Những người đàn ông trên cầu

Những người đàn ông trên cầu
TP - Chuyện về những người đàn ông trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) quanh một xác chết rơi xuống dưới cầu nghi án mạng đã qua gần 10 ngày rồi mà vẫn nóng ran dư luận. 

Thời điểm trên, một bên là những cảnh sát hình sự đang tập trung giữ hiện trường điều tra phá án, một bên là cánh phóng viên nóng lòng chụp ảnh đưa tin. Để rồi giữa những người đàn ông ấy xảy ra va chạm không đáng có.

Nhân nhắc đến cầu, xin kể trước câu chuyện “Người đàn ông trên cầu – đạo đức bẩm sinh?” của Richard David Precht - triết gia 6X nổi tiếng người Đức trong cuốn “Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu?” (NXB Dân Trí, 2012). Tình huống giả định 1: Một toa tàu không người lái đang lao thẳng vào 5 công nhân đường sắt. Khi ấy bạn đang đứng ở vị trí bẻ ghi. Nếu bẻ ghi sang phải bạn sẽ cứu được 5 người, nhưng buộc phải hy sinh người thứ 6 đang ở phía bên kia. Tình huống 2: Cũng vẫn toa tàu không phanh lao về những công nhân, nhưng bạn đang đứng trên cầu nơi toa tàu sẽ chui qua. Có một người đàn ông to béo đứng cạnh bạn, mà nếu bạn xô ông ta xuống sẽ chặn được toa tàu cứu sống các công nhân.

Tình huống nghe có vẻ cực đoan kể trên do một giáo sư tâm lý học Đại học Harvard (Mỹ) đặt ra cho 300 ngàn người ở đủ mọi lứa tuổi, thành phần, quốc gia. Kết quả thu được: Tình huống 1 hầu như tất cả đều chọn cách bẻ ghi. Nhưng tình huống 2, chỉ có chừng 15% số người chọn cách đẩy ông béo xuống cầu!

Nhà tâm lý học đi đến kết luận: Gián tiếp làm chết một người luôn dễ chấp nhận hơn trực tiếp ra tay, dẫu đó là việc tốt cứu nhiều người, được khen ngợi. “Đạo đức bẩm sinh” của con người, đó là luôn tốt một cách an toàn, thụ động.

Với những người đàn ông trên cầu Nhật Tân hôm ấy, mâu thuẫn nổ ra, khi ai nấy quyết liệt theo đuổi đến cùng phận sự của mình.

Vậy, thử đặt câu hỏi: Phá án chính xác sớm bắt thủ phạm đền tội, và chụp ảnh đưa tin - hành vi nào đạo đức hơn? Câu trả lời ở đây không hề dễ dàng. Đáp án cũng không thể thỏa mãn cho mỗi bên. Nhất là khi hai hành vi trên trong tình huống buộc phải xung đột, gây khó cho nhau.

Xã hội hiện đại, nội hàm về quan niệm đạo đức ngày càng phức tạp. Ở đó năng lực đạo đức của mỗi người được tận dụng khác nhau, cho thấy sự khác biệt giữa các ý tưởng đạo đức của con người. Chứ không có sẵn “quy luật đạo đức” để bắt con người phải “tốt”! Nói như Precht: mỗi khi xã hội thấy một vấn đề mới thì cũng hình thành ngay một đạo đức mới. Ai tư duy đạo đức, người ấy chia thế giới thành hai mảng, gồm những điều đáng tôn trọng và những điều đáng tẩy chay.

Câu chuyện còn lại là ứng xử. Cho dù là những người tận tụy cống hiến cho công việc của mình, thì sai lầm nhiều khi không thể tránh khỏi. Thì hãy ứng xử với nhau và với công luận như những người đàn ông. 

Trên cuộc sống này, vốn như cây cầu mà chúng ta buộc phải bước qua.

MỚI - NÓNG