Những người con bất tử - Kỳ 7:

Lá thư cuối cùng trước lần đi biển

Ông Vũ Quang Dương, bố liệt sĩ Chương nhận danh hiệu Anh hùng LLVT cho con trai tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ngày 19/3/2014. ảnh: TC
Ông Vũ Quang Dương, bố liệt sĩ Chương nhận danh hiệu Anh hùng LLVT cho con trai tại Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ngày 19/3/2014. ảnh: TC
TP - Trước khi đi biển lần cuối cùng, hành trang của liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương chẳng có gì ngoài mấy lá thư viết cho người em gái, bộ quần áo lính đỏ và mấy tấm giấy khen, để rồi khi anh ngã vào lòng biển Mẹ, những di vật ấy trở thành xương cốt để gia đình thờ cúng và là kỷ vật thiêng liêng.

Ước nguyện chưa thành

Câu chuyện lá thư cuối cùng của liệt sĩ Vũ Quang Chương, được các chiến sĩ nhà giàn DK1 kể lại, khi đơn vị bàn giao cho gia đình sau ngày anh mất. Gia tài chỉ có bộ quần áo lính đỏ, mấy tấm giấy khen, và 2 lá thư. Một lá thư anh gửi cho em gái có tên Út Hồng, một lá em gái Út Hồng gửi cho anh. Bức thư gần nhất anh viết cho em gái út mà anh thường gọi là Út Hồng đề ngày 2/11/1997, đúng hơn 1 năm sau, anh vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi. Những dòng thư cuối cùng ấy hiện giờ là kỷ vật thiêng liêng của chị Út Hồng và gia đình liệt sĩ.

Đơn vị, ngày 2/11/1997

Hồng em yêu quý! 

Anh đã trở về đơn vị một cách an toàn và may mắn. Nay anh gửi thư đến thăm em. Trước tiên anh chúc em mạnh khỏe học tập tiến bộ là anh mừng rồi đó. Hồng ạ! Anh rất muốn gần bố mẹ cùng các em, song sự giới hạn của thời gian nghỉ phép chỉ chừng ấy ngày thôi. Anh rất thương bố, mẹ và các em, nên phải cố gắng học tập, đừng phụ lòng mình, đừng phụ lòng bố mẹ để buồn cho gia đình. Không có gì thay đổi từ nay đến tháng 12 anh sẽ đi biển. Khi nào anh về sẽ có quà thưởng cho em gái. 

Út thương quý của anh! 

Ngoài trời vẫn tí tách những giọt mưa, con sóng vô tình cứ vỗ vào đêm ào ạt, anh nhớ em và bố mẹ nhiều lắm. Hôm anh trả phép, vừa về đến đơn vị, thì anh nhận quyết định phải đi công tác ngay sau đó 12 giờ đồng hồ, không kịp chuẩn bị gì cả. 4 giờ ngày 6/9, con tàu cứ thế lầm lũi tiến về phía đại dương mênh mông. Anh theo nó và mang theo cả hơi ấm tình thương của gia đình, làm hành trang thiêng liêng và chính là vũ khí của anh khi cất bước vào đời. 

Bây giờ anh đang công tác trên trạm Phúc Nguyên 2A, anh vẫn khỏe, vẫn nhớ các em và thương cho bố mẹ nhiều. Em cần cố gắng học tập “có ý chí-có chí khí-sẽ có niềm tin”. Anh rất vui mừng trong những ngày hè ngắn ngủi của em và những ngày phép gấp rút của anh, cả gia đình quây quần đầm ấm. Thời gian công tác ở ngoài này không biết đâu mà nói trước được, nhưng chắc rằng tết này anh không về. Lại mùa xuân nữa vắng nhà. Mùa này biển thường hay cáu kỉnh nổi giận bằng những cơn giông. Tiếng sóng tiếng gió ì ầm suốt đêm ngày. Về phép lần này anh sẽ xin cưới vợ, em làm mối cho anh một cô nhé, bạn em càng tốt. Bố mẹ cũng già rồi, cần có cháu bế bồng. Anh dừng bút, anh gửi cho em một triệu đồng để em bồi dưỡng học tập”.

Đó là những dòng thư cuối cùng Đại úy Vũ Quang Chương gửi cho em gái. Trong thư anh nói chuyện lấy vợ, sinh con rồi anh tiếp tục đi biển, cháu gửi ông bà ở nhà trông coi. Song ước nguyện ấy chưa thành thì anh đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu khi tuổi đời vừa chớm 30.

Cả nhà đợi anh về

Qua điện thoại liên lạc, câu chuyện kể về anh trai mình - liệt sĩ Vũ Quang Chương, từ chị Út Hồng cứ đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào xúc động của chị. Từ đầu dây, chị Hồng nói “Trước ngày anh đi biển lần cuối ấy, cả nhà ăn cơm ngoài sân. Anh Chương uống chút rượu với bố em và hứa, chuyến đi biển tới về sẽ lấy vợ. Em bảo, “chưa có ai”, anh nói “nhờ em làm mối một cô, lính nhà giàn chỉ quen sóng gió, thời gian đâu mà tán”. Ai ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng. Nói thật với anh, đến bây giờ, cả gia đình em vẫn đợi anh về, dù biết đó là vô vọng”.

Chị Hồng kể, lần anh Chương về phép tết năm 1998, cả nhà vui lắm. Khi anh thông báo về quê nghỉ phép, bố mẹ bàn tính chuyện vợ con cho anh. Mấy người bạn học của anh ngày cấp ba, ai cũng yên bề gia thất, có người con đã học cấp 2, còn anh cứ mải mê với đời binh nghiệp. Người bạn thân giục “Mày lấy vợ rồi đi biển, lo gì, cứ gửi vợ ông bà già là yên tâm nhất”. Anh Chương gật đầu rồi bảo “Lần phép sau nhất định tao sẽ cưới, tao cũng thương ông bà già quá. Có điều lính nhà giàn ở biển nhiều hơn đất liền, thời gian ngắn ngủi lắm, ai lấy chồng là lính nhà giàn phải dũng cảm và chịu đựng nuôi con một mình”. Lần nghỉ phép ấy, Út Hồng cũng có nhã ý dẫn anh đến một đồng nghiệp của cô, nhưng rồi Chương ngần ngừ “Thôi, em cứ coi hộ anh, lần phép tới này anh sẽ đến xem mặt, cô ấy ưng thì quyết luôn”.

Đùng một cái đơn vị gọi vào đi nhà giàn thay cho đồng đội khác vào đất liền. Ngày nghe tin anh hy sinh, mẹ em nằm liệt giường vì bệnh tim trở lại, còn bố em cứ đi lại thở dài rồi nhìn lên bàn thờ. Ông không muốn trên ấy có thêm một di ảnh nữa. 

Ngày 13/12/1998, Đại úy Chương và 2 đồng đội là Nguyễn Văn An và Lê Đức Hồng hy sinh. Đúng sau một ngày, em gái Út Hồng của anh Chương viết thư gửi anh từ ký túc xá. Lá thư đề ngày 14/12/1998.

Ký túc xá, ngày 14/12/1998

Anh thương kính.

Cơn bão số 8 còn đang cuồng giật, lẩn quất đâu đây. Nghe đài báo bão bờ biển Nha Trang, Vũng Tàu gió giật, biển động mạnh, em lại càng nhớ, thương anh nhiều hơn. Không biết giờ này, nơi ấy, anh đang làm gì? Với những lần giông bão đi qua có làm cho nhà giàn của anh chao đảo? Anh của em lại thêm một lần mệt mỏi lắm chăng anh? Ở ngoài biển chắc lạnh nhiều anh nhỉ? Anh cố gắng giữ gìn sức khỏe và cẩn thận với những con sóng bạc đầu. Mỗi lần nghe đài báo bão em lại lo cho anh nhiều. Cả nhà đợi anh về. Em gái của anh, Út Hồng”. 

Sau hơn 1 tuần, lá thư chuyển đến tiểu đoàn DK1, chưa kịp gửi cho Chương vì chưa có tàu thay trực, thì anh đã hy sinh, để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng đội.

Nỗi đau người ở lại

Sau khi anh Chương hy sinh, đơn vị DK1 chưa được phép báo về gia đình, vì theo nguyên tắc sau thời gian 6 tháng mới chính thức tuyên bố hy sinh và làm lễ truy điệu. Những ngày ấy, lòng ông Dương như lửa đốt. Ông không biết có chuyện gì xảy ra, từ linh cảm ông nghĩ, gia đình ông đang có điều gì đó không lành. 

Lá thư cuối cùng trước lần đi biển ảnh 1 Di ảnh liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương. ảnh: tư liệu

Sau gần một tháng liệt sĩ Chương nằm lại ngàn khơi, một buổi chiều, chị đồng hương về từ Vũng Tàu thông báo anh Chương hy sinh cùng 2 đồng đội của anh nữa. Ông Dương sững sờ “không lẽ đó là sự thật”. Ông vay hàng xóm được 450 ngàn đồng, khăn gói vào Vũng Tàu tìm con. Ông đến Lữ đoàn 171 nghe ngóng tình hình. Biết chính xác con đã hy sinh, ông lặng người đi, lòng đau như cắt. Ông không dám báo tin cho vợ và các con ở nhà. Ông chỉ bảo với con gái Út Hồng “Tết này anh Chương sẽ không về”. 

Vợ ông- bà Tám nghe tiếng ông khóc trong điện thoại, đoán được sự chẳng lành đã lịm đi, còn em trai anh Chương là Vũ Quang Chuyên vốn bị thần kinh do di chứng chất độc da cam đã ngã lăn ra đất chết ngất. Con trai cả hy sinh, con trai thứ bị ngất, chồng đi tìm con, bà Tám chạy đôn chạy đáo vay tiền, đi thuê xe cấp cứu đưa con lên bệnh viện huyện.

Lúc đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khốn khó, gạo hết, tiền không, một con hy sinh chưa biết xác chỗ nào, một con nằm viện, bà Tám như đứt từng khúc ruột mà không làm gì được. Những ngày sau đó, bà Tám sống trong khắc khoải mong chờ tin tìm thấy xác anh Chương. Suốt ngày bà như cái bóng lầm lũi một mình và thầm gọi “Chương ơi”.

Thiếu tá Trần Văn Dũng, nguyên là Chính trị viên Khung quản lý Nhà giàn DK1 từ năm 1992-1999 không giấu được nước mắt khi kể về sự hy sinh quên mình của liệt sĩ đại úy Vũ Quang Chương. Ông Dũng bảo “Trong 9 liệt sĩ hy sinh ở vùng biển DK1, sự hy sinh của Vũ Quang Chương là một mất mát lớn cho cán bộ chiến sĩ chúng tôi. Thời ấy, đi nhà giàn DK1 khó khăn gian khổ lắm chứ không như bây giờ. Mọi thông tin từ đất liền 2 tháng mới biết một lần. Đau thương nhất là khi đồng chí Chương ra đi, chưa có vợ con gì. Chương là niềm hi vọng của cả gia đình. Ông Vũ Quang Dương khi gặp chúng tôi nói trong đau khổ là gia đình cần có người nối dõi tông đường, vậy mà hi vọng nhỏ nhoi ấy không bao giờ được nữa”. 

Cho đến bây giờ sau 16 năm kể từ ngày liệt sĩ Vũ Quang Chương hy sinh, ông Vũ Quang Dương vẫn tin là con mình còn sống, tối nào ông cũng thắp hương mong con trở về. Nỗi đau đứt ruột và hy vọng của người cha chưa bao giờ nguôi ngoai...

(Còn nữa)

________

Ngày anh xung phong ra thềm lục địa làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là kỷ niệm vui tươi lãng mạn của cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường. Để rồi, ngày anh nằm lại ngàn khơi, hành trang anh mang theo xuống biển là tình yêu Tổ quốc và những lá thư kết bạn màu tím trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền. Liệt sĩ chuẩn úy Lê Đức Hồng, tên anh đã hòa vào sóng vào gió biển khơi. Đón đọc kỳ cuối: Sóng biển cuốn trôi những lá thư tình trên số báo ngày mai.

Sau đúng 15 năm, ngày 13/12/2013, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 2364/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân, vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG