Những sai lầm phổ biến gây hại sức khỏe trong mùa đông

Thời tiết khắc nghiệt của mùa đông khiến chúng ta nảy sinh nhiều tật xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu tiếp tục duy trì thói quen này, cơ thể bạn sẽ phải đối mặt với bệnh tật.

Vệ sinh cá nhân

Vào mùa đông nhiều người vẫn duy trì đều đặn thói quen tắm hàng ngày.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, điều đó sẽ gây tổn thương lớp biểu bì của da, làm cho da mẩn ngứa, sức đề kháng của da cũng yếu đi, dễ gây bệnh về da. Bên cạnh đó, khi da bị khô, tiết nhiều dầu hơn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây mụn.

Vì vậy, bạn nên tắm 2-3 lần mỗi tuần và duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày, nhiệt độ thích hợp của nước từ 24-29 độ C.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Hưng (bệnh viện Da liễu trung ương), rất nhiều người Việt Nam mắc sai lầm khi rửa mặt. Vào mùa lạnh, bạn không nên tùy tiện rửa mặt bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh.

Nước nóng sẽ làm khô da, còn quá lạnh sẽ khiến lỗ chân lông co lại, vi khuẩn và bụi sẽ không được làm sạch.

Những sai lầm phổ biến gây hại sức khỏe trong mùa đông ảnh 1
 

Vì vậy, bác sĩ Hưng cho rằng chúng ta nên sử dụng nước ấm vừa rửa sạch hết bụi bẩn trên da mặt, đồng thời giúp làn da đỡ khô nẻ trong mùa đông.

Tập thể dục

Thời tiết lạnh giá của mùa đông khiến chúng ta trở nên lười vận động, tinh thần tập thể dục giảm sút.

Tuy nhiên, theo huấn luyện viên Nguyễn Đăng Giang Anh không duy trì chế độ tập luyện thường xuyên vào mùa đông sẽ khiến bạn tăng cân nhanh chóng, ảnh hưởng tới sức khỏe, vóc dáng.

Việc tập luyện vào mùa đông cũng cần tuân thủ những quy tắc quan trọng để tránh sự cố hi hữu có thể xảy ra. Trước khi tập luyện, các bạn cần khởi động10-20 phút giúp làm nóng cơ thể và đánh thức cơ bắp, tăng hiệu quả tập luyện.

Thời điểm phù hợp nhất trong ngày để tập thể dục vào mùa đông là 15-17h hoặc 17-19h. Khi đó, thời tiết ấm áp nhất trong ngày, đồng thời cơ thể chúng ta cũng khỏe mạnh nhất, có thể đốt được nhiều calo khi tập.

Huấn luyện viên này cho rằng chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng sớm và cần chú ý giữ ấm để tránh bị sốc nhiệt hoặc cảm lạnh.

Buổi sáng mùa đông là thời điểm thích hợp nhất cho những bài tập đánh thức cơ thể, yêu cầu sự dẻo dai và sức bền như yoga, pilates, chạy bộ, nhảy dây, aerobics.

Vào buổi chiều, tùy vào sở thích, mọi người có thể tìm đến những bài tập nặng hơn, yêu cầu sức mạnh cơ bắp như tập các bài tập cơ với tạ, tập HIIT.

Chế độ ăn uống

Vào mùa đông, chúng ta thường lười uống nước mà thay vào đó bằng cách sử dụng các loại thức uống như trà, cà phê.

Tuy nhiên, để có sức khỏe tốt, khả năng đề kháng cao, một làn da mịn màng hoàn hảo vào mùa đông, các bạn nên duy trì thói quen uống nước lọc cách mỗi tiếng trong ngày.

Mùa đông, chúng ta thường có xu hướng lựa chọn các món nhiều dầu mỡ và gia tăng thói quen ăn vặt. Đây chính là nguyên nhân khiến mọi người thường tăng cân và phải đối mặt với nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Tiêu biểu, trong tiết trời đông lạnh, các món nướng với mùi thơm, vị béo ngậy luôn hấp dẫn mọi người. Nhưng những món ăn này cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm nếu chế biến sai.

Bên cạnh đó, đồ nướng tuy ngon nhưng ăn nhiều cũng không tốt có thể làm tăng lượng mỡ tích tụ và dư thừa trong cơ thể.

Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn quá nóng khiến ảnh hưởng đến lớp men răng, lâu dần làm ê buốt chân và tủy răng của bạn.

Giấc ngủ

Với thời tiết lạnh giá của mùa đông chúng ta thường ngủ sớm hơn và thức dậy muộn.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu thời gian ngủ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, trí nhớ giảm sút và trầm cảm.

Vì vậy, bạn chỉ nên duy trì giấc ngủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, trùm chăn kín đầu khi ngủ khi thời tiết lạnh giá cũng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Thói quen này khiến bạn hít phải những chất có hại do chính mình thải ra qua quá trình hô hấp.

Vì vậy, sau khi thức giấc bạn sẽ cảm thấy uể oải, choáng váng, ăn không ngon miệng, sụt giảm trí nhớ.

Một số người thường mặc nhiều hoặc quần áo dày đi ngủ và cho rằng sẽ giúp giữ ấm cơ thể.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ đánh lừa bạn thời gian đầu nhưng lại làm tăng độ ma sát trên da, cản trở khả năng tuần hoàn máu và sự trao đổi chất, mồ hôi khó bay hơi, thấm ngược vào cơ thể, rất dễ cảm lạnh.

Ngoài ra, dù không mắc bệnh về chân nhưng vẫn thường xuyên đi tất khi ngủ cũng là thói quen không tốt. Điều đó sẽ khiến gây bí các lỗ chân lông, khiến mồ hôi không thoát ra được, dễ bị hôi chân.

Việc thường xuyên đi tất còn khiến các khớp gò bó, dễ dẫn đến thấp khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG