Những người “căng mình” dẫn điện cao thế

Các kỹ thuật viên chi nhánh điện Bến Tre đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc nâng cấp trạm biến áp Mỏ Cày. Ảnh: Đại Dương
Các kỹ thuật viên chi nhánh điện Bến Tre đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc nâng cấp trạm biến áp Mỏ Cày. Ảnh: Đại Dương
TP - Bất kể đêm ngày, nắng mưa hay bão tố, những người quản lý, vận hành lưới điện 110 kV luôn phải căng mình để đảm bảo cho “mạch máu” của quốc gia được an toàn, thông suốt.

Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời

“Nghề của chúng tôi là ăn cơm dưới đất nhưng làm chuyện trên trời”- anh Phan Quan Tút - đội phó đội quản lý đường dây, chi nhánh Điện cao thế Bình Dương dí dỏm nhận xét. Anh Tút cho biết, chi nhánh điện cao thế Bình Dương quản lý, vận hành 15 trạm biến áp và 36 tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 320 km. Trong khi đó, cả chi nhánh chỉ có 13 người thực hiện nhiệm vụ quản lý đường dây. “Hằng ngày, anh em chúng tôi phải chia nhau đi kiểm tra, giám sát các tuyến đường dây, nếu phát hiện những nguy cơ gây ảnh hưởng an toàn đường dây là tiến hành xử lý ngay”- anh Tút chia sẻ. Anh cũng cho biết, có cả trăm km đường dây đi qua rừng cao su và đồi núi, sông suối, trong khi phải đi kiểm tra suốt tuyến và kiểm tra từng trụ nên việc đi lại gặp không ít khó khăn, trở ngại. 

  

Vì đi qua rừng cao su nên nguy cơ cành, ngọn cây cao su gẫy, ngã đổ gây sự cố đường dây điện là rất cao, nhất là vào mùa mưa bão. Các anh thường xuyên phải leo trèo chặt tỉa cành cây ngã đổ vào hành lang an toàn, đo độ võng của đường dây. Vào mùa mưa, cành lá cây phát triển nhanh, chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là những cành cây hôm qua vẫn còn thẳng đứng thì hôm nay đã nghiêng ngả vào hành lang an toàn nên liên tục phải đi kiểm tra và chặt tỉa. “Nhưng không phải lúc nào người dân cũng hiểu và ủng hộ việc làm của chúng tôi. Và mỗi khi gặp trường hợp như vậy, chúng tôi phải kiên trì vận động, thuyết phục các chủ vườn cao su cho chặt, tỉa cành, có khi cả tuần mới thuyết phục được”- anh Tút nói.   

Cũng theo anh Tút, tại các khu dân cư, tình trạng xây dựng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, anh em đội đường dây luôn phải kiểm tra, vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác để bảo vệ đường dây và cũng là bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Có không ít trường hợp phải nhờ đến sự ra tay của chính quyền địa phương mới giải quyết được.

Anh Tút tâm sự: “Yêu cầu công việc của chúng tôi là bất kể đêm hay ngày, mưa hay bão… khi nào và ở đâu đường dây gặp sự cố là phải lao đến nơi để khắc phục”. Có nhiều trường hợp anh em trong đội đã phải đội mưa bão, thức suốt đêm để khắc phục. Nguyễn Sỹ Nguyên, một thành viên của đội quản lý đường dây nhớ lại, vào một buổi chiều mùa mưa 2012, một trận lốc xoáy làm cây cối ngã đổ hàng loạt, đè cả lên đường dây 110 kV Trị An-Phú Giáo, gây mất điện trên diện rộng. Anh em chúng tôi phải lập tức lao đến nơi và huy động mọi người cùng nhau dọn dẹp cây cối ngã đổ, leo trèo lên cao căng lại dây… làm từ 5 giờ chiều hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau mới xong. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong đời những người thợ quản lý đường dây.

Luôn gấp rút

Đến trạm biến áp 110 kV Mỏ Cày (Bến Tre) vào một ngày cuối tuần, khi cả chi nhánh điện cao thế Bến Tre (Công ty Lưới điện cao thế miền Nam) đang hối hả lắp đặt máy biến áp 40 MVA để nâng công suất trạm này lên 65 MVA. “Trạm đã quá tải, chúng tôi phải nhanh chóng đầu tư nâng công suất mới đủ để đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh của địa phương”- anh Nguyễn Văn Hoàng- Phó giám đốc chi nhánh điện cao thế Bến Tre nói. Anh Hoàng cho biết, công việc lắp đặt máy biến áp bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/12. Chi nhánh phải huy động toàn bộ lực lượng kỹ thuật để tham gia làm ngày lẫn đêm để kịp đóng điện vào lúc 13 giờ ngày 6/12. Anh Hoàng cho biết, hiện chi nhánh quản lý 157 km đường dây 110 kV và 6 trạm biến áp 110 kV. Do nhu cầu phụ tải của tỉnh Bến Tre gần đây tăng nhanh, công ty liên tục đầu tư phát triển hệ thống lưới và trạm. Từ nay đến cuối năm 2014, chi nhánh lại phải khẩn trương đưa thêm một trạm biến áp 110 kV mới xây dựng vào hoạt động để kịp thời đáp ứng nhu cầu của địa phương. 

Những người “căng mình” dẫn điện cao thế ảnh 1 Đội quản lý đường dây chi nhánh điện cao thế Bình Dương đang kiểm tra đường dây 110 kV Lai Uyên-Chơn Thành. Ảnh: Đại Dương
Hệ thống lưới điện cao thế được xem như “mạch máu” của cả nền kinh tế và việc đảm bảo an toàn, hoạt động xuyên suốt của mạch máu ấy là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, theo anh Nguyễn Văn Hoàng, trong bất kỳ tình huống nào, dù là nâng cấp, sửa chữa hay khắc phục sự cố…cũng phải hết sức khẩn trương, gấp rút để cấp điện trở lại trong một thời gian ngắn nhất có thể, bởi mỗi phút chậm trễ là một phút thiệt hại cho cả xã hội.   

Việc đầu tư để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội cũng là vấn đề luôn cấp bách. Anh Trần Minh Dương - Phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam (Tổng công ty Điện lực miền Nam) cho biết, nhu cầu phụ tải ở khu vực phía Nam tăng rất nhanh nên ngành điện liên tục phải đầu tư phát triển lưới và trạm 110 kV. Có tỉnh, năm 2000 chỉ có 2 trạm kV110 kV, đến nay đã nâng lên 10 trạm.

Hiện công ty quản lý hệ thống lưới điện 110 kV trên địa bàn 20 tỉnh thành phía Nam, trong đó có 4.000 km đường dây 110 kV và 141 trạm biến áp 110 kV. Mỗi năm hệ thống lưới điện này truyền tải 40 tỷ kWh điện. Mặc dù vậy, ngành điện vẫn luôn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống lưới điện này để đảm bảo cho nhu cầu phụ tải trong khu vực tăng bình quân trên 10%/năm. Theo anh Dương, nếu không kịp thời đầu tư, không những không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội mà hệ thống lưới điện luôn hoạt động quá tải sẽ gây mất an toàn, độ tin cậy cho việc cung cấp điện, ngoài ra còn khiến thiết bị nhanh chóng, hư hỏng, xuống cấp.

Gắn bó một đời

Giữa năm 2015 tới đây là anh Tút đúng 60 tuổi và nghỉ hưu theo chế độ. Anh Tút cho biết anh học nghề điện từ năm 16 tuổi và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Suốt một chặng đường gần 40 năm công tác, kỷ niệm vui buồn với nghề đường dây nhiều không sao kể siết. “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi khi xây dựng xong một công trình hay kịp thời khắc phục xong một sự cố lưới điện”- anh Tút chia sẻ với nụ cười sảng khoái.

Tuy vất vả, thu nhập khiêm tốn nhưng những người làm công tác quản lý, vận hành đường dây luôn gắn bó, tận tâm tận lực với nghề. Gần cả một đời gắn bó với ngành điện, anh Trần Minh Dương - Phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam đã lăn lộn, miệt mài với công việc. Từ thực tế công việc, anh có không ít sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại không ít lợi ích cho ngành và đơn vị nơi anh công tác. Và anh cũng là một trong số ít người được trao giải thưởng Tôn Đức Thắng vì những cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong công việc. Anh Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Hoàng (Giám đốc và Phó GĐ chi nhánh điện cao thế Bến Tre), anh Trương Quang Binh- Giám đốc chi nhánh điện cao thế Bình Dương,... và hàng trăm, kỹ sư, công nhân khác cũng đã có thâm niên gắn bó với việc vận hành, quản lý lưới điện cao thế từ vài, ba chục năm trở lên. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều tìm được niềm vui hạnh phúc trong công việc vốn có quá nhiều gian nan, nhọc nhằn.

Tổng công ty Điện lực miền Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Hôm nay, 12/12, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng. 
Công ty Điện lực miền Nam được thành lập tháng 4/1975, đến tháng 5/1981 được đổi tên thành Công ty Điện lực 2, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) ngày nay. EVN SPC hiện quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam, từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào. 

Hệ thống lưới điện từ 110kV trở xuống hiện đã phủ kín các địa phương, công suất cực đại toàn khu vực (năm 2014) đạt 6.942 MW. Từ chỗ chỉ có khoảng 2,5% số hộ dân có điện vào năm 1975, đến nay đã có 100% số huyện, 100% số xã, 98,7% hộ dân có điện, trong đó số hộ dân nông thôn là 98%. 

Giai đoạn 2009-2013, sản lượng điện thương phẩm 257 tỷ kWh (tăng trung bình 11,3%); doanh thu 192 ngàn tỷ đồng; tiết kiệm 2688,5 triệu kWh; tiết kiệm chi phí 126 tỷ đồng; lợi nhuận 2.236,4 tỷ đồng; nộp ngân sách 2.167 tỷ đồng. Dự kiến thực hiện kế hoạch năm 2014: Sản lượng điện thương phẩm là 44,4 tỷ kWh; doanh thu 64 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm 1.180 triệu kWh; tiết kiệm chi phí 90,3 tỷ đồng; lợi nhuận 300 tỷ đồng; nộp ngân sách 300 tỷ đồng. Tỷ lệ điện tổn thất, giảm từ 7,27% xuống 5,44%, dự kiến năm 2014 chỉ tiêu này là 5,48% và đạt chỉ tiêu tập đoàn giao; tương đương giảm tổn thất 1 tỷ kWh.

Tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới tích cực để phục vụ 6,5 triệu khách hàng ngày càng tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.