Những vua đầu bếp… làng

Đội bếp của chị Ngọc Ánh (thôn La Trung) bày các món lên đĩa, chuẩn bị đãi tiệc đám cưới. Ảnh: Thanh Trần.
Đội bếp của chị Ngọc Ánh (thôn La Trung) bày các món lên đĩa, chuẩn bị đãi tiệc đám cưới. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Có những ngôi làng đặc biệt ở xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nơi bà con bao đời gắn với nghề nông nhưng lại sản sinh ra hàng trăm đầu bếp tài ba. Những đầu bếp ấy bước ra khỏi chái bếp nhà mình mang những mâm cỗ thơm ngon đi khắp tỉnh, “phủ sóng” luôn cả thành phố Đà Nẵng. Bây giờ, làng Đông Hòa, Châu Lâu, La Trung…được mọi người gọi tên là làng đầu bếp hay làng nấu đám tiệc khi có tới cả trăm dịch vụ nấu ăn.

“Chạy sô” nấu tiệc

Thôn Châu Lâu ngày cuối tuần rộn ràng như một công trường. Nhà nhà sôi động từ tiếng lao nhao của chị em hối thúc nhau, tiếng dao nện liên tục vào thớt, tiếng thực phẩm bắt dầu mỡ réo sôi trên chảo lửa. Khắp các ngả đường, từng xe tải nhỏ thùng chất đầy mâm cỗ nối đuôi nhau rời làng tiến ra Đà Nẵng.

Tranh thủ giờ trưa, chị Trần Thị Thu Hà (chủ dịch vụ nấu ăn Sơn Hà) soạn mâm cơm đơn sơ cho chị em đội bếp cùng ăn. Chị nói cuối tuần và các ngày lễ là nhà nào cũng phải “chạy sô” vì tiệc dồn dập. Có ngày nhận tới cả chục tiệc trong và ngoài tỉnh, chị em quần quật từ hai giờ sáng tới khuya mới nghỉ tay.

“Chừ ăn xong tiếp tục nấu nướng, bày dọn đồ đạc, lát nữa xe về là chuyển đi. Nấu ăn kì công nhưng cũng phải “rẹc đùng” vì nhiều tiệc quá, không nhanh tay là muộn giờ đãi khách của chủ nhà như chơi”. Vừa đặt đũa, năm chị em đội bếp quay qua với lấy mớ rau củ ngồi sơ chế, thoăn thoắt mổ gà, cắt thịt. Chị Hà vừa kiểm tra lại món ăn, vừa kè kè chiếc điện thoại đổ chuông liên tục điện tới đặt mâm cỗ.

Thôn La Trung cạnh bên cũng trong không khí hối hả, khẩn trương không kém. Nối sau đoàn xe tải “chuyên dụng” là hàng chục xe máy lỉnh kỉnh nồi niêu bát đĩa đi phục vụ tiệc nhỏ. Chuyến xe cuối vừa ra khỏi cổng, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (chủ dịch vụ nấu ăn Ngọc Ánh) quay về căn bếp rộng thênh thang, nhướng đôi mắt chực sụp xuống vì thức đêm, tay đều đều lật mớ gà luộc trên bếp lửa. Chị mệt mỏi: “Hôm ni nấu tới 8 tiệc. Tiệc gần nhất là cái đám cưới ở xóm dưới, 35 mâm. Chừ chị em tản ra đi theo các tiệc hết rồi, bếp ở nhà chỉ có mình tui thôi. Tui đứng bếp từ khi gà chưa gáy cho tới tiệc cuối cùng, chắc cũng 4 giờ chiều”.

Bên hông bếp, một loạt lịch đặt tiệc ghi rõ ngày tháng và các món, có ngày cao điểm tới 12 tiệc. Dù mâm cỗ ngập đầu, nhưng chị Ánh luôn là người tẩm ướp gia vị các loại và đứng bếp nấu chính. Chị em làm cùng chỉ sơ chế rau củ, thịt, cá… Những người tin cẩn và chắc tay nghề hơn mới được giao ra đứng bếp, song chủ yếu là làm nóng lại đồ ăn. “Người ta đặt dịch vụ của mình là do nhớ món ăn chính tay mình nấu. Giờ không thể đông khách mà “sang tay”, như vậy là làm ăn không uy tín. Thành thử, mỗi ngày tui chỉ dám giới hạn nhận nhỉnh hơn ngàn khách để đảm bảo nấu nướng chỉnh chu, đàng hoàng”, chị khẳng khái.

Cũng vì tiệc dồn dập, nhiều hôm các dịch vụ kiếm không ra người phụ bếp. Chị em trong làng vắt chân lên cổ “chạy sô”. Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Đông Hòa) cho hay mỗi tháng hơn hai chục ngày chị phải “đầu quân” cho các dịch vụ. “Có bữa ba bốn chỗ tới gọi, đành phải ưu tiên ai gọi trước thì đi trước. Xong chỗ này là tui tức tốc chạy qua chỗ kia. Chỉ sợ không có sức “ôm sô” thôi, chứ việc thì ngập đầu”, chị nói.

Những vua đầu bếp… làng ảnh 1

Chị Trần Thị Thu Hà “khoe” đồng phục lịch sự của đội bếp cùng thành tích xuất sắc của mình trong lớp học nấu ăn.

Chuyên nghiệp

Khi MC vừa bắt đầu phần giới thiệu hai bên họ hàng cô dâu chú rể, đội bếp do chị Lê Thị Mai (thôn La Trung) làm “đội trưởng” phía sau hôn trường thoăn thoắt đơm thức ăn vào đĩa, sắp lên kệ. Rau xanh, bánh mì, bún để một bên, các loại thịt cá sống để một bên. Chị Mai bảo các món đều sắp xếp có ý đồ,  món nào lên mâm trước sắp trên, món nào sau sắp dưới. Các món chiên như xôi, tôm sát giờ đãi khách đội bếp mới chiên nóng để đảm bảo độ thơm giòn.

Nghe trong hội trường vừa xong phần cảm ơn của gia chủ, chị Mai hô to: “Rồi! Món lên đi!”. Mười chị em xếp một hàng ngay ngắn nối gót nhau tiến thẳng vào hôn trường, một tay bưng đĩa khai vị đưa cao tầm vai, nhẹ nhàng đặt xuống từng bàn rồi nhanh chóng trở ra lại chuẩn bị các món chính.

“Hồi xưa đám cưới là dọn hết món ăn ra một lúc, ứ nự rứa nên khách “no mắt”, ăn chẳng thấy ngon. Chừ tụi tui đi nhiều, biết người ta ưa thưởng thức hơn là ăn no nên dọn từ từ từng món. Cứ canh giờ sau món khai vị tầm 10 phút là lần lượt cho món chính lên. Các món cũng phải xen kẽ khô, nước cho khách dễ nuốt. Và tiệc nào cũng nhất định phải có đồ tráng miệng nhẹ như trái cây, hạn chế để các loại bánh vì khách đã lưng bụng”, chị Mai giải thích.

“Thấy nghề nấu ăn ngày một phát triển, vực dậy kinh tế của xã, từ năm 2013 Hội LHPN đề xuất với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam tổ chức lớp dạy nấu ăn, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho chị em. Đến nay hơn 100 người đã được cấp chứng chỉ nấu ăn. Đó là lợi thế để họ khẳng định uy tín dịch vụ của mình hơn”, bà Võ Thị Tình, Chủ tịch HLHPN xã Điện Thọ.

Trong khi đó, đội bếp của chị Hà còn chuyên nghiệp hơn khi bất kể tiệc gần tiệc xa đều mang đồng phục. Áo quần, mũ tới thực đơn đều có thông tin liên hệ của dịch vụ. Những tiệc ở vùng lạ, mỗi bàn lại có thêm card visit. Chị Hà cho hay đó là cách quảng cáo chung của dịch vụ nấu ăn ở làng này. Chị tếu táo: “Thời đại công nghệ mà, có thông tin hết rồi, khách chỉ cần một cuộc điện thoại là có tiệc. Chỉ những tiệc lớn, khách đòi hỏi các món lạ tụi tui mới phải tới tận nhà để trao đổi thêm thôi. Hai bên thỏa thuận xong thì thảo hợp đồng, đặt cọc. Phải như rứa họ mới thấy mình chuyên nghiệp, uy tín chớ”. Nói rồi chị nhấc điện thoại: “Alo, dịch vụ nấu ăn Sơn Hà xin nghe ạ…!”, trông rất ra dáng dân làm ăn.

Để “bao sân” hết mọi đám giỗ, đám cưới, lễ lạt, các làng đầu bếp đưa ra nhiều mức giá mâm cỗ khác nhau, từ 70 cho tới 100 ngàn/suất, tùy theo số lượng món. Chị Ánh giải bày: “Làm dịch vụ như làm dâu trăm họ, không được từ chối khách, dù nhỏ dù lớn chi cũng phải vui vẻ nhận. Có nhà người ta khó thì mình làm với giá bình dân bảy, tám chục ngàn một suất, nhà khá hơn thì một trăm. Làm răng để khách cảm nhận được bỏ ra ít tiền, nhưng vẫn được phục vụ chu đáo. Họ nhớ mình, ấn tượng với mình, như rứa mới sống được trong nghề ni”.

Những vua đầu bếp… làng ảnh 2

Món ăn thơm ngon từ tay những người phụ nữ thuần nông.

Cả làng đổi thay

Hơn chục năm trước, nhắc tới nghề nấu đám tiệc, cả xã Điện Thọ không ai không biết tới bộ tứ “ Tằm, Dung, Hoa, Nữ”. Đó là bốn tiền bối  khai sinh ra nghề nấu tiệc. Ngày ấy, đàn bà con gái trong xã theo chân bộ tứ này, gọi tới bóc tỏi, làm gà hay rửa bát gì cũng đi. Làm nhiều thạo tay, thấy nấu tiệc không quá khó, nhiều người mạnh dạn tách ra nấu riêng. Ban đầu thử nghiệm với bà con họ hàng, sau được khen ngon thì táo bạo nhận tiệc vài chục mâm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (thôn La Trung) nhớ lại: “Tui đi phụ vài năm, nghĩ mấy món ở tiệc mình làm được hết trơn, dại chi không làm bếp trưởng. Tiệc đầu tiên tui nấu cho ông anh họ, lúc nớ có khách ở Đà Nẵng về ăn họ khen quá trời. Rứa là hôm sau họ xin số điện thoại ra Đà Nẵng nấu. Từ đó trở đi tui in card “phát hành” khắp nơi, giờ giữ sân Đà Nẵng nhiều hơn ở quê. Hồi trước chỉ “ham” đám cưới, chừ thì thôi nôi, giỗ chạp, nhà mới chi cũng nhận”.  Nhiều đầu bếp khác còn đi học thêm lớp nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí  lướt web cập nhật các món mới để về phổ biến cho đội bếp.

Nghề nấu tiệc những năm gần đây lan tỏa khắp xã, mỗi năm một tăng. Bà Võ Thị Tình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Điện Thọ cho hay đến nay toàn xã đã có gần 200 dịch vụ nấu ăn. Tập trung đông nhất ở các làng Đông Hòa, La Trung, Châu Lâu. Hầu như tất cả phụ nữ trong làng gác việc đồng áng lại cho chồng con, đi theo nghề nấu nướng này vì thu nhập cao. Bấm đốt tay nhẩm tính, chị Nguyễn Thị Xí (thôn Đông Hòa) nói, làm một sào ruộng mấy tháng trời chẳng bằng một tuần công đi nấu nướng. “Mỗi ngày đi phụ nấu tiệc tụi tui được trả 200 ngàn, chịu khó tới sớm dọn dẹp ly chén, bàn ghế các thứ từ hôm trước thì được 350 ngàn. Ai đứng bếp chính thì được trên dưới 400 ngàn. Chị em ở đây mỗi tháng theo tiệc cũng hai chục ngày. Chưa kể chủ nhà thường hay thưởng thêm nữa”, chị khoe.

Những người đứng ra mở dịch vụ phất lên như diều gặp gió. Nhà nào cũng sắm xe tải riêng, xây nhà cửa khang trang như biệt thự. Nghề nấu nướng này còn kéo cả làng sang một trang mới khi bà con nghĩ ra hàng loạt dịch vụ ăn theo như cung cấp thực phẩm tươi sống, cho thuê rạp, bàn ghế,  âm thanh giàn nhạc. Về xã Điện Thọ, khó tìm đâu ra một mái ngói lụp xụp, thay vào đó là những dãy nhà tầng san sát, tinh tươm…

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.