Nhụt chí dẹp sang một bên

TP - Vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng do bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Trưởng phòng Phòng Chống tham nhũng làm trưởng đoàn bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố, bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường còn nóng kéo dài.

Đây không chỉ là bằng chứng mà còn gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng “tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”.

 Nhớ lại từ năm 2013, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Sinh Hùng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã nói thẳng: “Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia. Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy...”, Ông cũng đặt ra câu hỏi: “Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không”?

 Sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước chuyển căn bản, không còn vùng cấm, không còn ngoại lệ. Tuy vậy, những vụ việc xảy ra đối với Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, hay trước đó là vụ 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố vì tội “nhận hối lộ” là một thách thức lớn đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

 Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… Công điện cũng yêu cầu ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

 Tổng Thanh tra Chính phủ trong văn bản mới ban hành cũng nhắc đến việc 3 cán bộ trong đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị khởi tố về hành vi Nhận hối lộ khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trên là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, viên chức thanh tra không nghiêm. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thanh tra chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Việc phát hiện, xử lý vi phạm cũng chưa kịp thời, nghiêm khắc. 

 Đã đến lúc cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. 

Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu liêm chính, trong sạch, quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, nhũng nhiễu thì ở đó tiêu cực ít xảy ra. Ngược lại nơi nào, ít quan tâm, hoặc “nhụt chí” thì tiêu cực, tham nhũng vẫn nảy sinh, thậm chí diễn ra phức tạp. Do đó, để xây dựng lực lượng chống tham nhũng liêm chính, chí công, vô tư, trong sạch, không bị cám dỗ, mua chuộc thì việc cần làm ngay là phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, buộc những người “nhụt chí” “dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với những lực lượng phòng chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán... Có như thế mới ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng “tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”.

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.