Những hệ thống phòng thủ tên lửa đình đám của Israel

Hệ thống Vòm Sắt của Israel trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Military-today.com.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Military-today.com.
Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) và Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tổ chức cuộc tập trận chung mang tên Juniper Cobra. Đáng chú ý, cuộc tập trận này được coi là bước thử nghiệm cuối cùng trước khi Israel bắt đầu triển khai một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất thế giới.

“Người anh em mới” của Vòm Sắt

Sau nhiều cuộc thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Israel mới đây cho biết lực lượng không quân nước này đã bắt đầu tiếp nhận và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling tại các căn cứ không quân. Được phát triển bởi Công ty Rafael của Israel và Tập đoàn Raytheon của Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling có khả năng đánh chặn các loại tên lửa ở cự ly từ 70km tới 300km và được xem như một “người anh em mới” của hệ thống phòng thủ danh tiếng Iron Dome (Vòm Sắt).

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Israel, David's Sling sẽ "giúp Israel
có thêm phương pháp phòng vệ hiệu quả trước các mối đe dọa hiện nay và tương lai nhằm vào dân thường". Truyền thông Israel cho biết thêm, hệ thống phòng thủ tên lửa “mới toanh” này sẽ giúp Tel Aviv tăng cường khả năng đối phó với nguy cơ tấn công bằng tên lửa, rốc-két của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Li-băng, hoặc đánh chặn tên lửa đạn đạo Shahab của I-ran…

Cũng vì thế nên David’s Sling được ca ngợi là “sự đổi mới mang tính cách mạng nhất thế giới trong lịch sử hệ thống đánh chặn”.

Trước đó, đầu tháng 12/2015, Israel cũng đã thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo "Arrow 3" do nước này và Mỹ hợp tác phát triển. Theo Bộ Quốc phòng Israel, Arrow 3 đã lần đầu tiên thành công trong việc đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo và đây là một bước tiến lớn trong việc phát triển hệ thống này. Ngoài ra, như đã nói ở trên, hiện Israel đã có trong tay hệ thống Iron Dome, chuyên đánh chặn các tên lửa và rốc-két tầm ngắn cũng như tầm trung.

Theo AP, với các hệ thống Iron Dome, Arrow 3 và David's Sling, Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel (IMDO) đang hoàn thiện “bộ ba phòng thủ”, tạo thành lưới lửa phòng thủ nhiều lớp để đối phó với các mối đe dọa bằng tên lửa nhằm vào lãnh thổ nước này.

Hệ thống đánh chặn tên lửa phức tạp nhất thế giới?

Bên cạnh đó, Israel hiện cũng đã sẵn sàng cho ra mắt một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là phức tạp nhất thế giới. Tờ The Washington Post cho rằng, sau khi hoàn thành, hệ thống phòng không tên lửa và rốc-két trị giá nhiều tỷ USD này sẽ trở thành thứ vũ khí “đáng gờm” trong khu vực Trung Đông.

Như nhận định của ông Uzi Rubin, cựu Giám đốc Chương trình phòng thủ tên lửa của Israel, hệ thống phòng thủ mới này vô cùng tối tân, phức tạp, và ngay cả Mỹ cũng không có hệ thống nào như vậy.

Được biết, hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên do các tập đoàn danh tiếng của Mỹ như: Raytheon, Boeing và Lockheed Martin và phía
Israel tham gia hợp tác nghiên cứu và sản xuất. Hệ thống này có thể tiêu diệt các loại tên lửa đang được phóng đến bằng cách tính toán quỹ đạo bay của chúng. Cụ thể, tên lửa của đối phương sẽ không bị đánh chặn nếu hướng tới các mục tiêu là cánh đồng hay trang trại, nhưng chúng sẽ bị tiêu diệt nếu đe dọa các khu vực đông dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng trong lãnh thổ Israel, chẳng hạn như những căn cứ quân sự, nhà máy lọc dầu và các cơ sở hạt nhân...

Cũng theo The Washington Post, hệ thống phòng thủ tên lửa phân tầng này cho phép Israel đáp trả các cuộc công kích liên tiếp từ nhiều mặt trận, ví dụ như đối phó với những quả rốc-két tự chế của phong trào Hồi giáo Hamas từ Dải Ga-da, các tên lửa tầm trung từ Li-băng, hay tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn thường hoặc hóa học. Bổ sung cho hệ thống phòng thủ này sẽ là hệ thống ra-đa mới mang tên X-Band, với khả năng phát hiện những tên lửa từ khoảng cách 500-600 dặm.

Trong suốt 10 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ một khoản tiền lớn cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. Mặc dù, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Obama những bất đồng xung quanh vấn đề hạt nhân của I-ran, nhưng trong một thập kỷ qua, chi phí quốc phòng Mỹ dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel vẫn tăng vọt, từ 133 triệu USD năm 2006 lên 619 triệu USD năm 2015.

Hiện nay, đôi bên đang trong quá trình hoàn tất bản ghi nhớ có hiệu lực trong 10 năm về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thủ Tel Aviv. Kể từ tháng 11-2015, giới chức hai nước đã bắt đầu thương lượng về một gói viện trợ mới có thời hạn tới cuối năm 2028.

Mặc dù, các quan chức quân đội của Israel nói rằng không có một hệ thống phòng thủ nào được coi là hoàn hảo, hay thậm chí có thể đạt tới mức “gần như hoàn hảo”, song những hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên sẽ giúp gia tăng đáng kể sức mạnh phòng không của Israel. Đó cũng được coi là sự bổ sung kịp thời và cần thiết cho các lực lượng phòng vệ Israel, nhất là trong bối cảnh nước này đang đứng trước nhiều mối lo ngại như cuộc xung đột ở Dải Ga-da, tình hình bất ổn ở khu vực biên giới giữa Israel với Ai Cập và Li-băng, hay các vụ tấn công bằng rốc-két của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân
MỚI - NÓNG