Những thứ ta quên

TP - Một chiếc máy bay Boeing cũ của quốc gia láng giềng bị “bỏ quên” suốt 12 năm qua giữa mưa nắng nơi sân bay Nội Bài. Sự bỏ quên lạ lùng ấy khá giống như câu mở đầu cho một tác phẩm văn chương siêu thực.

Nhưng là có thật. Và nó mới được nhắc lại trong một câu chuyện nhiều cảm xúc. Lãnh đạo một trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội vừa làm đơn “xin” chiếc máy bay trên về cho các cụ già. Giúp các cụ thỏa mãn “nỗi ao ước được một lần trải nghiệm ngồi lên chiếc máy bay trong khi hiện tại sức khỏe không cho phép để di chuyển bằng máy bay thực sự”.

Gợi ý tiếp theo cũng thật hồn nhiên. Đó là nếu không được “cho”, thì trung tâm sẽ đổi lại bằng 3 suất dưỡng lão với đầy đủ mọi dịch vụ trong vòng 12 năm (cũng lại 12 năm), quy ra tiền sẽ lên đến trên 3,8 tỷ đồng!

Niềm vui của chúng ta mỗi ngày càng trở nên hiếm hoi, dù chỉ là vui trong hoài niệm. Tôi chợt thương ánh mắt ngẩn ngơ của những con người cả Tây lẫn Việt trước những hàng rào sắt quây kín “phố cà phê đường tàu” Phùng Hưng. Một không gian gây nhớ với một số người, nơi gần như cuối cùng níu giữ một thời đã mất. Cái thời đặc biệt của mỗi chứng nhân chúng ta trong dòng lịch sử một chế độ mới ra đời mấy mươi năm trước. Nỗi thương nhớ ngày xưa ấy cuối cùng cũng bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho sự văn minh, hiện đại và an toàn!

Mà kỳ thực loài người chúng ta có an toàn không, hay “đang bước vào thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6” như lời thốt lên thống thiết của cô bé Thụy Điển 15 tuổi Greta Thunberg trước hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc mới đây?

Không phải ngẫu nhiên sự tiếc nuối lớn hơn cả với cà phê đường tàu lại thuộc về những vị khách đến từ những xứ sở văn minh, hiện đại. Nhiều tờ báo lớn của thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm. Họ, mọi thứ đều đi trước chúng ta mấy chục năm. Tất nhiên, kể cả cảm giác về sự nguội lạnh, vô cảm trước bao thứ gọi là “văn minh, hiện đại, an toàn”. Cái cách họ nhâm nhi và thích thú trải nghiệm nơi phố cà phê đường tàu ấy, như mang đến cho chúng ta một tín hiệu, một lời nhắc. Rằng, chúng ta cho dù là những kẻ tiến triển chậm hơn về cái gọi là “hiện đại”, nhưng kỳ thực lại đang rất giàu có. Những thứ mà ta luôn không nhìn ra, hoặc dễ dàng lãng quên, phủi bỏ.

Tim O’Brien, nhà văn Mỹ nổi với tác phẩm “Những thứ họ mang” viết về chiến tranh Việt Nam. Những người lính Mỹ ra trận mang vác trên người biết bao nhiêu thứ vũ khí, quân trang nặng nề, cả thuốc an thần. Nhưng thứ nặng hơn cả khiến họ dễ dàng đổ gục xuống, đó là “nỗi sợ không gì cân nổi”. Thực ra, suy cho cùng có những thứ còn nặng hơn, đó là nỗi niềm con người bên bờ vực cái chết, một bước đầy ám ảnh để chạm vào sự lãng quên vĩnh viễn.

Chiếc máy bay khổng lồ ấy, giả sử được chấp thuận, sẽ giúp những cụ già nơi trung tâm dưỡng lão thao thức lại điều gì?

MỚI - NÓNG