Từ ao cá đến du lịch sinh thái
Về xã Châu Sơn, hỏi thăm trang trại ông Chương “cá” (tức ông Đặng Văn Chương, sinh năm 1964, trú tại thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam), người dân chỉ dẫn tường tận.
Ông Chương nhớ lại năm 2001, ông mạnh dạn thầu 7,1 mẫu đất eo sông Châu Giang xây trang trại. “Mất hơn 1 tháng, thuê gần trăm nhân công, 1 máy xúc, 1 máy ủi, mới đắp xong eo sông này. Tiền thuê hết 130 triệu đồng, chủ yếu vay mượn anh em, bạn bè. Thời điểm ấy, số tiền đó to lắm”.
Be bờ đắp đất xong, ông Chương thả cá, nuôi gà, vịt, lợn, trồng cây ăn quả. Công việc đang tiến triển tốt đẹp, một phút mất tỉnh táo tin vào đám bạn xấu, ông Chương bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam về tội lưu hành tiền giả. Lĩnh án 6 năm tù, nhờ cải tạo tốt ông Chương được giảm án, chỉ phải ngồi tù 2 năm 1 tháng.
Trang trại của ông Chương được thiết kế như một khu du lịch sinh thái. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Để chuộc lại những ngày tháng lầm lỡ, ông Chương lao vào lao động, “xốc” lại trang trại. Vợ chồng ông mạnh dạn vay vốn phát triển cả chăn nuôi và trồng trọt. Hiện ao ông có khoảng 6 tấn cá các loại. 6 tháng thu hoạch một đợt. Tiền thu được mỗi năm từ ao cá khoảng 500 triệu đồng, chưa kể lãi từ chăn nuôi gà, vịt, cây ăn quả. Trừ đi lương 8 công nhân và tiền mua giống, thức ăn chăn nuôi…, thu nhập trung bình hai vợ chồng ông 100 triệu đồng/người/năm.
Đầu năm 2013, ông Chương thành lập doanh nghiệp kinh doanh đa dịch vụ. Ngoài cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Chương kinh doanh thêm các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái…
Ông Trần Trung Hùng - Trưởng Công an xã Châu Sơn cho biết, từ ngày ra tù, ông Chương luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Chương được nhiều người dân địa phương đánh giá tốt.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức cho cốp-pha lên xe tới công trình đang xây dựng
Quá khứ bỏ đi, ta sống bằng hiện tại
Khác với ông Chương ít nhiều cũng có điều kiện về kinh tế hơn khi ra tù, trường hợp của ông Nguyễn Đức Thức cũng là một tấm gương đáng để trân trọng. Cũng ở Hà Nam, cũng từng có thời lầm lỡ, ông Nguyễn Đức Thức (sinh năm 1961, quê ở TP Phủ Lý) gặp nhiều khó khăn hơn, khi làm lại cuộc đời.
Năm 1995, ông Thức đang làm tổ trưởng tổ 2, đội 3, Cty xây lắp điện 1, thầu xây lắp đường dây 110KV tại Hà Giang. Chỉ vì mâu thuẫn với một công nhân trong tổ, một cú vung tay định mệnh, chiếc tua-vít của ông Thức đâm trúng mắt anh công nhân. Vết thương trúng chỗ hiểm, bệnh viện không cứu được. Ông Thức lĩnh 15 năm tù.
Cải tạo tốt, được giảm án, trở về cộng đồng, ông Thức dựa vào nghề cũ xin đi làm điện lưới cho các cai thầu. Được 3 năm, đi lại nhiều nơi vất vả, vợ con ở nhà nhếch nhác, ông Thức về nhà xây lán trại chăn nuôi ngan, vịt.
Vốn ít, gây mãi được đàn gà, thêm đàn vịt, gặp đợt dịch bệnh chết ráo, cụt cả vốn. Trằn trọc nhiều đêm, ông Thức bàn với vợ con lại trở lại nghề xây dựng. Được con gái cấp cho ít vốn, ông Thức mua máy đóng cọc tre, máy đầm cóc, liên hệ với các cai thầu xin làm cốp-pha, ghép mái nhà cho các công trình xây dựng. Cả hai vợ chồng cùng chung sức làm.
Đến năm 2009, có chút vốn liếng, ông Thức thuê thêm thợ. Hiện nay, mỗi tháng ông Thức thu nhập trung bình chục triệu đồng. Chẳng giàu có gì, song đủ chi tiêu, điều thích nhất là những đồng tiền này đều thấm đẫm mồ hôi của vợ chồng ông.
“Quá khứ ta bỏ đi, phải sống với hiện tại, phấn đấu làm giàu” – ông Thức chia sẻ quyết tâm. Uy tín ngày càng cao, ông Thức thường xuyên được các cai thầu xây dựng tìm đến thuê lắp ghép cốp-pha.
Đầu năm 2013, ông sửa sang lại căn nhà cấp 4, xây thêm tầng 2, hết khoảng 300 triệu đồng. Cô con gái đầu của ông bà vào Nam lập nghiệp, đã yên bề gia thất. Cậu út sinh năm 1990 mới theo chị vào Nam, tu chí làm ăn. Những đứa con ngoan là niềm vui lớn nhất của vợ chồng ông Thức.