Những người hùng giữa đời thường - Bài 2: 'Người nhện' mặc sơ mi trắng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đang trên đường đi làm trong trang phục công sở quần âu, sơ mi trắng, thấy vụ cháy xảy ra và có người mắc kẹt, không quản ngại nguy hiểm, anh Lèng Văn Bằng (SN 1985, quê Điện Biên) vội hỗ trợ cứu người. Sau khi cõng hai cô gái thoát khỏi đám cháy, anh lên đường đi làm tiếp. “Lúc đó thôi thúc trong mình là phải cứu người”, anh Bằng nói.

“Không lên cứu, sợ họ không còn cơ hội”

Những người hùng giữa đời thường - Bài 2: 'Người nhện' mặc sơ mi trắng ảnh 1

Khoảnh khắc anh Lèng Văn Bằng cứu người trong vụ cháy Ảnh: PV

Nhớ lại sáng sớm 30/5, anh Bằng nói, không biết vì sao anh lại đi làm theo tuyến đường ngang qua nơi xảy ra vụ cháy. Nhà ở Vân Canh (Hoài Đức), lại làm việc theo ca ở địa điểm trên phố Liễu Giai (quận Ba Đình), bình thường khoảng 7h anh mới đi làm và thường đi đường thẳng. Sáng hôm đó, anh Bằng dậy sớm hơn thường lệ vì thấy hơi bồn chồn. Anh di chuyển từ 5h và đi vòng sang lối ở quận Hà Đông. “Con đường này xa gấp đôi so với đường mình thường đi làm”, anh Bằng nói.

Khi đến địa bàn phường Phú Lương, vừa mua cốc chè ở đầu chợ Xốm, anh Bằng nghe thấy vài tiếng nổ lớn rồi thấy khói đen bốc nghi ngút từ con ngõ nhỏ. Anh chạy xe sang xem có việc gì. “Mình thấy hai cánh tay cầu cứu giữa làn khói đen ở ngôi nhà cháy. Lúc đó, thôi thúc trong anh là phải cứu người”, anh Bằng kể.

Anh đội mũ bảo hiểm, rồi nhặt một viên đá ném lên trên nóc nhà trước, sau đó trèo lên nóc ngôi nhà cấp 4 sát vách ngôi nhà cháy. Bám theo dây chống sét, lên đến nơi, anh dùng viên đá đập vỡ lan can ban công, cõng một cô gái xuống, rồi lại tiếp tục leo lên, đập thêm lan can, rồi đưa một người nữa xuống… trong lúc ngôi nhà vẫn bốc khói đen kịt.

Những người hùng giữa đời thường - Bài 2: 'Người nhện' mặc sơ mi trắng ảnh 2

“Khoảnh khắc ấy, bảo không sợ chắc rất khó tin. Thấy khói đen nghi ngút đang bùng ra ban công, nhiều người dù muốn cứu người có lẽ cũng e ngại. Nếu không ai lên cứu thì hai cánh tay đang vẫy ấy không còn cơ hội mất”, anh Bằng nói.

Theo anh Bằng, trong lúc cõng người bị nạn, do hoảng loạn, bạn nữ ghì chặt vào cổ làm anh không thở được. Anh phải cố nắm chặt lấy vách tường, dây sắt, bảo cô gái bám xuống vai cho dễ thở.

Sau vụ cháy, anh Bằng vẫn đi làm như thường ngày. Cung đường lại trở lại như trước. Mọi sự tung hô, khen ngợi trên mạng xã hội, anh Bằng nói là niềm động viên rất lớn để anh tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Anh Bằng bảo, nếu đặt vào hoàn cảnh ngặt nghèo nào khác, anh sẽ vẫn tiếp tục cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ người khác nhiều nhất có thể…

Qua video chia sẻ trên mạng, nhiều người tưởng anh Bằng là dân trong nghề, thuộc lực lượng chuyên nghiệp, nhưng anh bảo, chỉ là dân văn phòng bình thường. Những kiến thức phòng cháy, chữa cháy anh chỉ học qua lớp bồi dưỡng ở cơ quan, nhưng điều quan trọng, theo anh Bằng là nỗ lực muốn cứu người.

Làm việc nghĩa không để tung hô!

Vài ngày sau vụ cháy, Lương Thị Lan Anh (SN 2004, Đại học Đại Nam) và gia đình đã tìm đến nhà anh Lèng Văn Bằng để cảm ơn ân nhân. Buổi gặp xúc động nhiều nước mắt. “Nếu hôm ấy không có chú Bằng cứu thì có lẽ chúng em không sống được”, Lan Anh nói. Theo Lan Anh, vào thời khắc ngọn lửa dần lan ra ban công, đứng trong song sắt, Lan Anh có cảm giác bất lực, sợ hãi. Khi anh Bằng lao lên cứu giúp, Lan Anh mừng rơi nước mắt. “Lúc chú Bằng kéo em ra khỏi ban công, em bám vào lan can thấy nóng lắm. Vậy mà chú ấy vẫn cố leo lên leo xuống mấy lần để cứu hai chị em. Thực sự chúng em rất cảm động và thấy bản thân may mắn vì được sống một lần nữa”, Lan Anh chia sẻ.

Sau vụ cháy, để tìm được thông tin về anh Bằng, cả chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn. Ngay sau khi cứu người, anh Bằng lên xe đi làm luôn. Khó hơn ở chỗ, trong suốt quá trình hỗ trợ nạn nhân vụ cháy, anh Bằng luôn đeo khẩu trang nên không ai nhận diện được. Vì thế, trên báo chí và mạng xã hội thời điểm đó chỉ gọi anh Bằng bằng cái tên gắn liền với trang phục của anh - “người hùng mặc áo sơ mi trắng”.

Anh Bằng nói, cũng không biết tại sao mọi người tìm được số điện thoại của anh để liên hệ hỏi chuyện, cảm ơn…. “Mình nghĩ đơn giản là cứu được người là tốt chứ không nghĩ tới phải “được nọ được kia” để mọi người tung hô, gọi mình là người hùng”, anh Bằng quan niệm. Theo anh Bằng, trước tình huống ngặt nghèo như vậy, nếu giàu lòng trắc ẩn, hiển nhiên, không phải là anh, cũng sẽ có người khác giúp đỡ các nạn nhân.

MỚI - NÓNG