Niềm tin và quản lý

Niềm tin và quản lý
TP - Con người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tín ngưỡng Phật giáo đặc biệt quan trọng. Gần như tất cả những người đang sống chỉ có thể an tâm được khi thân nhân đã khuất được mồ yên mả đẹp. Càng ngày đời sống tâm linh phong phú thì niềm tin, tín ngưỡng, tâm linh truyền thống càng được coi trọng. 

Dẫu thế thực tế vẫn xảy ra chuyện trớ trêu ngay cả khi nhiều điều, nhiều việc người sống đã tìm đến, nương nhờ vào tâm linh hỗ trợ. Thỉnh oan gia trái chủ, tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch corona ở chùa Ba Vàng một phần cũng vì niềm tin của một bộ phận người dân đã quá tin! 
Với vấn chuyện lo hậu sự cho người đã khuất việc gửi tro cốt vào chùa là hoạt động tín ngưỡng bình thường nhưng quản lý lại đang có chuyện.

Hãy bắt đầu tư chuyện người sống lo nơi bình yên cho người đã khuất, dễ thấy đa số nhân dân đã thực hiện chôn cất, chọn nơi lưu táng tro cốt người đã khuất tuân theo định hướng “tốt đời đẹp đạo”, văn minh của nhà nước. Nghĩa trang mới hiện đại, khang trang, được quy hoạch thành những công viên vĩnh hằng. Hoạt động an táng, tổ chức xây dựng nơi an nghỉ cuối cùng cho người đã khuất, hoạt động thăm viếng cúng lễ… được quản lý văn minh. Ngay ở nhiều công viên vĩnh hằng, người ta cũng tôn nghiêm dựng tượng Phật để độ cho kể cả người đã khuất. 

 Song rất đông người dân ở các đô thị vẫn có nhu cầu quá cao đưa tro cốt của người thân vào những nơi thờ tự, chùa… Nhiều người quan niệm và tin rằng người đã mất nếu được yên nghỉ tại nơi mà ở đó lời kinh, chuông chùa, giáo lý nhà Phật… cất lên hằng ngày sẽ rất dễ siêu thoát. Với gốc của niềm tin đó mà chùa và cả cơ sở thờ tự khác đã trở thành nơi chứa rất nhiều tro cốt người thân đã khuất lại không thật đảm bảo về an toàn trong bảo quản, quản lý, không ít người lăn tăn: Có gì đó sai sai chăng khi trong chùa có quá nhiều hũ tro cốt. Nếu chùa cứ nhận nhiều hũ tro thì một phần của nhà chùa có giống nghĩa trang?  Và với niềm tin lớn, nhiều người đã bỏ qua các cân nhắc, yêu cầu tối thiểu khác để đảm bảo cho một vật hữu hình quan trọng được an toàn tồn tại và làm an yên người đang sống.

 “Nhân quả” trong giáo lý nhà Phật là có thật, song “nhân” của một “quả” trong hiện tại đôi khi được lý giải là có thể được gieo từ vô lượng kiếp… Có lẽ vì thế mà người thấm giáo lý “nhân quả”  không hẳn đồng nghĩa với quản lý tốt nhất những vật hữu hình và cả những “nhân” của mình gieo trong đời thường. Tro cốt phải được quản lý theo các quy định tường minh, tuân theo trình tự thủ tục có sự giám sát của cơ quan chức năng. Khi niềm tin không đồng hành với quản lý, người dân gửi tro cốt ở chùa phải nhận lại nước mắt và bất an. 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tìm đến quản lý bằng việc ra văn bản yêu cầu Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá để đưa ra định hướng quản lý. Muộn còn hơn không nhưng rõ ràng với những nơi có hàng trăm, cả nghìn hũ tro cốt tồn tại thì cũng rất cần thiết phải có sự phối hợp quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Như thế, niềm tin, tín ngưỡng, đời và đạo mới quyện hòa vẹn toàn dài lâu!

MỚI - NÓNG