nghèo muốn thay đổi số phận và bị rơi vào cạm bẫy của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, trở thành một thứ hàng hóa của các tổ chức tội phạm buôn bán người. Đặc điểm chung của hầu hết các trường hợp được giải cứu và may mắn trở về từ Campuchia vừa qua là tội phạm trong nước lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để dẫn dụ và đưa người lao động vượt biên trái phép sang nước bạn rồi bán cho các sòng bạc, cơ sở kinh doanh nhạy cảm... Không chỉ bị mua đi, bán lại như một món hàng, ở bên kia biên giới, các lao động bị đối xử không khác gì nô lệ. Họ bị quản thúc, theo dõi suốt 24/24 và bị người sử dụng lao động bắt buộc phải làm những công việc lừa đảo, vi phạm pháp luật, ai chống đối, không hoàn thành nhiệm vụ là bị bỏ đói và bị đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Nhiều người chịu không nổi sự hành hạ phải cầu cứu người nhà vay mượn tiền chuộc về hoặc tìm mọi cách bỏ trốn, có không ít trường hợp kết thúc cuộc sống ngay trên đất khách.

Chưa có số liệu thống kê chính xác số lao động bị lừa bán và sống cuộc đời như nô lệ ở bên kia biên giới nhưng với hơn 1.000 trường hợp vừa được chính quyền hai nước phối hợp giải cứu trong thời gian qua thì chắc chắn con số nạn nhân thực tế là không nhỏ. Vấn đề nhức nhối và rất đáng quan tâm là nạn buôn người, lừa gạt và bán nạn nhân sang bên kia biên giới không còn là chuyện mới mẻ. Vấn nạn này đã xảy ra nhiều năm qua ở các tỉnh biên giới phía Bắc và được báo chí tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao cảnh giác. Vậy thì hà cớ gì số lượng nạn nhân sập bẫy và bị bán qua biên giới Campuchia thời gian qua nhiều đến vậy? Trong số hàng nghìn trường hợp, có bao nhiêu người đích thực là nạn nhân, hoàn toàn lệ thuộc vào những kẻ buôn người?

Nói một cách thẳng thắn, các nạn nhân vừa đáng thương, vừa đáng trách bởi nếu không cố ý vi phạm pháp luật mà cụ thể là vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh thì tội phạm dù có giỏi đến mấy cũng không thể đưa nạn nhân qua bên kia biên giới. Và, cũng chính vì vi phạm pháp luật của cả hai nước nên các nạn nhân mới không được bảo vệ một cách kịp thời khi rơi vào hang ổ tội phạm.

Các quy luật kinh tế và thực tế cuộc sống đã chỉ ra chất lượng lao động luôn tỷ lệ thuận với tiền lương và thu nhập. Miếng mồi “việc nhẹ, lương cao” đối với lao động phổ thông rất ngon nhưng là chuyện hết sức phù phiếm, kể cả tại các nước phát triển. Do đó, để không rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, phải sống lay lắt, đọa đày nơi đất khách, bài học nằm lòng đối với lao động muốn thay đổi cuộc đời là trước hết phải luôn tuân thủ các quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG