Những vũ khí nguy hiểm nhất của châu Âu

Tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wikipedia
Tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wikipedia
Tiêm kích Typhoon được trang bị cảm biến và vũ khí hiện đại hay tàu sân bay Queen Elizabeth mang theo 50 tiêm kích F-35 là hai trong số những vũ khí đáng ghờm của châu Âu.

Tiêm kích Typhoon

Theo National Interest, Eurofighter Typhoon là sản phẩm liên doanh giữa 4 quốc gia Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Chương trình phát triển tiêm kích chung bắt đầu từ năm 1983, Typhoon được đưa vào hoạt động chính thức trong Không quân Đức từ năm 2003 sau 20 năm phát triển.

Typhoon là máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhưng được trang bị một số công nghệ thế hệ 5. Máy bay có thiết kế khí động học kiểu cánh tam giác nên có đặc tính bay rất nhanh nhẹn. Nhà thiết kế phủ một lớp sơn đặc biệt lên bề mặt máy bay giúp giảm diện tích phản hồi radar (tàng hình).

Một trong những đặc tính ưu việt của Typhoon là khả năng bay siêu âm mà không cần dùng đến buồng đốt 2 lần cho phép tiết kiệm nhiên liệu. Tiêm kích này có 13 điểm treo vũ khí dưới cánh có thể mang theo những vũ khí hiện đại nhất của châu Âu. Tướng John P. Jumper, tham mưu trưởng Không quân Mỹ từng nhận xét, Typhoon vừa nhanh nhẹn và rất tinh vi.

Tàu sân bay Queen Elizabeth

HMS Queen Elizabeth là hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh đồng thời là tàu sân bay lớn thứ 2 thế giới. Dự kiến, tàu đầu tiên sẽ phục vụ trong hải quân từ năm 2020. Hàng không mẫu hạm có chiều dài 283 m, rộng 70 m, mớn nước 11 m, lượng giãn nước toàn tải 70.600 tấn.

Những vũ khí nguy hiểm nhất của châu Âu ảnh 1

Hàng không mẫu hạm lớn nhất châu Âu HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Daily Mail

Chiến hạm lớn nhất châu Âu có khả năng mang theo 50 máy bay các loại, trong đó có 36 tiêm kích tàng hình F-35B (phiên bản cất cánh thẳng đứng) hoặc F-35C (phiên bản cất cánh thông thường). Hệ thống động lực trên tàu gồm: 2 động cơ tuabin khí cùng 4 động cơ diesel, tốc độ tối đa khoảng 25 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 10.000 hải lý.

Điểm nổi bật của Queen Elizabeth là được trang bị hệ thống điện tử điều phối hàng không tiên tiến với cảm biến chính là radar quét mạng pha điện tử chủ động S1850M. Radar này có khả năng phát hiện 1.000 mục tiêu ở khoảng cách 400 km.

Tàu sân bay Charles de Gaulle

Pháp là quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Mỹ sở hữu hàng không mẫu hạm hạt nhân. Charles de Gaulle được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15, tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ, phạm vi chỉ giới hạn ở thực phẩm cho thủy thủ đoàn.

Những vũ khí nguy hiểm nhất của châu Âu ảnh 2

Hàng không mẫu hạm duy nhất của Pháp nhìn từ trên cao. Ảnh: Jeffhead

Tàu sân bay này có chiều dài 261 m, rộng 64,3 m, mớn nước 9,43 m, lượng giãn nước toàn tải 42.500 tấn. Hàng không mẫu hạm Pháp có thể mang theo 40 máy bay các loại. Tiêm kích chủ lực của tàu là Rafale-M. Đây là chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Pháp, có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.

Rafale có phạm vi hoạt động tới 3.340 km, cho phép mở rộng năng lực cho nhóm tác chiến tàu sân bay của Pháp. Tàu sân bay Charles de Gaulle cùng tiêm kích Rafale đã chứng minh giá trị trong chiến dịch không kích Libya năm 2011 và chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong năm 2015.

Tiêm kích F-35

Những vũ khí nguy hiểm nhất của châu Âu ảnh 3

Tiêm kích F-35 mở khoang chứa vũ khí trong một lần bay thử nghiệm. Ảnh: Business Insider

Chiến đấu cơ này không hoàn toàn là một sản phẩm do châu Âu sản xuất nhưng một số quốc gia trong khu vực như: Anh, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy là đối tác chính của chương trình. Các nước sẽ lần lượt nhận chiến đấu cơ tàng hình F-35 theo thứ tự ưu tiên và mức độ góp vốn. Châu Âu có thể là khu vực thứ 2 sau Mỹ sở hữu phi đội tiêm kích thế hệ 5.

F-35 được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cho phép nó thực hiện các nhiệm vụ đa dạng. Chương trình F-35 có 3 phiên bản, F-35A thông thường, F-35C chuyên dùng cho hải quân và F-35B cất, hạ cánh thẳng đứng.

Tàu ngầm A26

Những vũ khí nguy hiểm nhất của châu Âu ảnh 4

Hình ảnh đồ họa tàu ngầm A26 trong lúc làm nhiệm vụ thả biệt kích dưới nước. Ảnh: Defence Industry Daily

3 thế kỷ trước, Hải quân Thụy Điển từng là một thế lực hùng mạnh trên biển. Ngày nay, hải quân nước này không còn hùng mạnh như trước nhưng họ sở hữu nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến sản xuất ra nhiều sản phẩm ưu việt, đặc biệt là tàu ngầm.

Theo National Interest, Thụy Điển đang lên kế hoạch hồi sinh dự án tàu ngầm tấn công điện-diesel A26. Đây là loại tàu ngầm tiên tiến nhất từng được dự định sản xuất để trung hòa mối đe dọa của Hải quân Liên Xô. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dự án tạm ngưng phát triển do không cần thiết. Tuy nhiên, năm 2009, Hải quân Thụy Điển quyết đình tái sản xuất tàu ngầm A26 nhằm đáp ứng các mối đe dọa mới.

A26 được trang bị động cơ không khí tuần hoàn độc lập AIP cho phép hoạt động lâu hơn dưới nước. Bên cạnh đó, người ta áp dụng những công nghệ và vũ khí tối tân biến nó thành sát thủ thầm lặng đáng sợ dưới mặt nước. Dự kiến, tàu ngầm mới sẽ được đưa vào phục vụ từ năm 2018 hoặc 2019.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG