Giải trừ quân bị toàn diện
Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên tại Diễn đàn Paris vì Hòa bình lần thứ 4, năm 2021, Đức Giáo hoàng Francis viết: “Không thể có sự hợp tác tạo ra hòa bình nếu không có cam kết chung, cụ thể về việc, giải trừ quân bị toàn diện”. Và ngài kêu gọi “hy vọng có trách nhiệm” để cải thiện thế giới thoát khỏi đại dịch COVID.
Giáo hoàng Francis đề cập đến sự chọn lựa mà mọi người phải cùng quyết định. Hiện nay, “trở lại sự bình thường” là câu nói được nhắc đến nhiều và đó là khả năng chọn lựa đầu tiên.
Tuy nhiên, theo Giáo hoàng Francis, “trở lại bình thường” như trước có nghĩa gì khi thực tế trước đại dịch, sự giàu có và tăng trưởng kinh tế chỉ dành cho thiểu số. Trong khi đó, hàng triệu người không có được những nhu cầu cơ bản nhất, không có một cuộc sống xứng nhân phẩm. Rồi trước đại dịch, nhân loại có một thế giới, trong đó trái đất bị cướp phá do khai thác tài nguyên, ô nhiễm, do thái độ tiêu dùng “một lần rồi bỏ” và bị thương do chiến tranh và thử nghiệm vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Khoảnh khắc của Giáo hoàng Francis |
Ngài đặt câu hỏi: “Trở lại bình thường cũng có nghĩa là quay trở lại cấu trúc xã hội cũ… chủ nghĩa cá nhân, sự cô lập và loại trừ anh chị em nghèo nhất của chúng ta. Đây có phải là một tương lai mà chúng ta có thể chọn lựa không?”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, trong một thế giới toàn cầu hóa nhưng đang rạn nứt này, những quyết định mà chúng ta thực hiện hôm nay để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng sẽ xác định lộ trình cho các thế hệ sau. Và để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta cần một lối thoát mới, phải làm việc cùng nhau.
Ngoài ra, không thể có hòa bình nếu không có cam kết chung cụ thể về việc giải trừ quân bị toàn diện. Chính phủ biện minh cho việc tái vũ trang này bằng cách đề cập đến một ý tưởng răn đe bị lạm dụng dựa trên sự cân bằng của vũ khí. Nhưng ý tưởng răn đe, trên thực tế, trong nhiều trường hợp đã sai lầm, dẫn đến những thảm kịch lớn.
Giáo hoàng Francis: Vào giữa đêm đen (đêm Giáng sinh) xuất hiện một dấu chỉ của hy vọng! Hôm nay, “tình yêu làm dịch chuyển mặt trời và các vì sao”. Người đã đến trong hình thể con người, chia sẻ những thảm kịch của chúng ta và phá vỡ bức tường thờ ơ của chúng ta. Vào ngày lễ này, chúng ta khẩn cầu Người khơi dậy trong trái tim mọi người khao khát hòa bình và tình huynh đệ.
Bất công và bạo lực không phải là số phận
Theo Giáo hoàng Francis, đại dịch cho thấy những hạn chế và thiếu sót của xã hội và lối sống của chúng ta. Tuy nhiên, giữa thực tế mờ mịt này, chúng ta cần phải hy vọng. Ở điểm này, truyền thống Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác, có thể giúp mang lại hy vọng đáng tin cậy rằng, “bất công và bạo lực không phải là không thể tránh khỏi, không phải là số phận của chúng ta”.
Đối mặt với một đại dịch đã “làm rung chuyển thế giới”, Đức Thánh Cha nói: Lương tâm kêu gọi chúng ta đến một con đường hy vọng có trách nhiệm, và không trở lại với con đường thoải mái của “sự bình thường” được đánh dấu bởi sự bất công, nhưng phải chấp nhận thách đố của khủng hoảng như một cơ hội cụ thể để hoán cải, chuyển đổi, suy nghĩ lại về cách sống cũng như các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta.
Ngài viết “niềm hy vọng có trách nhiệm này giúp chúng ta từ chối cám dỗ của những giải pháp dễ dàng và cho chúng ta can đảm để tiến theo con đường công ích, quan tâm đến người nghèo và ngôi nhà chung của chúng ta”.
Theo “Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021” của Giáo hoàng Francis: “Thế giới sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên nhẫn của rất nhiều người quảng đại đã gìn giữ sự hiệp nhất gia đình và cộng đồng với nhau”?. Trong thời đại dịch này, chúng ta càng nhận thấy điều đó nhiều hơn. Khả năng tương quan xã hội của chúng ta bị đặt vào thử thách nặng nề; Khuynh hướng đóng lại chính mình, tự mình đối diện vấn đề, từ chối bước ra để gặp gỡ và làm việc cùng nhau. Và ở cấp độ quốc tế cũng có nguy cơ không muốn đối thoại, nguy cơ khủng hoảng phức tạp dẫn đến việc lựa chọn những con đường tắt, hơn là những con đường đối thoại dài hơn.
Trong khi lời loan báo về sự ra đời của Đấng Cứu thế, nguồn hòa bình đích thực, vang lên xung quanh chúng ta và trên khắp thế giới, thì chúng ta vẫn thấy nhiều xung đột, khủng hoảng và mâu thuẫn. Chúng dường như không bao giờ kết thúc và chúng ta hầu như không nhận thấy điều đó nữa. Chúng ta đã quá quen với điều đó đến nỗi những bi kịch to lớn giờ đây đã trôi qua trong im lặng. Chúng ta có nguy cơ không nghe thấy tiếng kêu đau đớn và tuyệt vọng của rất nhiều người.
Chúng ta hãy nghĩ đến người dân Syria, những người đã phải sống qua một cuộc chiến hơn một thập kỷ, đã gây ra cái chết cho nhiều người và một số lượng không thể đếm nổi những người tị nạn. Chúng ta nhìn sang Iraq, quốc gia vẫn đang phải vật lộn để vực dậy sau một cuộc xung đột kéo dài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của những đứa trẻ cất lên từ Yemen, nơi một thảm kịch lớn, bị lãng quên đã diễn ra nhiều năm trong im lặng, gây ra cái chết mỗi ngày.
Chúng ta nhớ những căng thẳng tiếp tục giữa người Israel và người Palestine, kéo dài mà không có giải pháp, với những hậu quả xã hội và chính trị ngày càng lớn.
Chúng ta đừng quên Bêlem, nơi Chúa Giêsu đã chào đời, là nơi sống thời kỳ khó khăn cũng do kinh tế bất ổn bởi đại dịch, ngăn cản những người hành hương đến Đất Thánh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Chúng ta hãy nghĩ đến Libăng, quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có với những điều kiện kinh tế xã hội rất đáng lo ngại.
Đáp lại tiếng kêu của người nghèo
Trước những bất công, dửng dưng, Đức Thánh Cha nói: Đã đến lúc đáp lại tiếng nói của người nghèo, bởi vì những yêu cầu của họ đã quá lâu không được lắng nghe.
Đã đến lúc phải mở rộng tầm mắt để thấy được tình trạng bất bình đẳng của bao gia đình đang sống. Đã đến lúc phải xắn tay áo để khôi phục nhân phẩm bằng cách tạo ra công ăn việc làm. Đã đến lúc trở lại bị đánh động bởi thực tế của những đứa trẻ đói khát,… ngừng bạo lực đối với phụ nữ. Đã đến lúc phá bỏ vòng vây của sự dửng dưng để khám phá lại vẻ đẹp của sự gặp gỡ và đối thoại.