Những nước nào đã đưa quân giúp Kazakhstan lập lại trật tự?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lực lượng gìn giữ hoà bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã được triển khai tới Kazakhstan khi quốc gia này gặp khó khăn trong việc kiểm soát làn sóng biểu tình bạo lực.

CSTO là gì?

CSTO là khối an ninh bao gồm 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Khối được thành lập vào năm 1992, sau khi Liên Xô sụp đổ, có vai trò đảm bảo an ninh cho các quốc gia thành viên.

Khối có trụ sở chính tại Mátxcơva, nhưng các quốc gia thay nhau giữ vai trò lãnh đạo, còn gọi là chủ tịch luân phiên.

Các quyết định của CSTO được đưa ra dựa trên cơ sở nhất trí. Các thành viên của khối thường tổ chức tập trận chung hằng năm, và được yêu cầu không tham gia các khối quân sự khác, ví dụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.

Vì sao Chính phủ Kazakhstan yêu cầu hỗ trợ?

Chính biến Kazakhstan bùng phát hôm 2/1 sau khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu leo thang thành bạo loạn. Những người biểu tình quá khích đã đốt xe cảnh sát, xông vào toà nhà chính phủ và chiếm giữ nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng.

Những nước nào đã đưa quân giúp Kazakhstan lập lại trật tự? ảnh 1

Toà thị chính thành phố Almaty bị người biểu tình tấn công. Ảnh: Tass

Ngày 5/1, người biểu tình tiếp tục tấn công và phóng hỏa các tòa nhà hành chính. Tổng thống Kazakhstan - Kassym-Jomart Tokayev nói rằng “những kẻ khủng bố được huấn luyện ở nước ngoài” đang tấn công các cơ sở chiến lược. Ông yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đưa quân đến hỗ trợ quốc gia này lập lại trật tự.

Những nước nào đã đưa quân giúp Kazakhstan lập lại trật tự? ảnh 2

Cảnh sát đối phó với người biểu tình ở thành phố Aktobe. Ảnh: Reuters

Đáp lại yêu cầu của Tổng thống Tokayev, các thành viên CSTO đã họp khẩn và thống nhất việc can thiệp quân sự là chính đáng, vì các sự kiện xảy ra ở Kazakhstan “đang đặt ra mối đe doạ với an ninh, sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”, theo Tổng thư ký CSTO - Stanislav Zas.

Điều 2 của Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO quy định trong trường hợp sự an toàn, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của một hoặc một số quốc gia thành viên bị đe doạ, khối sẽ lập tức khởi động cơ chế tham vấn chung.

Điều 4 Hiệp ước ghi rõ nếu xác định có mối đe doạ với các quốc gia thành viên, khối sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ quân sự.

Những quốc gia nào đã gửi quân đến Kazakhstan?

Tất cả các thành viên của CSTO đều đã điều động binh sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hoà bình ở Kazakhstan, với tổng số lên đến khoảng 2.600 người.

Các máy bay quân sự An-124 và IL-76 cất cánh từ sân bay Chkalovsky gần Mátxcơva để lên đường đến Kazakhstan. Nguồn: RT

Binh sĩ Nga là nhóm đầu tiên đặt chân đến Kazakhstan hôm 6/1, mang theo nhiều khí tài. Ngày 7/1, Belarus triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Kazakhstan thông qua Nga.

Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng đã cử khoảng 100-200 binh sĩ mỗi nước đến Kazakhstan, đồng thời triển khai một số khí tài quân sự.

Lực lượng Tajikistan đến Kazakhstan. Nguồn: Twitter

Binh sĩ Nga có tham gia trấn áp người biểu tình?

Tổng thư ký CSTO - Zas cho biết sứ mệnh gìn giữ hoà bình gồm 2 mục tiêu chính là duy trì trật tự, an toàn cho người dân, và bảo vệ các cơ sở chiến lược, chính phủ quan trọng. Ông cảnh báo nếu các địa điểm được bảo vệ bởi lực lượng CSTO bị tấn công có vũ trang, các binh sĩ sẽ được phép sử dụng vũ lực để đáp trả.

Tuy nhiên, CSTO không có kế hoạch điều động lực lượng gìn giữ hoà bình trực tiếp tham gia trấn áp biểu tình, vì đây là nhiệm vụ của cảnh sát và quân đội Kazakhstan.

“Có cáo buộc cho rằng lực lượng của chúng tôi sẽ tham gia giải tán biểu tình. Việc đó sẽ không xảy ra”, ông Zas nói.

Lực lượng gìn giữ hoà bình sẽ được triển khai ở đâu?

Mặc dù danh sách các “cơ sở chiến lược” mà liên quân CSTO tham gia bảo vệ chưa được công bố. Nhưng theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Igor Konashenkov, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ tham gia bảo vệ các lãnh sự quán của nước này ở Kazakhstan, cũng như sân bay quốc tế ở thành phố Almaty.

Nga còn có một số địa điểm mang tầm quan trọng chiến lược mà nước này thuê từ Kazakhstan, ví dụ như sân bay vũ trụ Baikonur. Tuy nhiên không rõ lực lượng gìn giữ hoà bình có được triển khai tới bảo vệ Baikonur hay không.

Liên quân CSTO sẽ ở lại Kazakhstan bao lâu?

Theo Tổng thư ký CSTO Zas, nếu lãnh đạo Kazakhstan cho rằng tình hình đã ổn định và có thể được kiểm soát bởi lực lượng của chính họ mà không cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác thì chiến dịch sẽ kết thúc và tất cả lực lượng nước ngoài sẽ được rút đi.

Theo RT
MỚI - NÓNG