Những tòa nhà gỗ khủng ở huyện nổi tiếng về phá rừng

“Biệt phủ” của ông Quang. Ảnh: HD.
“Biệt phủ” của ông Quang. Ảnh: HD.
TP - Ea Súp là huyện giáp biên giới, xa thành phố trung tâm tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ vì đường sá xa xôi, nên tỉ lệ dân nghèo cùng diện tích rừng bị phá và số cán bộ đua nhau làm nhà gỗ khủng nơi đây đều khiến dân chúng chú ý đặc biệt!

Nhà gỗ của ai vô địch?

Sau vụ hỗn chiến kinh hoàng vì tranh giành đất đai khiến 8 người thương vong xảy ra cuối năm 2017 tại xã Ea Bung, đầu năm 2018 chúng tôi có dịp trở lại huyện nghèo biên giới Ea Súp. Đi hết địa phận huyện Buôn Đôn là đến quãng đường gập ghềnh, đầy những ổ trâu, ổ gà, những hòn đá bằng nắm tay nổi lổm nhổm… dẫn vào thị trấn Ea Súp. “Đường sá thế này, không bị “xóc trào cơm”… mới lạ”- đồng nghiệp của tôi than thở!

Những tòa nhà gỗ khủng ở huyện nổi tiếng về phá rừng ảnh 1 Bên trong biệt thự khủng của ông Quyến.

Giao thông cách trở tất nhiên là một trong những trở ngại, khiến tới nay kinh tế Ea Súp chưa phát triển bằng các huyện khác. Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là lý do cơ bản nhất.

Trưa nắng chang chang, chúng tôi dừng chân tại một quán võng ven hồ Ea Súp giữa thị trấn. Một nhóm người lao động ngồi ồn ào bàn tán, cãi vã về chuyện ai “vô địch” trong số các quan chức giàu có, “chịu chơi” công khai dựng các “biệt phủ” bằng gỗ quý ở huyện nổi tiếng về buôn lậu gỗ và phá rừng này.

Một thợ xây nói: Tôi chưa thấy tòa nhà nào nguy nga, tráng lệ như nhà ông Tự, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Ea Súp!

Bà chủ quán cãi: Biệt phủ nhà ông Quyến (ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên là Phó giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Cư M’lan, nay là Trưởng Phòng sản xuất bảo vệ rừng Cty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk-PV) mới độc nhất vô nhị!

 Một người khác lớn tiếng xen vào: Biệt phủ của ông Quang (ông Trần Ngọc Quang, chủ tịch UBND huyện Ea Súp, đã nghỉ hưu từ năm 2016-PV) mới là vô địch! Tôi chưa thấy nhà cán bộ nào lại làm tòa ngang dãy dọc, toàn là gỗ giá trị từ ngoài vào trong nhiều đến như vậy!

Những tòa nhà gỗ khủng ở huyện nổi tiếng về phá rừng ảnh 2 Một vài hình ảnh về những ngôi nhà gỗ khủng. Ảnh: pv.

 Choáng ngợp vì... gỗ !

Nhóm người nọ khi biết chúng tôi là phóng viên, đã lập tức nhiệt tình vẽ giúp “sơ đồ” vị trí của các tòa nhà gỗ khủng nói trên. Tòa nhà của ông Quyến sừng sững bên đường Nguyễn Văn Trỗi, thuộc tổ dân phố Thành Công, thị trấn Ea Súp. Trên con đường này cũng có một số căn nhà gỗ khá lớn, nhưng chẳng thấm vào đâu so với “biệt phủ” của ông Quyến. Ông Quyến nay là Trưởng phòng sản xuất bảo vệ rừng thuộc Cty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk. Khi còn làm Phó giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Cư M’lan, ông cũng được phụ trách mảng quản lý bảo vệ rừng. Cty này hiện đã sáp nhập với Cty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh, thành Cty 2 thành viên, tên gọi mới là: Cty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk.

Quan sát từ đường Hùng Vương, “biệt phủ” của ông Quyến quay lưng về phía trụ sở làm việc Ban quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Tiếp cận căn nhà gỗ này, chúng tôi bị choáng ngợp bởi lối thiết kế cầu kỳ và cách bài trí bên trong. Căn nhà bề ngang rộng chừng 10 mét, có 6 dãy cột gỗ, nhẩm đếm thấy 56 cột. Tôi hỏi người thợ xây đang làm công trình gần đó về loại gỗ cũng như trị giá của căn nhà này, anh lắc đầu: “Tôi là dân thợ hồ, quanh năm chỉ biết xi măng, cát sỏi… chưa bao giờ tiếp cận được căn nhà nào hoành tráng cỡ này, nên làm sao biết được”,  người thợ xây gạt mồ hôi, trả lời.

Trước tòa nhà chính của ông Quyến, trong cùng khuôn viên còn có 1 căn nhà khác đang được thi công dang dở với 8 cột gỗ đã dựng… Vậy, đếm sơ riêng cột gỗ xịn ở công trình này đã dùng tới 64 cây rừng cổ thụ. Một cán bộ UBND thị trấn Ea Súp cho biết, mới đây, ngày 4/1/2018 nhà của ông Quyến bị chính quyền lập biên bản vi phạm hành chính, vì lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Trong biên bản này, ông Quyến cam kết trong 60 ngày sẽ trả lại hiện trạng ban đầu, nếu không thực hiện chính quyền địa phương sẽ tiến hành xử lý theo luật định.

Trả lời các câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Quyến cho biết: nhà của ông được khởi công từ năm 2015, đến nay vẫn chưa xong. Gỗ làm nhà có nguồn gốc rõ ràng, ông khẳng định qua Tết Nguyên đán 2018 ông sẽ hoàn trả lại mặt bằng hành lang giao thông đã lỡ vi phạm. “Tôi dựng nhà cách đây 3 năm. Tôi cũng có ý định làm lại cổng từ lâu, nhưng phải đợi qua Tết mới làm được. Nhà của tôi gỗ có nguồn gốc, có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Đất ở có bìa đỏ, tôi mua từ năm 2001”, ông Quyến nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vị cán bộ nguyên Phó giám đốc Cty TNHH Lâm nghiệp Cư M’lan này được người dân địa phương trầm trồ là người chịu chơi, chịu mua sắm bậc nhất huyện Ea Súp. Ngoài “biệt phủ” nói trên, ông Quyến còn sở hữu một tòa nhà gỗ 2 tầng khác ở đường Hùng Vương (trung tâm thị trấn Ea Súp), cách trụ sở làm việc của ông Quyến chỉ hơn chục mét.

Nhà gỗ khủng của ông Nguyễn Xuân Tự, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Ea Súp thì nằm ở đường Nguyễn Trãi. Ông Tự cho biết, ông về hưu năm 2013, năm 2011 ông đã làm xong căn nhà này và có nguồn gốc rõ ràng. Theo quan sát từ bên ngoài, cổng của nhà ông Tự làm bằng cột “tứ trụ” bằng gỗ sơn màu đen. Bên trong có hai tòa nhà đều làm bằng gỗ, với rất nhiều gỗ quý, trông bề thế, nguy nga.

Nhưng ngôi vị quán quân có lẽ là biệt phủ của ông Trần Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, nằm sát kênh chính Tây dẫn nước từ hồ Ea Súp thượng. Ông Quang thuê thợ làm mấy năm mới xong. Số gỗ đập vào mắt dân chúng của nhà ông Quang được nhiều người cho là vô giá. Gỗ quý phơi bày từ cổng vào đến nhà chính. Một cán bộ địa phương tiết lộ, ngoài căn nhà nói trên… ông Quang còn sở hữu căn nhà 2 mặt tiền khác ngay trung tâm huyện Ea Súp.

Một cán bộ lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp khẳng định: Gỗ làm nhà của ông Quang và ông Quyến đều có nguồn gốc rõ ràng. Nhà của ông Tự thì đã làm từ lâu. “Trước đây cũng có đơn thư phản ánh về nguồn gốc số gỗ nhà ở của anh Quyến. Chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra, anh Quyến cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến căn nhà”, vị lãnh đạo này nói.

Năm 2017 tại huyện Ea Súp, đã phát hiện 150 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác, mua bán, cất giữ, chế biến, vận chuyển lâm sản và nhất là tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật xảy ra hết sức phức tạp. Tình trạng cày xới, lấn chiếm đất lâm nghiệp, rừng bị chặt phá thời gian qua được đánh giá là rất nghiêm trọng. Việc tổ chức thực hiện giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất rừng bị phá, bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi rừng, còn chậm và gặp rất nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. Không bố trí đủ lực lượng để bảo vệ rừng dẫn đến tài nguyên rừng trong vùng dự án bị xâm hại nghiêm trọng…

 

Theo báo cáo về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ giảm nghèo năm 2018 của UBND huyện Ea Súp, trong năm 2017 toàn huyện có 7.849 hộ nghèo tương đương 32.991 khẩu (chiếm tỷ lệ 43,13%); hộ cận nghèo 1.894 hộ tương đương 8.000 khẩu (chiếm tỷ lệ 10,41%). Trong năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện này có giảm, nhưng không đạt so với chỉ tiêu của tỉnh giao (tỉnh giao 5,7%, huyện chỉ đạt được 5,5%). Mục tiêu của huyện đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ giảm xuống dưới 40%, cải thiện đời sống của hộ nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.