Những sáng tạo vang danh đời lính

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, làm bia bảng phục vụ huấn luyện tại đơn vị
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, làm bia bảng phục vụ huấn luyện tại đơn vị
TP - Là đơn vị chủ lực, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, nên đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên trong toàn Sư đoàn 324 (Quân khu 4) luôn trăn trở tìm tòi cái mới, sáng kiến cải tiến mô hình học cụ ứng dụng vào huấn luyện.

Năm 2014, tuổi trẻ Sư đoàn 324 ghi dấu ấn khi có 20 hồ sơ sáng kiến tham gia dự thi giải thưởng Nguyễn Viết Xuân cấp Quân khu. Đặc biệt, nhiều sáng kiến đã được ứng dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Tổng đài liên lạc 30 số

Đến Đại đội 18, Trung đoàn 1, mọi người bày tỏ lòng khâm phục khi chứng kiến tổng đài nhân công 30 số do Trung úy Nguyễn Trọng Phúc, Phó đại đội trưởng Đại đội thông tin 18 sáng chế nhờ tính ưu việt hơn rất nhiều so với tổng đài nhân công 10 số của đơn vị.

Điều thôi thúc anh Phúc sáng chế tổng đài 30 số xuất phát từ các lần diễn tập đòi hỏi việc bảo đảm mạng thông tin liên lạc cho người chỉ huy cần kết nối cùng một lúc rất nhiều máy điện thoại. Tuy nhiên tổng đài nhân công 5421 của đơn vị chỉ có 10 số, việc kết nối gặp nhiều khó khăn nên phải ghép 2 tổng đài với nhau, nhưng cách làm này vừa mất thời gian, trọng lượng máy lớn và cồng kềnh.

Sự bất cập này thôi thúc Trung úy Phúc sáng tạo ra tổng đài gọn nhẹ với nhiều tính năng. Khi tổng đài 30 số ra đời không chỉ đáp ứng được mạng thông tin liên lạc trong diễn tập, trọng lượng chỉ bằng một nửa so với tổng đài 10 số và tổng đài mới dùng công nghệ mới với đèn led; chuông điện để thực hiện báo cuộc gọi đến mà không phải sử dụng nguồn điện ngoài. Sáng kiến này của anh Phúc nhanh chóng được lãnh đạo, chỉ huy đánh giá cao, ủng hộ. Hiện nay, các đơn vị đã đưa tổng đài 30 số vào phục vụ mạng thông tin liên lạc hằng ngày.

Những mắt thần trong đêm

Đối với đơn vị chủ lực mỗi năm tiến hành hàng chục bài bắn các loại súng trong biên chế, trong đó nhiều nội dung bắn vào ban đêm, việc kiểm tra kết quả bắn, bảo đảm an toàn tuyệt đối là nhiệm vụ hàng đầu đối với đơn vị.

Xuất phát từ thực tế đó, Trung úy Hoàng Trung Thông, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 đã sáng tạo ra “Thiết bị học tập và kiểm tra kết quả bắn súng ban đêm”. Với thiết bị gọn nhẹ và dễ sử dụng này, không cần người phục vụ sau mỗi lần bắn vừa bảo đảm an toàn và kết quả rất chính xác.

Sáng kiến của Trung úy Thông gồm các thiết bị như: Nguồn điện 12v, bóng đèn, dây điện, đồng hồ, 2 con chíp và bia có gắn hai lá thép cách điện. Khi tiến hành kiểm tra bắn đạn thật, đầu đạn nếu trúng bia sẽ xuyên qua 2 lá thép tạo thành mạch điện kín làm cho rơ le ở bộ điều khiển kêu và bóng đèn phát sáng báo hiệu mục tiêu đã tiêu diệt. Sáng kiến này đã được các đơn vị trong toàn Sư đoàn áp dụng.

Trong số những sáng kiến dự thi giải thưởng Nguyễn Viết Xuân cấp Quân khu năm 2014, phải kể đến sáng kiến “Mìn đè nổ huấn luyện” của Thượng úy Phan Thanh Bình, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335. Xuất phát từ thực tế của đơn vị huấn luyện dò gỡ khắc phục vật cản trong đêm tối, không ít chiến sĩ chủ quan nên thực hiện động tác không cơ bản và cán bộ kiểm tra gặp nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng huấn luyện không cao.

Từ khi sáng kiến “Mìn đè nổ huấn luyện” ra đời đã khắc phục được những hạn chế trên. Bởi, khi bộ đội thực hành khắc phục bãi vật cản trong đêm tối làm sai động tác, làm ẩu đè lên quả mìn lúc đó mìn phát sáng báo hiệu mất an toàn từ đó cán bộ huấn luyện phát hiện cái sai của bộ đội để chỉnh sữa.

Cấu tạo sản phẩm có 3 phần gồm: Thân mìn có thể làm bằng ống tre, ống lon hay làm bằng cao su, nguồn điện dùng pin con thỏ hoặc pin điện thoại di động, cuối cùng là bộ phận tạo âm thanh phát ánh sáng, với giá thành của sáng kiến chỉ 50.000 đồng!

Trung tá Đoàn Xuân Bường, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, từ đầu năm Đảng ủy Sư đoàn đến các chi bộ đều có nghị quyết lãnh đạo; Gắn thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua và thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm 2013, toàn Sư đoàn có 8 hồ sơ sáng kiến dự thi giải thưởng Nguyễn Viết Xuân cấp Quân khu và tất cả 8 hồ sơ đều đạt giải, trong đó có 2 sáng kiến đạt giải khuyến khích cấp Bộ Quốc phòng.

Năm 2014, có gần 60 sáng kiến các loại, tuy nhiên Hội đồng thi đua cấp Sư đoàn chọn 20 hồ sơ sáng kiến dự thi giải thưởng Nguyễn Viết Xuân. Đây là những “quả ngọt” của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324, hưởng ứng cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

MỚI - NÓNG