Những người thầy lội bùn ngập cẳng chân đi dạy

Để vào được trường THCS Hua La (thuộc điểm trường Trung Ban, bản Pua Phọt, TP Sơn La), các giáo viên phải lội bùn, vượt suối do đường sình lầy sau ngày mưa đổ. Ảnh: Diệp Hương.
Để vào được trường THCS Hua La (thuộc điểm trường Trung Ban, bản Pua Phọt, TP Sơn La), các giáo viên phải lội bùn, vượt suối do đường sình lầy sau ngày mưa đổ. Ảnh: Diệp Hương.
Từ trung tâm xã Hua La (TP Sơn La) vào trường THCS Hua La chừng 10 km đường đồi đất, qua con suối Nậm La. Những hôm trời mưa đường sình lầy, núi lở, thầy cô giáo phải lội bùn vào dạy chữ cho trẻ.

Trường THCS Hua La nằm ở bản Pua Nhọt, xã Hua La, TP Sơn La. Trường nằm vắt vẻo trên đỉnh đồi, giữa những cánh rừng xanh thẳm. Trước đây, trường được dựng bằng tranh tre nứa lá tạm bợ. Ngày đông giá rét, học sinh đến lớp chân đất, áo phong phanh, môi tím bầm. Có hôm sương mù trắng trời, ùa qua khe cửa lớp học vào bám dính cả mi mắt thầy trò.

Từ năm 2010, trường THCS Hua La được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Tuy nhiên, đường đến trường này vẫn là thử thách lớn với các thầy cô, học sinh. Từ trung tâm xã Hua La vào trường học chừng 10 km đường đồi đất, qua con suối Nậm La. Những hôm trời mưa đường sình lầy, núi lở thầy cô giáo phải lội bộ cả chục cây số vào dạy.

4 năm công tác tại trường Hua La, thầy Vũ Tiến Hùng cho biết, ngày nắng hay mưa các giáo viên đến trường đều mặc áo mưa vì bụi mù, lầy lội. Cây cầu tre dân bản bắc tạm qua suối Nậm La, cứ mưa lớn lại bị cuốn trôi đi. Những hôm ấy, các thầy cô phải giữ học sinh ở lớp đợi phụ huynh đến đón vì sợ lũ ống, lũ quét có thể ập về bất cứ lúc nào.

Mùa đông năm trước, hai cô giáo trên đường mua dụng cụ về cho trường đã bị lao xe xuống con suối Nậm La khi đi qua cây cầu tạm, trơn trượt ngày mưa. Hai giáo viên ngã xuống suối, may lao vào chỗ nước nông, toàn cát nên không thương tật nhiều. Cô giáo ngồi sau xe sợ quá ngất xỉu, cô cầm lái thì bị lạnh cóng, tê chân tay và được dân bản đưa về trạm y tế xã cấp cứu.

20 năm giảng dạy ở trường THCS Hua La, cô Cầm Thị Thúy đã cùng học sinh vượt qua bao gian khó để dạy chữ. Cô nhớ khi trường, lớp mới được dựng, trẻ em, bà con vùng cao nơi đây mừng lắm. Nhưng rồi lớp học thưa vắng dần vì học sinh thường bỏ học lên nương trồng ngô, lúa, đào củ mài mong được no bụng. Những ngày giáp hạt, học sinh không tới lớp, thầy cô lại tất tả đi bộ hoặc nhờ xe máy bà con trong bản, đến từng hộ dân vận động phụ huynh cho con đến trường. “Thêm một em quay lại lớp, cô giáo vùng cao chúng tôi sẽ có thêm động lực để leo ngược núi đón các em về trường”, giáo viên Thúy tâm sự.

Tháng 11 Tây Bắc vẫn có những trận mưa lớn. Mưa trái mùa làm các giáo viên Hua La thêm vất vả trên con đường gánh chữ lên với học sinh vùng cao. Hầu hết thầy cô trường THCS Hua La đều có thâm niên gắn bó với trường. Năm học 2013-2014, có 3 cô giáo được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. “Nơi nào có sự sống, nơi đó cần cái chữ, cứ theo khói bếp, xuyên rừng sẽ tìm thấy lớp học và những người thầy vùng cao”, giáo viên Cầm Thị Thúy cười hiền nói.

Theo Mè Diệp Hương

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.