Lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân. Hàng chục câu hỏi “nóng” trong thời gian 3 tiếng khó mà giải đáp hết những khúc mắc của những người “một nắng, hai sương”.
Nông nghiệp trong những năm gần đây đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế.
Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, các sản phẩm nông nghiệp đã xuất siêu, góp phần giúp nền kinh tế không bị tụt âm (trong bối cảnh các nước Asean đều tăng trưởng âm). Ngay ở trong nội địa, nhiều chuyến xe nông sản nghĩa tình ở vùng bớt dịch được chuyển tới vùng tâm dịch. Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp năm nay có thể không đạt con số 41 tỷ USD như kỳ vọng, nhưng với con số khoảng 40 tỷ USD những năm gần đây, đáng để tự hào. Như Thủ tướng nói trong cuộc đối thoại, đó thực sự là một trụ cột của nền kinh tế.
Thông qua các cuộc đối thoại thế này, dường như các thành viên Chính phủ trở nên gần gũi, hiểu nông dân hơn để có giải pháp tháo gỡ. Đúng như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo sau đối thoại, các bộ ngành phải bắt tay vào cuộc ngay.
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) đã trở thành động lực để thay đổi làng quê. Đời sống của bà con nông dân đã khởi sắc hơn so với trước đây rất nhiều. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn. Thậm chí, ở nhiều nơi ven đô còn bị thành thị hoá nông thôn. Đất tại nhiều vùng quê có con em làm ăn xa xứ thuận lợi (như xuất khẩu lao động, kinh doanh…) còn đắt ngang đô thị lớn.
Có rất nhiều câu hỏi muốn Thủ tướng và lãnh đạo bộ ngành trả lời. Đương nhiên có rất nhiều nông dân tiêu biểu đã tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.
Những người nông dân này không chỉ biến “sỏi đá thành cơm” mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Điều quan trọng nhất, họ đã gieo niềm tin rằng: Có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Có thể sẽ còn nhiều cuộc đối thoại nữa và sau mỗi lần nhiều khi chỉ giải quyết được vài vấn đề, nhưng rõ ràng các bộ ngành buộc phải vào cuộc. Người nông dân được nạp thêm niềm tin để làm công việc cả nghìn đời cha ông đeo đuổi và nhìn thấy khả năng thịnh vượng từ đó trong bối cảnh mới.