Những trang nhật ký đặc biệt ở Trường Sa

Đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019 tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Tùng
Đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019 tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Xuân Tùng
TPO - Những ngày tháng 3 này, nhiều thành viên từng tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương lại xúc động sẻ chia trên mạng xã hội những hình ảnh bông hoa cúc, cánh chim hạc tưởng niệm những người đã hy sinh bảo vệ chủ quyền. Với những thành viên năm 2019 có thêm những "trang" hải trình đặc biệt viết lên bằng tình yêu và sáng tạo hướng về biển đảo.
Cách đây gần một năm, từ cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2019 đã lướt sóng hướng về huyện đảo Trường Sa thân yêu. Trong hành trình gần chục ngày, chúng tôi có thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân làm nhiệm vụ và sinh sống trên trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1- thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 
Tổ quốc ở Trường Sa
Trong hành trình "mang ra tình cảm, mang về niềm tin", chúng tôi đã có buổi chiều xúc động khi tàu buông neo giữa vùng biển mà trước mắt là Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma máu thịt. Biển mặn mòi xanh thẫm vẫn rì rào khúc tráng ca 64 cán bộ chiến sĩ kết thành vòng tròn bất tử trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền. Không một phần mộ, một dòng bia..., tuổi hai mươi các anh hoá thành sóng, thành gió, thành đá san hô nơi nghĩa trang vĩnh hằng đại dương Tổ quốc.
Những trang nhật ký đặc biệt ở Trường Sa ảnh 1 Những cánh hạc, nhành hoa tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ trong lễ tưởng niệm. Ảnh: Xuân Tùng

Các đại biểu áo đồng phục cờ đỏ sao vàng nghiêng mình, nâng niu cánh hạc giấy, nhành hoa cúc tưởng nhớ. Những đôi mắt đỏ hoe nhoà lệ, nghẹn ngào câu hát: Anh đã hoá thân mình làm cột mốc, chặn quân thù trên biển đảo quê hương. Anh đã hoá cánh chim muôn vạn sóng, thương về nơi đất mẹ vẫn mong chờ. Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển, con đấy mẹ, mẹ đã nhận ra chưa...

Nguyễn Kiều Hưng - cán bộ Tỉnh Đoàn Khánh Hoà, thành viên phụ trách âm thanh của hành trình đã đem thơ về với nhạc. Anh đã đặt những câu thơ da diết "Tổ quốc ở Trường Sa" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vào khuôn nhạc trong một đêm không ngủ ôm đàn ghita trên boong tàu.

"Đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên của hành trình, đêm đầu tiên trong đời hát Tổ quốc nhìn từ biển khi tàu đang rẽ sóng Trường Sa. Những xúc cảm nghĩ về 64 chiến sĩ Gạc Ma đang nằm lại nơi sóng nước đã khắc khoải, rồi trỗi dậy thôi thúc phải làm điều gì đó", anh Hưng chia sẻ. 

Đặt chân lên đảo chìm đảo nổi thoi loi giữa bốn bề biển nước và gặp những người kiên cường giữ đảo, anh Hưng có "Biển hát" giàu hình ảnh, đầy chất thơ giữa gian lao: Lưng trần chắn bão, biển nhà lại xanh/Đảo nghe sóng vỗ chòng chành, mong manh giọt nước bên nhành san hô; Đảo chìm câu hát mộng mơ, nhà nằm trên sóng, ngóng chờ gió mây/Đảo như lòng mẹ mưa dày, nước non non nước càng say nghĩa tình/ Trường Sa tiếng gọi bình mình/Thắm sắc xanh tươi một màu biển đảo/Mãi yêu con sóng bạc đầu/Biển thành bài hát thắm màu dân ca.

Nhà giàn DK - vững niềm tin

Hành trình đã lên thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/12 vững chãi trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hai thành viên đoàn hành trình Quách Thái Duy và Trần Xuân Mai Trâm (Nhà văn hóa thanh niên TPHCM) đã có những dòng nhật ký bằng âm nhạc "Nhà giàn DK - vững niềm tin".

...Giữa đại dương nhà giàn sừng sững. Quê hương là đây, tấc đất ta là đây. Cờ ta bay phấp phới sao vàng, dù phong ba vẫn đứng hiên ngang. Nhà DK vững niềm tin trong ta... Vườn rau xanh xanh giữa chông chênh, đàn ghita hát khúc quân ca. Sáng giữa trời biển Đông, Tổ quốc ơi, có chúng tôi, những con tim rực hồng.

Nhạc sĩ Bảo Huy - thành viên hành trình cũng đã ghi lại hành trình bằng những giai điệu trẻ trung, sôi nổi mang tên "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương". Anh viết: Bốn phương trời mình cùng nhau đến đây. Bắc Trung Nam anh em một nhà. Trên con tàu cờ đỏ tung bay vượt sóng gió rẽ nước trùng khơi cùng vững một lòng tiến xa về Biển Đông...

Mai Trâm cũng hoàn thành video cho tác phẩm mới mang tên "Hành trình đẹp nhất". Bài hát đã thành tâm niệm của các thành viên ra đảo: Hành trình đẹp nhất cuộc đời, tàu ta vượt sóng ra khơi. Niềm tin nối những nụ cười. Trường Sa! Trường Sa! Màu cờ đỏ thắm biển trời, càng yêu Tổ quốc Việt Nam ơi...

Cùng với nhiều trang viết thơ văn, những ghi chép bằng âm nhạc của Nguyễn Kiều Hưng, Trần Xuân Mai Trâm, Lại Thế Bảo Huy đã góp thêm những tiếng nói, thanh âm mới về "Khát vọng Trường Sa" của tàu hành trình KN 490.

"Tổ quốc ở Trường Sa", "Biển hát", "Nhà giàn DK - vững niềm tin", "Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương"... không chỉ thể hiện cảm xúc mà còn trở thành cầu nối, bài ca gắn kết các thành viên trong đoàn hành trình. Họ đã hát trên boong tàu, cầu cảng trên đảo, lối cầu thang leo lên nhà giàn; hát tặng cán bộ chiến sỹ nơi đảo Trường Sa, hát khi chia tay. Tiếp đó, những hình ảnh gắn kết, sự trẻ trung đó lại được ghi lại dựng thành clip, MV bằng điện thoại smatphone để lưu dấu kỷ niệm và lan toả sức trẻ của Hành trình, của Trường Sa và nhà giàn DK1. Nhiều hình ảnh, clip như đồng diễn "Tôi yêu Tổ quốc tôi", hình ảnh "Sức sống Trường Sa"... đã được chia sẻ, đăng tải để lan tỏa tình yêu biển đảo đến những người con đất Việt.

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là hoạt động cụ thể hóa triển khai Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, biển đảo” giai đoạn 2018 – 2022 và Chương trình phối hợp phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo giữa T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Hải quân giai đoạn 2018 – 2023.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.