Những sân khấu hàng chục nghìn khán giả
Nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những sân khấu thường xuyên sáng đèn như Cung Văn hóa – Việt Xô, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Lớn Hà Nội,… chỉ có vài trăm đến trên dưới 1000 chỗ thì ngược lại, ở hội chợ tỉnh, các ca sĩ, diễn viên hài buộc phải làm quen với áp lực đến từ vài nghìn, thậm chí vài chục nghìn khán giả thuộc đủ mọi tầng lớp.
Tất nhiên, những sân khấu ở hội chợ tỉnh được đầu tư không nhiều và không thể so với các nhà hát ở thành phố lớn về sự cầu kì, điều kiện ánh sáng, hậu trường cho nghệ sĩ,… Lí giải về điều này, nhiều nghệ sĩ cho rằng, không hẳn là các nhà sản xuất không đủ lực đầu tư nhiều cho các sân khấu hội chợ mà đơn giản là họ muốn tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận,…
“Ngoài ra, các sân khấu hội chợ tỉnh mang tính lưu động, “nay đây mai đó” nên không đầu tư xây dựng lớn mà buộc phải đơn giản”, bầu show H Nguyễn nhận định.
Đầu tư ít về sân khấu và chẳng cũng được quảng bá hoành tráng nhưng những sân khấu vẫn được gọi nôm na là “chuồng gà” này vẫn thu hút đông đảo khán giả đến theo dõi.
Diễn viên Trung Ruồi – gương mặt mới của Táo Quân 2017 cho biết, anh tuy là tên tuổi mới nhưng cũng nhận lời diễn tỉnh khá nhiều. Với đặc thù là nguồn thu nhập của khán giả đi xem hội chợ không lớn nên các show thường chỉ có giá vài chục ngìn đồng/vé.
Trong khi đó, những show ca nhạc, hài kịch tại những thành phố lớn thường có giá từ thấp nhất là 500 nghìn đồng đến cao nhất là khoảng 4 triệu đồng/vé.
Chính vì có giá vé thấp như vậy nên những show hội chợ ở tỉnh thu hút rất đông khán giả. Tuy thu nhập thấp và có đời sống kinh tế không mấy dư dả nhưng những khán giả ở tỉnh sẵn sàng bỏ ra từ 50 đến 80 nghìn đồng cho một tấm vé vào xem các nghệ sĩ thành phố về diễn tại hội chợ.
Bầu show M cho biết, đầu tư vào những show hội chợ khá an toàn bởi nhu cầu của khán giả lớn, số tiền đầu tư vào sân khấu không nhiều. “Chỉ cần thời tiết thuận lợi và có một vài cái tên đủ sức kéo khán giả, những show hội chợ có thể hút từ 5000 khán giả đến thậm chí là vài chục nghìn khán giả”, bầu M cho biết.
Những sự cố nhớ đời
Được biểu diễn ở những tụ điểm “đông vui, nhộn nhịp” là thế song những ca sĩ, danh hài cũng đối diện với không ít sự cố, thậm chí là hiểm nguy rình rập. Ca sĩ Vũ Duy Khánh – nam ca sĩ nổi tiếng với những bản hit như Vợ yêu, Vợ tuyệt vời nhất,… là người hiểu rõ những nguy cơ khi đi diễn tỉnh.
“Cát-xê cao, chăm chỉ chạy show cũng có thu nhập tốt nhưng chạy show hội chợ cũng không ít nguy cơ. Dân trí ở những vùng sâu vùng xa còn thấp nên đôi khi khán giả hành xử hơi quá đà, cũng chỉ vì hâm mộ nghệ sĩ quá thôi”, Vũ Duy Khánh cho biết.
Theo giọng ca Ngoại tình, anh từng gặp không ít sự cố khi đi diễn tỉnh, chủ yếu đến từ sự hâm mộ đến cuồng nhiệt của khán giả. “Hơn 10 năm đi hát của tôi, đến nay đã thay đến 4 lần ô-tô thì cả 4 lần đó, nó đều từng bị vỡ kính vì khán giả ném đá”, Vũ duy Khánh cho biết.
Tuy gặp sự cố như vậy, Vũ Duy Khánh không lấy làm bực mình mà cho rằng đó chỉ là sự hâm mộ cuồng nhiệt hoặc nghịch ngợm của những thanh, thiếu niên vùng quê nơi anh ghé thăm biểu diễn.
Cũng từng trải qua những trải nghiệm nhớ đời như Vũ Duy Khánh, diễn viên Thu Huyền của Nhà hát kịch Hà Nội cũng cho biết, chị từng bị ném đá khi đi diễn ở một tỉnh lẻ. “Lần đó, trẻ con ở đây xé rào để vào xem các nghệ sĩ rồi ném đá tứ tung. Lúc tôi đang diễn thì bị ném đá đến “bụp” một cái vào người. Chân tay đều dính “đạn” và đau ê ẩm rồi sưng tấy. Tuy nhiên, tôi và mọi người vẫn tiếp tục diễn ”, Thu Huyền kể lại.
Nữ diễn viên cũng cho hay, hành động ném đá hôm đó phần lớn đều xuất phát từ các khán giả nhí. “Trẻ con mà, ý thức còn chưa thấu đáo. Mình cũng không thể đòi hỏi ai cũng có ý thức, hành động tốt cả. Với cả, chúng ném không phải vì ghét nghệ sĩ mà đơn giản là do nghịch ngợm, thích gây chú ý mà thôi”, Thu Huyền nói.
Năm 2011, Đông Nhi được phen hoảng hồn trong một lần đi diễn tỉnh. Khi cô đang cao hứng hát ca khúc Bối rối thì một khán giả nam chạy lên sân khấu ôm ghì rồi cưỡng hôn. Nữ ca sĩ đã cố gắng né tránh nhưng fan cuồng nhất quyết không chịu buông tha cho đến khi lực lượng an ninh có mặt. Theo người quản lý của ca sĩ Đông Nhi, không ít lần Đông Nhi bị khán giả lợi dụng tiếp cận xin chữ ký để sờ soạng.
Tương tự như Đông Nhi, khi đang biểu diễn tại Gia Lai, Bảo Thy đã bị một khán giả quá khích lao lên sân khấu ôm chặt và sàm sỡ.
Trước tình huống trên, Bảo Thy quyết định ngừng hát, rút lui vào hậu trường và không quên khéo léo chia sẻ: "Các bạn có thấy khán giả vừa rồi hơi quá khích không ạ? Thực sự bạn đã làm cho Bảo Thy không tự tin khi đứng đây hát nữa'.
Nhiều đồng nghiệp gặp sự cố khi đi diễn các hội chợ tại các tỉnh là vậy nhưng với riêng Long Nhật, anh lại có ý kiến khác. Theo nam ca sĩ Tóc em đuôi gà, vài năm trở lại đây, các sân khấu hội chợ đã được đầu tư chỉn chu. Các nghệ sĩ khi đến biểu diễn cũng đều có vệ sĩ bảo vệ nên những tình huống oái ăm xảy ra đã giảm hẳn. “Các sân khấu hội chợ, chuồng gà bây giờ cũng không còn như xưa nữa. Nói là chuồng gà nhưng cũng chưa hẳn thế đâu. Chưa kể khán giả đã lịch sự, văn mình hơn nhiều rồi”, Long Nhật cho biết.
Trong khi đó, với danh hài Chiến Thắng, đi diễn tỉnh là không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm vui khi được gặp khán giả. “Mỗi lần diễn xong tôi đều cố gắng ở lại để trò chuyện, chụp với khán giả tấm ảnh. Thực sự là mệt quá rồi nhưng khán giả ở các hội chợ nhiệt tình lắm, có khi cả đời họ không được gặp mình. Mình cố gắng ở lại với họ để họ vui”, Chiến Thắng cho biết.