Nín thở Syria

Nín thở Syria
TP - Căng thẳng tại Syria tiếp tục leo thang mạnh trong những ngày qua bất chấp các nỗ lực của chính phủ tìm cách giải quyết bế tắc một cách hòa bình.

> Israel lo ngại vì tàu hải quân Iran tới Syria

Tổng thống Bashar Al-Assad đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp vào ngày 26-2, với mục đích đáp ứng những yêu cầu cải cách chính trị của phe đối lập. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị dội một gáo nước lạnh khi phe đối lập thẳng thừng bác bỏ và nói rằng đề xuất “không chân thành”.

Thậm chí, phương Tây đã tổ chức hội nghị “Những người bạn Syria” tại Tunisia gồm các đại diện phe đối lập Syria và 80 quốc gia không ưa chính phủ của Tổng thống Assad.

Giới phân tích thừa nhận phương Tây đang tìm cách liên kết các nhóm chống đối tại Syria thành một khối thống nhất nhằm tăng cường sức mạnh để đối đầu với chính phủ đương nhiệm.

Có thể nói tình hình bất ổn kéo dài 11 tháng qua tại Syria đang trở nên tồi tệ hơn do sự can thiệp trắng trợn của phương Tây. Việc Liên đoàn Arập (AL) đề cập khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Syria đang làm dấy lên đồn đoán về nguy cơ có sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, phe đối lập ngày càng tỏ thái độ thách thức với chính phủ, kiên quyết từ chối đối thoại, đã khiến dư luận quan ngại về khả năng đất nước này trở thành một Lybia thứ hai. Thêm vào đó, các thông tin tình báo đồn đoán Mỹ, Pháp, Ý, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đang âm thầm lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

Còn Tổng thống Mỹ Obama đang chờ nghe báo cáo kết quả hội nghị “Những người bạn Syria” từ Ngoại trưởng Hillary Clinton để đưa ra quyết định có can thiệp quân sự vào Syria hay không. Dường như, các nước đồng minh chỉ còn chờ “súng lệnh” từ Washington để xúc tiến kế hoạch hành động.

Bất chấp những lời đồn đoán trên, khả năng tấn công quân sự vào Syria vẫn đang bỏ ngỏ. Bởi lẽ hiện chính phủ của Tổng thống Bashar vẫn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dòng Hồi giáo Shiite và đặc biệt là những người lo ngại nguy cơ Israel “đục nước béo cò”.

Hơn nữa, so với Lybia, Syria có ảnh hưởng khá lớn không chỉ trong cộng đồng các quốc gia Arập mà cả thế giới Hồi giáo. Phong trào Hezbollah tại Libanon đã cảnh báo sẽ tấn công Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Tại Liên hợp quốc, Nga và Trung Quốc, hai thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, đã khẳng định quan điểm không ủng hộ giải pháp quân sự tại Syria.

Trong tình hình nước sôi lửa bỏng như hiện nay, thế giới đang nín thở chờ đợi một giải pháp hòa bình bằng đối thoại thay vì vũ khí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG