> Những dòng chữ nghẹn ngào từ trại giam
> Cô nữ sinh giết người và chuyện tình sau song sắt
Các học viên nữ xếp hàng chuẩn bị đi ăn trưa. Ảnh: Xuân Phú. |
Đến Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào một ngày mưa nên các học viên (người cai nghiện) của trung tâm được nghỉ, do đó tôi được tiếp xúc với họ nhiều hơn.
Được sự giúp đỡ của các cán bộ trung tâm, tôi đến một phòng học nhỏ, nơi có mấy cô gái trẻ đang ngồi học nghề tin học. Nếu không nhìn vào bộ quần áo học viên và được giới thiệu trước, không ai nghĩ những cô bé đang tuổi đến trường này đang để tuổi xuân của mình ở một trung tâm cai nghiện.
Nhìn thấy chúng tôi, cả nhóm đồng thanh: “Em chào thầy, em chào cô!”. Tôi nao lòng khi nghĩ rằng, đáng lẽ những câu chào quen thuộc của các em phải được vang lên trong lớp học,
sân trường.
Từ ham chơi…
“Không nghe người nghiện trình bày!” - đó là câu cảnh giới nhiều người trong thời buổi “ra đường gặp nghiện”. Nhưng với các cô gái đang độ tuổi đến trường và mới chỉ mới bập vào chơi đá thì cảnh giới đó có lẽ không cần.
Nguyễn Thị Lê (SN 1997, Đội 2, tầng 1, phòng 103, Trung tâm Chữa bệnh và Lao động Xã hội số 2), có lẽ là học viên trẻ nhất của trung tâm, cười tươi khi tôi hỏi chuyện. Dáng người tròn tròn, phổng phao của con gái mới lớn, tóc nhuộm chút vàng, mắt trong veo và đặc biệt là cái miệng nhoẻn cười lộ rõ vẻ hồn nhiên của một cô bé vô lo, vô nghĩ.
Nguyễn Thị Lê bấm tay tính ngày về. |
Khác hẳn với các học viên khác, Lê vô tư trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà không vòng vo, ngại ngùng. “Em chơi gì? Vào đây lâu chưa?”, “Đá (ma túy đá), được 9 tháng rồi anh ạ!”, câu nói tỉnh bơ, hồn nhiên như nó phải vậy.
Tất cả các học viên nghiện đá đều có hội chứng hoang tưởng, nên khi vừa vào trung tâm sẽ tìm cách hủy hoại bản thân, hoặc tự tử” Anh Phạm Đình Giang |
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Mỹ Hào (Hưng Yên), là con gái thứ 2 trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ Lê chỉ có mỗi lò bánh mỳ nhỏ để nuôi 3 đứa con nhỏ. Tuy không xinh nhưng lại rất duyên, nên Lê có nhiều bạn, nhiều mối quan tâm hơn là chuyện học hành và chỉ đến lớp 10, Lê bỏ học ở nhà cùng bạn bè bù khú. Theo lời Lê kể, sau khi nghỉ học, cô ra Bãi Cháy (Quảng Ninh) làm việc trong cảng Cái Lân 6 tháng thì bỏ về Hà Nội chơi. Trong một lần tình cờ bị công an phường tạm giữ vì không có giấy tờ tùy thân, cô bị phát hiện vừa sử dụng đá và sau đó được chuyển thẳng vào Trung tâm cai nghiện. Khi được hỏi: “Cảng Cái Lân nhận người dưới 18 tuổi vào làm à?”, một thoáng bối rối, Lê cúi mặt: “Em làm giả hồ sơ”.
Kể về lần đầu chơi đá, trong một buổi sinh nhật của mấy anh bạn mới quen, thấy mọi người phê đá nhảy múa tưng bừng nên Lê cũng thử. Tan cuộc chơi, về phòng trọ, Lê cảm thấy nôn nao, đầu nặng trĩu, tay chân mỏi nhừ, không muốn ăn gì, chỉ thèm uống nước ngọt. Nhưng hai ngày sau Lê lại thèm cảm giác lâng lâng của đá.
Đang thao thao kể về những chiến tích, những chuyến bay đêm, những lần ngáo đá, Lê đột nhiên khựng lại khi được hỏi về bạn trai. Theo Lê đó là mối tình đầu rất đẹp, trong trẻo mà cô đã đánh mất.
Ngày Lê rời quê, bạn trai Lê chỉ biết cô đi làm xa chứ không biết cô tham gia vào những cuộc ăn chơi sa đọa. Từ ngày Lê bị đưa vào cai nghiện, một vài lần bạn trai lên thăm nhưng Lê tránh mặt. “Hết 3 năm ở cai nghiện, em về quê giúp bố mẹ làm bánh mỳ thôi, nhưng chắc ngày đó bạn trại em lấy vợ rồi”- mắt nhìn xa xa, giọng Lê chùng hẳn xuống.
Kể xong chuyện mình, Lê trở về ngồi cạnh cô bạn gái xinh xắn, thì thầm to nhỏ chuyện gì rồi cả hai tủm tỉm cười. Hai nụ cười của hai gương mặt còn vương nét thơ ngây, mà có lẽ hai cô bé không biết rằng con đường phía trước còn lắm thử thách, chông gai.
… Đến chán chường
Khác với Lê, cô bé Phan Thị Hoa, 18 tuổi (Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hóa) lao vào chơi ma túy đá chỉ vì quá chán chường với người bố suốt ngày say rượu, nhiếc mắng, đánh đập vợ con.
Phan Thị Hoa khóc khi nhớ về quãng thời gian khổ đau bị đánh, chửi. |
Giữa hành lang vắng lặng của Trung tâm 2, Hoa khóc như mưa khi nhớ lại quãng thời gian dại dột vừa qua của mình. Cô khóc vì ân hận về những ngày tháng theo bạn bè ăn chơi và nhất là thấy có lỗi với người mẹ lam lũ yêu thương cô hết mực.
Sống trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em ở vùng quê Thọ Xương (Thanh Hóa). Bố mẹ Hoa đều ở nhà làm nông nên cuộc sống khá chật vật, là con gái thứ 3 trong nhà, ngoài giờ đi học, Hoa luôn ý thức phụ giúp bố mẹ làm ruộng, đỡ đần việc nhà.
Thế nhưng, bố của Hoa hằng ngày chỉ biết uống rượu và mỗi khi rượu vào là ông lại vô cớ chửi bới, đánh đập chị em Hoa. Thậm chí, mỗi lúc mẹ Hoa vào can ngăn, ông cũng đánh mẹ Hoa đến bầm tím mặt mày.
Hoa kể trong nước mắt những ký ức tuổi thơ này: “Trước đây, sức học của em chỉ trung bình khá. Nhưng năm nào em cũng cố gắng phấn đấu được học sinh tiên tiến. Thế mà bố em chưa bao giờ hài lòng về điều này. Bố cứ đánh đập em và bảo con nhà khác học giỏi, giấy khen treo đỏ nhà. Còn nhà này đi học thì toàn tiên tiến.
Và để bố vui lòng, em học ngày, học đêm. Năm lớp 8, đến giữa học kỳ, em được cô chủ nhiệm chọn vào đội tuyển Văn của lớp. Nhưng ngày em đi học ôn, bố không cho em đi. Em khóc đòi đi thì bố lại bảo, giấy khen để làm gì, nó không quy ra tiền thì đói vẫn hoàn đói thôi.
Chưa học hết lớp 8, không chịu nổi những trận đòn roi, những lần mắng mỏ vô cớ của bố, Hoa đã bỏ học, trốn nhà theo bạn lên Hà Nội kiếm sống.
Không kiến thức, không nghề nghiệp, Hoa xin giúp việc cho các quán cơm, quầy quần áo để tồn tại qua ngày.
Những ngày tối tăm và chán chường ấy, bị bạn rủ rê, Hoa bắt đầu chơi đá từ tháng 11/2012. 5 tháng sau (ngày 15/4/2013), Hoa bị bắt tại một khách sạn ở Hải Dương khi đang phê đá cùng một cậu bạn.
Hoa vừa khóc vừa nói: “Em ân hận lắm. Ngồi trong này 2 tháng rồi mà ngày nào em cũng nhớ tới mẹ. Lần trước, được phép gọi cho mẹ trong 2 phút ở trại, cả 2 mẹ con chỉ khóc”. “Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con. Con xin lỗi mẹ!”.
… và hậu quả khôn lường!
Ma túy đá là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp, có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph), thậm chí là niketamid. Nó được bán bất hợp pháp trên thị trường dưới các dạng tinh thể đá.
Là người trực tiếp phụ trách các học viên trong quá trình cai nghiện, anh Phạm Đình Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số 2 cho biết: Nhiều bạn trẻ có quan niệm sai lầm rằng “đập đá” chỉ giúp cơ thể hưng phấn, hoan lạc tức thời chứ không gây nghiện giống như heroin, thuốc lắc... Nhưng khi đã nghiện thì ma túy đá tàn phá khủng khiếp hơn bất cứ loại ma túy nào. Đấy là chưa kể đến những hậu quả tức thời như: giết người, chạy xe gây tai nạn, quan hệ tình dục tập thể dẫn đến bệnh xã hội… do chứng hoang tưởng gây ra. Ngoài ra, nếu sử dụng quá nhiều, ma túy đá cũng gây sốc dẫn đến tử vong như các loại ma túy khác.
Xin được sô điện thoại của gia đình Lê, tôi gọi điện gặp mẹ Lê, bà cám cảnh: Vì công việc hằng ngày tốn rất nhiều thời gian, thu nhập lại không được bao nhiêu nên gia đình không có điều kiện lên thăm Lê nhiều. Còn khi gọi điện về gia đình Hoa, gặp người đàn ông cầm máy và dập mạnh sau đó khi nghe tôi trình bày. Gợn trong tôi câu hỏi, những vết trượt dài của các em lỗi từ phía gia đình có bao nhiêu trong đó?
* (Tên nhân vật đã được thay đổi)
Bác sĩ, Tiến sĩ cao cấp Tô Thanh Phương - Trưởng Khoa 6 (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho biết: Ngay khi sử dụng đá, meth sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Từ đó, người nghiện sẽ thực hiện những việc làm khác thường, không thể kiểm soát được hành vi như: tự rạch tay, gào thét, đánh nhau, thậm chí quan hệ tình dục tập thể... Ngoài việc gây ra cho người sử dụng chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi, ma túy còn kích thích hệ thần kinh, gây mất ngủ khiến các cơ quan sinh học nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. |