Những nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến thương mại của ông Trump

Mỹ khởi xướng nhiều cuộc đối đầu thương mại để hỗ trợ công ty trong nước, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nhất lại chính là doanh nghiệp của họ.

Vài tháng qua, Mỹ đã khởi động cuộc chiến trả đũa thương mại với nhiều nền kinh tế. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, khi nước này đang tăng cường hiện diện trên toàn cầu.

Một số người cho rằng Tổng thống Mỹ - Donald Trump đang cố tăng sức ép lên Trung Quốc trước đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ tháng 11. Cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu mới lên hơn 5.200 hàng hóa Mỹ, nếu Mỹ hiện thực hóa đe dọa áp 25% thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Từ đầu năm nay, Mỹ cũng đã bắt đầu đánh thuế nhập khẩu nhôm thép từ Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Canada. Các nền kinh tế này đều đã tung biện pháp trả đũa.

Theo BBC, dưới đây là các lĩnh vực chính đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Những nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến thương mại của ông Trump ảnh 1

1. Các hãng xe hơi và xe máy

Ngành công nghiệp xe hơi đến nay dường như chịu ảnh hưởng nặng nhất. 3 hãng xe lớn gần đây đều đã phát cảnh báo những thay đổi trong chính sách thương mại đang khiến việc kinh doanh của họ chịu tác động.

Ford và General Motors đã hạ dự báo lợi nhuận năm 2018, do giá nhôm, thép cao vì thuế nhập khẩu mới của Mỹ. Fiat Chrysler cũng hạ triển vọng doanh thu 2018 do doanh số tại Trung Quốc sụt giảm. Nguyên nhân là khách hàng hoãn mua để chờ thuế nhập khẩu xe giảm xuống.

Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo sẽ giảm thuế nhập khẩu xe từ 25% xuống 15%, bắt đầu từ ngày 1/7, nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ. Nhưng ngay sau đó, ngày 6/7, họ nâng thuế nhập khẩu với xe Mỹ lên 40% để trả đũa việc Mỹ áp thuế lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Jaguar Land Rover - hãng xe lớn nhất Anh gần đây cũng báo lỗ lần đầu tiên trong 3 năm, do doanh số tại Trung Quốc đi xuống. Một trong các lý do là người tiêu dùng hoãn mua, do thay đổi trong thuế nhập khẩu của Trung Quốc.

Các hãng xe châu Âu và Mỹ đang thích ứng lại bằng cách tăng giá tại Trung Quốc. BMW gần đây cho biết nâng giá với hai mẫu xe từ ngày 30/7, do thuế nhập khẩu tăng với các loại xe sản xuất tại Mỹ. Hãng xe điện Tesla cũng đã phải thông báo nâng giá với hai dòng xe.

Tuy nhiên, Anna-Marie Baisden - Giám đốc nghiên cứu ôtô tại Fitch Solutions chỉ ra việc này cũng có lợi với Trung Quốc. “Nhiều hãng xe, trong đó có Tesla, đã tăng tốc kế hoạch đầu tư nhà máy tại đây để tránh thuế nhập khẩu”, bà cho biết.

Một số công ty khác trong ngành này cũng đang cân nhắc lựa chọn tương tự. “Điều mỉa mai là Mỹ áp thuế nhập khẩu để hỗ trợ công ty trong nước, nhưng những doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nhất lại đến từ Mỹ, hoặc có hoạt động tại Mỹ”, Baisden nhận xét.

Hãng môtô Harley-Davidson cũng đã lên kế hoạch chuyển bớt sản xuất khỏi Mỹ để tránh gánh nặng “đáng kể” từ thuế nhập khẩu của EU - được áp nhằm trả đũa thuế nhôm thép của Mỹ.

Những nạn nhân đầu tiên trong cuộc chiến thương mại của ông Trump ảnh 2

2. Thực phẩm - đồ uống

Một số công ty trong lĩnh vực này đã hạ triển vọng kinh doanh và tăng giá để đối phó với tình hình mới. Tyson Foods gần đây giảm dự báo lợi nhuận, do thuế trả đũa lên thịt lợn và thịt bò Mỹ xuất khẩu.

Đại gia rượu Brown-Forman cũng cho biết sẽ tăng giá một số loại rượu ở vài nước châu Âu. Coca-Cola cũng sẽ nâng giá ở Bắc Mỹ năm nay, để bù đắp tiền vận chuyển và giá kim loại tăng, theo Wall Street Journal.

3. Các nạn nhân khác

Một số công ty phải chọn cách ít liên quan đến Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu. Hãng sãn xuất đồ chơi Hasbro đang chuyển bớt sản xuất khỏi Trung Quốc. Honeywell cũng muốn dùng nhiều nguyên liệu đầu vào từ các nước ngoài Trung Quốc. Hãng nội thất RH cũng sẽ giảm lượng hàng hóa nhập từ nước này.

4. Nền kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc Mỹ - Trung trả đũa thương mại có thể khiến tăng trưởng toàn cầu mất 0,5% năm 2020. Các số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng tại lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 7. Niềm tin người tiêu dùng Mỹ cũng đi xuống do lo ngại thuế nhập khẩu.

Morgan Stanley ước tính chiến tranh thương mại toàn diện sẽ khiến GDP toàn cầu mất 0,81%. Đây là kịch bản nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên toàn bộ hàng từ Trung Quốc và EU, rồi bị trả đũa tương tự. Nhà băng này cho rằng những ảnh hưởng này có thể sẽ diễn ra vào năm tới, chủ yếu do chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế bị gián đoạn.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG