Những lá thư tình của Ba Mẹ

Ông Nguyễn Lam trên đường công tác ở Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp - 1950
Ông Nguyễn Lam trên đường công tác ở Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp - 1950
TP - (Tưởng nhớ 25 năm ngày mất của ông Nguyễn Lam (tức Lê Hữu Vỵ), Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thời kỳ cuối thập kỉ 50, đầu 60 thế kỉ trước và là Chủ bút đầu tiên của báo Tiền Phong)

Năm nay, mẹ sang tuổi 89, sống cuộc sống của người xưa nay hiếm gần hai chục năm nay. Mẹ vẫn sáng suốt minh mẫn. Có lẽ nghĩ đến quãng đường còn lại của mình còn quá ngắn ngủi, nên mẹ đã cho chúng tôi xem những lá thư tình giữa ba và mẹ vẫn được mẹ coi là báu vật suốt hơn 60 năm qua. 


Đó là tập thư của ba gửi cho mẹ trong những năm hai ông bà tham gia kháng chiến chống Pháp. Có lẽ ít ai có thể lưu giữ thư được quãng thời gian lâu đến thế. 60 năm, qua bao thăng trầm của các cuộc chiến, những lá thư đã ố vàng, thậm chí sờn rách nay được mẹ ép plastic rất cẩn thận. Từ ngày ba mất, mẹ nghỉ hưu, mẹ đọc đi đọc lại hàng trăm hàng ngàn lần, đến mức thuộc lòng từng lá thư. 

Ngày đó, trên đường công tác từ nơi này sang nơi khác, hai ông bà luôn luôn phải xa nhau. Những lá thư bé tý chỉ bằng bàn tay với những dòng chữ li ti như con kiến. Thời đó, kiếm được mảnh giấy để viết thư thật là khó. Điều đó lý giải tại sao cả ba và mẹ tôi đều có thói quen viết chữ nhỏ li ti như vậy và phong cách tiết kiệm đó gần như đã nhiễm vào máu mẹ, thể hiện cả trong việc sử dụng điện, nước… Đọc những lá thư ấy, tôi thấy trào lên một tình cảm thật sâu đậm giữa hai ông bà xuyên qua những năm tháng tản cư trên chiến khu Việt Bắc.   

Những dòng chữ li ti trên những mẩu giấy ố vàng khiến tôi phải căng mắt để đọc, có những lá thư đọc mà tôi hoa cả mắt, phải dùng đến sự trợ giúp của … kính lúp. Khi ba còn sống, ít khi tôi thấy ba thể hiện tình cảm với mẹ, bởi cả hai ông bà đều là người kín đáo, sống nội tâm. Tôi thường nghĩ ba là một người khô khan, ít tình cảm. Phải chăng người Cộng sản nào cũng thế? 

Nhưng khi đọc những lá thư, tôi thay đổi hẳn ý nghĩ trong đầu về ba và những người cộng sản. Tôi cảm nhận được tấm lòng bao la rộng lớn, tình nghĩa sâu nặng của một người cách mạng. Không chỉ có tình yêu với Tổ quốc, ở ba còn mang nặng nghĩa tình với người bạn đời, người bạn chiến đấu và các con. Mặc dù công tác cách mạng đã chiếm hết thời gian của ông, vậy mà lá thư nào viết cho mẹ cũng đều có một phần nhỏ nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe và chăm sóc các con. Tiếc quá, chả có dòng nào nhắc đến tên Hằng, chỉ thấy nhắc đến tên Minh, Khánh, Tâm. Đơn giản vì lúc đó, tôi cùng anh chị tôi là Nga, Nghị chưa ra đời.   

Trong những lá thư ba còn hướng dẫn mẹ tỷ mỉ các công việc khi tham gia công tác, có đoạn thư ông viết: “ …những việc làm của chúng mình, sau này Tổ quốc sẽ ghi nhận…”. Và mẹ tôi đã trưởng thành trong công tác phần nhiều do được sự kèm cặp của ba. Đọc xong tập thư, tôi cảm nhận được sự hy sinh vô cùng lớn lao của ba, mẹ cũng như bao chiến sĩ cách mạng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Có lẽ ở người chiến sĩ cách mạng, ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài, song trong trái tim và khối óc là những tình cảm bao la dành cho Tổ quốc và gia đình.

Mẹ tôi vẫn còn lưu giữ nhiều tấm ảnh quý, trong đó có một bức ảnh đã mờ do thời gian, ghi lại cảnh Ba dắt xe đạp lầm lũi một mình lội dưới dòng suối cạn trong rừng, trên xe chở đầy các túi công văn tài liệu, có lẽ thời đó ba làm công tác bưu tá. Tôi đã giúp mẹ chỉnh sửa và làm thành ảnh to để mẹ treo đầu giường. Mỗi lần nhìn tấm ảnh đó, tôi lại nhớ tới những dòng chữ của ba gửi mẹ thời kháng chiến, tôi lại nhớ ba và … lệ lại rưng rưng trên mi mắt. Là con út trong nhà có 6 anh chị em, tôi sinh ra đã ốm đau quặt quẹo nên được ba thương nhất.

Trong lá số tử vi của tôi, người ta bảo có quý nhân phù trợ. Vì thế trước mỗi chuyến đi xa tôi đều thắp hương trước bàn thờ ba, tôi tin rằng quý nhân đó chính là ba, người Cha yêu thương tôi nhất nhà. Có lẽ do vậy, chuyến đi nào của tôi và gia đình cũng đều suôn sẻ, đi đến nơi về đến chốn.

 Bức ảnh đã mờ do thời gian, ghi lại cảnh Ba dắt xe đạp lầm lũi một mình lội dưới dòng suối cạn trong rừng, trên xe chở đầy các túi công văn tài liệu, có lẽ thời đó ba làm công tác bưu tá.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.