Nín thở tác nghiệp tại khu phi quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên

Những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo hàng rào dây thép gai này.
Những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo hàng rào dây thép gai này.
Nghiêm trang, tĩnh lặng, pha chút lo lắng, đó là những cảm xúc trái ngược nhau khi tôi được lần đầu tiên đặt chân đến khu vực phi quân sự Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên vào nửa đầu năm 2015. Giới tuyến quân sự này được lập ra vào năm 1953 bởi Liên Hợp Quốc (LHQ) khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc chưa đầy một giờ xe chạy, song khu vực phi quân sự (DMZ) lại khá biệt lập và bí hiểm. Nói thế là bởi lẽ, cái cảm giác nhẹ nhõm, lãng mạn khi đi qua những con đường đầy sắc trắng của hoa anh đào dần dần mất đi khi chúng tôi tiến vào DMZ. Một lằn vạch trắng trên đường đánh dấu khu vực đã trở thành cửa ngõ đầu tiên mang lại cái cảm giác căng thẳng.

Tiếp đến là những tuyến hàng rào dây thép gai cao quá đầu người dọc theo con sông Imjin. Sự lo lắng đến dần khi chúng tôi đi qua các trạm gác chỉ cách nhau có 500m. Các binh sĩ đứng gác nghiêm nghị, khuôn mặt lạnh lùng và lừ mắt đầy cảnh báo khi chúng tôi định giơ máy ảnh lên chụp.

Một sĩ quan quân đội của Hàn Quốc bước lên xe và nhắc chúng tôi rằng, dù là đoàn nhà báo quốc tế đến tham quan DMZ song chúng tôi sẽ không có được bất kể một ngoại lệ nào, tức là chúng tôi sẽ được đối xử như các du khách và chỉ được phép chụp ảnh, quay phim (“nhớ là chụp ảnh, quay phim” anh ta nhắc lại) khi được phép mà thôi. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định đã ban hành tại DMZ.

Trời bắt đầu hửng nắng, cái nắng cuối xuân ở Hàn Quốc gay gắt, hanh khô nhưng vẫn có gió buốt. Sáng nay, để tới được DMZ, chúng tôi phải di chuyển từ Busan lúc 7h bằng tàu cao tốc. Sau đó, khi tới ga chính ở thủ đô Seoul, chúng tôi đã được đưa lên 3 chiếc xe du lịch cỡ lớn rồi thẳng tiến tới khu vực phi quân sự. Chuyến thăm DMZ là chuyến đi cuối cùng trong hành trình khám phá Hàn Quốc kéo dài 7 ngày của đoàn nhà báo chúng tôi. Có tất cả hơn 100 nhà báo đến từ 50 quốc gia trên thế giới đã tụ hội về đây.

Nín thở tác nghiệp tại khu phi quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên ảnh 1

Khu vực Bàn Môn Điếm với cảnh tĩnh lặng đến lạ thường.

Đoàn nhà báo Việt Nam gồm có tôi và hai đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam và Báo Đầu tư. Chúng tôi đã cùng các bạn đồng nghiệp tham dự 2 hội thảo về hoạt động báo chí và phương cách bảo vệ các nhà báo tại những khu vực nguy hiểm được tổ chức tại hai thành phố lớn của Hàn Quốc là Seoul và Busan… Và khi đến DMZ, có vẻ như chúng tôi đang được thực tập với những gì đã thảo luận trong các cuộc hội thảo.

Đoàn xe chở chúng tôi tiến dần vào sâu bên trong khu DMZ. Đây là vùng đất rộng 4km chạy dài 243km chia bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia. Vì dân thường không được đặt chân vào khu vực này nên DMZ trông khá hoang dã. Cảnh đẹp thiên nhiên thì hùng vĩ, những khoảng không kéo dài cho phép chúng tôi phóng tầm mắt ra xa. Hướng dẫn viên trên xe bắt đầu giới thiệu.

DMZ là nơi an toàn đối với du khách và cũng là chỗ để người dân Nam-Bắc Triều Tiên liên lạc với nhau hằng ngày. Một quả chuông Hòa bình thật to lớn được Phật giáo Hàn Quốc xây dựng ngay tại đây để gióng tiếng chuông cầu nguyện và mong tạo dựng nền hòa bình chung. Quả chuông này chỉ được đánh vào những dịp đặc biệt nhưng khi tiếng chuông vang lên, người dân sinh sống hai bên vĩ tuyến đều nghe thấy khát vọng hòa bình.

Hướng dẫn viên cũng cho biết, du khách từ khắp thế giới muốn đến DMZ thường di chuyển bằng xe bus theo hợp đồng của các công ty du lịch. Điểm tham quan mở rộng lớn và duy nhất ở DMZ là khu vực Imjingak.

Cách ranh giới quân sự 7km, khu vực Imjingak được xây dựng năm 1972 trong niềm hy vọng thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Thắng cảnh này nhìn ra hợp lưu của sông Hangang và Imjingak. Năm 1992, khi công viên Imjingak được hoàn thành và khai trương, mở cửa đón du khách, đã có hơn 20 triệu lượt du khách đến tham quan.

Tại đây, người ta có thể nhìn thấy 12 loại xe tăng, thiết giáp được sử dụng trong cuộc chiến năm xưa, được ngắm nhìn những bức ảnh triển lãm mô tả cuộc sống hằng ngày của người dân CHDCND Triều Tiên. Sát cạnh quảng trường trong công viên là cây cầu Tự do dài 83m, rộng 4,5m, cao 8m được làm bằng gỗ thông và sắt, bắc ngang dòng sông Imjin nối hai bờ Triều Tiên.

Tên của cây cầu bắt nguồn từ những tiếng hô “Tự do” của những người lính được trao trả sau Hiệp định ngừng bắn năm 1953 đặt những bước chân đầu tiên lên cầu sau khi trở về từ bên kia chiến tuyến. Phần lớn cây cầu đã bị phá hủy, còn lại một đoạn, ở cuối đoạn cầu là hàng rào dây thép gai. Những lời nguyện cầu hòa bình, thống nhất, của người dân Hàn Quốc và du khách trên thế giới được treo dọc theo hàng rào dây thép gai này.

Cạnh đó là con tàu cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên bị phá hủy cùng đường sắt cũ. Trên nóc của tòa nhà triển lãm cao 5 tầng là 20 kính viễn vọng chỉ về hướng Bắc giúp chúng tôi nhìn thấy rõ làng Hòa bình của CHDCND Triều Tiên và Khu công nghiệp Keasong…

Nhưng thú vị nhất vẫn là cảnh tượng tại Panmunjeon (hay còn gọi là Bàn Môn Điếm). Đây là khu vực diễn ra các cuộc đàm phán và được bảo vệ an ninh khá chặt chẽ. Những tòa nhà xanh được xây chính giữa đường biên giới (một nửa ngôi nhà nằm trên đất CHDCND Triều Tiên và nửa còn lại nằm trên đất Hàn Quốc). Muốn vào sâu trong khu vực này, du khách thường phải mua vé và trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh ngặt nghèo.

Một sĩ quan cấp cao của Mỹ đang làm nhiệm vụ tại đây cho chúng tôi biết, tại thời điểm này, căng thẳng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang leo thang vì những vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng và cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc-Mỹ nên tạm thời du khách không được vào cho đến khi tình hình lắng xuống. Tuy nhiên, do “đặc quyền” là đoàn nhà báo quốc tế nên chúng tôi vẫn được đón tiếp. Dù vậy, sẽ có những quy định cụ thể để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Chúng tôi chỉ được phép di chuyển bằng xe của quân đội, ngồi đúng số ghế của mình từ lúc đi cho đến lúc về. Máy ảnh, giấy tờ cá nhân được yêu cầu để lại trên xe. Vậy nên nếu có, chúng tôi chỉ có thể dùng điện thoại và tự chụp. Chỉ nghe đến thế thôi cũng đã đủ thấy lo ngại rồi. Khi xe đến Bàn Môn Điếm, chúng tôi được dẫn vào từng căn phòng, được nghe giải thích và giới thiệu đầy đủ về các cuộc gặp mặt tại đây.

Thú vị nhất là khi sĩ quan quân đội Hàn Quốc tuyên bố được chụp ảnh. Chúng tôi hối hả xếp theo hàng, mỗi người chỉ cần 5 giây để tách một kiểu ảnh rồi nhường lại chỗ cho người khác. Ra khỏi tòa nhà, đứng trên sân trước, nhìn toàn bộ khung cảnh mới thấy rõ phía đối diện là tòa nhà màu trắng của CHDCND Triều Tiên với nhiều lính gác đang dùng ống nhòm quan sát chúng tôi.

Nơi đây không cấm chụp ảnh, chúng tôi có thể chụp cả những đường biên là gờ xi măng giữa tòa nhà. Nhưng chỉ được chụp thẳng, không được quay trái hay quay phải. Nhân vật chụp ảnh cũng phải đứng cách các sĩ quan quân đội ít nhất 3m. 5 binh sĩ Hàn Quốc được yêu cầu giám sát việc chụp ảnh của chúng tôi. Chỉ cần nhích sang bên phải hay bên trái một chút, bức ảnh chụp được sẽ bị xóa ngay lập tức. Nhiều phóng viên trong đoàn chúng tôi đã buộc phải xóa ảnh do chụp ở đúng vị trí không được phép.

15 phút chụp ảnh kết thúc, chúng tôi quay trở lại xe quân sự. Trên đường trở lại khu vực Imjingak, chúng tôi được phép dừng lại 2 trạm gác bỏ không trong vòng 10 phút để chụp ảnh vùng đất CHDCND Triều Tiên từ xa. Rời DMZ, hình ảnh về những tòa nhà xanh nằm ở trung tâm khu vực an ninh chung giữa Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên vẫn ám ảnh tôi. Kỷ niệm về lần thăm cây cầu Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 từng chia cắt Việt Nam lại ùa về. Tôi thầm mong, sự thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ sớm trở lại mang theo niềm hạnh phúc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán nơi đây.

Theo Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG