Những tiết xuân ảo ảnh

Minh Họa: Kim Duẩn
Minh Họa: Kim Duẩn
TP - Tôi nhớ, ngôi nhà xưa của tôi có một cây táo xoan gầy guộc. Tôi chán nó, cây táo ấy, bởi hầu như cả năm nó luôn u sầu với cái dáng khòng khòng, còm cõi, với những vết nứt nẻ sần sùi trên thân và sự bấn loạn ở phần cành. 

Thế nhưng một đêm, khi tỉnh dậy bước ra sân, tôi sững sờ nghe thấy những âm thanh lạ lùng, thoang thoảng lên xuống. Có người đang nói, chính xác là một ai đó thầm thào với cây táo, rõ ràng như vậy, vì cây táo run rảy, hổn hển cật lực. Không gian bỗng dưng trong veo ngân nga, một vẻ kiêu hãnh thầm kín bao phủ tất cả. Tôi đã chứng kiến lá táo lật mình trở thành cây táo trắng muốt, trắng đến mức bây giờ thi thoảng tôi vẫn còn ái ngại. Sáng hôm sau thì mùa xuân đến, công khai, tràn lan. Từ đấy tôi đinh ninh có một ai đó dẫn dắt mùa, dứt khoát phải có một ai đó, không thể tự chúng đến và đi được. Nhưng ai đó là ai thì tôi không biết. Tôi đem nỗi băn khoăn ấy hỏi rất nhiều người, phần lớn chỉ nhận được những cái xua tay, có trả lời thì cũng qua quýt, xa lạ. Nhưng một người đã nghiêm túc trả lời tôi, đó là chú Bách vẩu, thương binh sọ não thời chống Mĩ. Dân Linh Sơn người nào cũng biết cứ vào dịp giao mùa giữa cuối đông, đầu xuân, là chú Bách lại đùng đùng khoác ba lô bỏ nhà đi lang thang, gần sát tết mới quay về. Chẳng ai rõ trong quãng thời gian ấy chú đã đi những đẩu đâu. Chú Bách vẩu trợn mắt thật to, nhưng lại nói rất nhỏ với tôi, “có thật đấy, có một người, tao chưa nhìn rõ mặt, đến thì thầm, thế là mùa nó đi. Nhưng mày biết nó đi đâu không? Đi lang thang về chiến trường cũ xem hoa nở cho sướng cái đời”. Thủa ấy tôi tin chú Bách hoàn toàn. Bây giờ tôi cũng hoàn toàn tin phải có một ai đó xui khiến, giật dây cho nên câu chuyện về cuộc đời con người ta cứ lắt léo, cứ lồng không đến lạ lùng.

Những ngày cuối năm, con phố Lí Nam Đế nơi tôi ở luôn chật ních người với nồng nặc mùi xăng xe, và nồng nặc những thanh âm gắt gỏng. Mỗi khi phải chen chúc nhích từng li trong dòng người ấy, để khỏi sa vào mụ mị, tôi thường hướng ý nghĩ của mình tới người bạn đang ở vùng miền núi.

Bạn tôi là giáo viên, sống khiêm nhường trong ngôi nhà rộng. Bạn mắc căn bệnh lạ lùng, hồng cầu luôn tự mất đi vì thế phải liên tục dùng thuốc. Đó là căn bệnh hầu như không thể chữa khỏi, theo lời bác sĩ nói vậy, và phải sống chung với nó trọn đời. Người bạn Tây Bắc của tôi say mê Stefan Zweig và hoa đào núi. Những ngày giáp tết bạn tôi thường ra đứng trên ban công ngó xuống chợ hoa đào trước cửa nhà mình. Những cành đào già nua, cóc cáy hàng chục năm tuổi được người dân tộc mang từ núi xuống, chao đảo, xoay vòng tìm kẻ mua sau đó lênh đênh theo những chuyến xe về xuôi. Năm nào bạn cũng gọi điện cho tôi, tả lại cảnh ấy với giọng nhẹ nhàng, thư thái. Tôi nghe, tịnh không hề thấy một chút dấu vết hoang mang nào của người mắc bệnh nan y. Theo cách nhìn nhận của bạn tôi, đời người chỉ là ngọn gió thổi qua các loại tâm trạng, và bạn hỏi liệu tâm trạng có phải là thứ sống lâu hơn đời người? Đây là câu hỏi tôi không dám trả lời. Bố mẹ bạn tôi vốn là kỹ sư nghiên cứu các loại giống cây trồng vì thế hết năm này qua năm khác, gia đình bạn tôi rong ruổi trong các vạt rừng. Họ ở mỗi nơi vài ba tháng sau đó lại dọn nhà, gói gém đồ đạc và đi tiếp, tới những khu đất mới, cách đấy hàng trăm cây số, để rồi lại cặm cụi trồng và chờ đợi. Cả quãng tuổi thơ của bạn tôi đón xuân trong rừng, diễn đạt theo cách nói của bạn thì là “ngập lút trong mùa xuân vắng lặng”. Trước nhà bạn tôi, xa hơn chợ hoa đào, là những dãy đồi mơ ảo giăng ngang chân trời, một thứ mơ ảo óng ả mà trễ nải của đất trời xứ Tây Bắc. Người cô lẻ ở trong ngôi nhà như thế, với khung cảnh như thế sẽ tận hưởng được từng cơn rung rảy của thiên nhiên. Đó là ý nghĩ kín đáo của tôi về bạn mình, một giáo viên văn tỉnh lẻ. Tôi ngưỡng mộ ý chí kiên gan của con người ấy. Khi thiên hạ nô nức đi sắm sửa đón năm mới thì bạn tôi lặng lẽ nhẫn nại nằm truyền thuốc để giành giật sự sống cho mình mà không hề so bì hay mặc cảm. Khi thiên hạ chúc tụng, biếu xen nhau thì bạn tôi lặng lẽ đứng trên ban công ngó xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp xao xác của những cánh đào rụng rơi trên mặt đất lầy lội.

Từ đêm nghe ai đó thì thầm với cây táo, đến nay đã vài chục năm. Giờ đây tóc đã điểm bạc và tôi, một cách chậm chạp, nhận ra thế giới quanh mình khác rất xa với thế giới mà tôi trước đó vẫn hình dung. Nhiều phép lạ ra đi, nhưng nhiều phép lạ tìm đến, có cả những phép lạ bị bỏ xó, xuất hiện trở lại, nhảy múa, thì thầm vào trí não tôi. Những phép lạ ấy hé lộ rằng tôi vẫn còn lởn vởn bên ngoài, chưa đủ can đảm bước vào thời tiết của những chồi non, trân trọng vẻ đẹp của những lớp lá úa tàn lại càng chưa. Lịch sử tâm hồn con người được viết trên những phiến lá úa tàn, tôi tin như thế dù niềm tin ấy có chút đớn đau. Tôi không phân biệt được rõ ràng ranh giới giữa niềm tin và sùng kính. Có lúc tôi thấy chúng tách biệt nhau, có lúc chúng lại hòa quyện làm một. Nhưng tôi nghĩ con người cần phải biết sùng kính, nếu không chúng ta thật sự vu vơ. Tôi nhớ trường hợp của Stefan Zweig. Nhà văn này thú nhận rằng ông ta sùng kính Goethe đến mức run rảy khi được gặp một người mà đầu của người ấy đã được bàn tay của Goethe âu yếm đặt lên một lúc. Lòng ngưỡng mộ vô bờ như thế đã kiến tạo nên một trong những nhà văn lãng mạn bậc nhất châu Âu. Thiếu sùng kính, thật khó mà đi đến tận cùng thế giới. Người bạn dạy văn của tôi sùng kính Zweig chẳng kém gì Zweig sùng kính Goethe. Bạn luôn nhìn thấy trong những trang viết rạo rực tưng bừng của các Zweig có một mùa xuân vùng Tây Bắc ẩn tàng. Đôi khi hứng lên bạn tôi còn hình dung ông nhà văn người Áo chờn vờn đứng trên đỉnh đồi thoi thóp sương trước nhà bạn và kể về những chân trời xa ngái mà bạn chưa tới nhưng không phải là vĩnh viễn không tới được.

Tưởng tượng luôn là phương tiện đào thoát ngoạn mục.

Những lúc kẹt giữa dòng người khét lẹt ở phố Lí Nam Đế, tôi đào thoát bằng cách thả lỏng thần trí để ngửi thấy mùi thơm ngọt ngây dại của cây táo trắng, để nhìn thấu đáy bầu trời dù nó đang bị che bởi những mái tôn khô khốc và để gặp lại những làn mưa bụi thoang thoảng dạt bay trên nóc ngôi nhà xưa cũ của mình. Tôi thấy bạn tôi, bệnh tật nhưng tĩnh tại, từ ban công nhìn xuống cả một rừng đào cổ thụ đang xoay chuyển nhấp nhô bên dưới.

Và tôi nhận ra mùa xuân cùng ai đó thõng tay đi dạo phía mờ xa. 

MỚI - NÓNG