Những gương mặt trẻ Trung Quốc trỗi dậy trong phong trào ‘bút chiến’ với phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
Tranh minh hoạ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc
Tranh minh hoạ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc
TPO - Ngoài công việc của một nhà hoá học, Zhang Zhiyue dành thời gian viết blog về báo chí trong những chủ đề nóng như Tân Cương, quan hệ Mỹ - Trung và những chủ đề xu hướng, gần đây nhất là Afghanistan.

Đang có 230.000 người theo dõi trên Zhihu, Zhang theo dõi các trang tin tức quốc tế như BBC và thường viết về những vấn đề mà cô cho là có thiên kiến với Trung Quốc.

Cô lý giải các sự kiện toàn cầu từ góc độ lợi ích của Trung Quốc, những được và mất trong mỗi “vòng đấu” giữa Bắc Kinh với nước khác.

Trong những bài viết gần đây, Zhang chỉ trích Washington về cái cô gọi là những hành động vô trách nhiệm ở Afghanistan, nhưng cũng khẳng định rằng việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia này không phải chiến thắng cho Trung Quốc.

Cô nói rằng đạo diễn đoạt giải của Afghanistan Sahraa Karimi, người đã tự quay hình ảnh mình chạy trên đường phố Kabul để hô hoán mọi người về việc Taliban tiến vào thủ đô thực ra là “đại diện của Mỹ” và đang thực hiện màn “nghệ thuật trình diễn”, dù Zhang nói rằng việc Taliban kiểm soát toàn bộ Afghanistan sẽ khiến chủ nghĩa cực đoan toàn cầu trỗi dậy.

“Tôi lựa chọn trở thành một người dân tộc chủ nghĩa và tôi nghĩ đó là con đường đúng đắn cho đất nước và cá nhân tôi”, Zhang, 28 tuổi, nhà hoá học công tác tại một viện nghiên cứu ở TP Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, nói.

Với động lực là thông điệp của chính phủ về sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của đất nước và áp lực từ sự chỉ trích mà Trung Quốc đối mặt, những người như Zhang đang quyết liệt bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh.

Thế hệ của những người dân tộc chủ nghĩa như Zhang không còn dùng cách xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ với các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài, họ chọn cách chiến đấu trên internet.

Bôi xấu công khai và kêu gọi tẩy chay là cách được dùng với những nghệ sĩ, công ty và một quản lý của NBA vì họ vô tình hoặc chủ ý nhắc đến Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan (Trung Quốc) theo cách không đúng với ý của Trung Quốc.

Xu hướng này trở nên mạnh hơn khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, trong đó các lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh chuyện các cường quốc phương Tây trước đây đã làm nhục Trung Quốc như thế nào.

Tháng 3 năm nay, Trung Quốc kêu gọi tẩy chay Nike và các thương hiệu thời trang khác khi những hãng này ra tuyên bố không sử dụng bông từ Tân Cương, một vấn đề mà Mỹ đang nhấn vào để chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền.

Tháng 7 vừa qua, hàng chục người cãi vã với các nhà báo phương Tây ở Trịnh Châu vì cho rằng họ đã đưa tin thiên lệch về trận lũ lụt ở thành phố này. Người dân địa phương đã chặn đường một phóng viên quay phim của Đức vì cho rằng phóng viên BBC đã đưa ra cáo buộc không công bằng về tình trạng thiếu minh bạch của chính phủ Trung Quốc và hoạt động cứu trợ chậm khiến nhiều người thiệt mạng.

Các chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc là kết quả từ những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm củng cố tính chính danh của mình, cũng như sự thay đổi về kỳ vọng vào vị trí quốc tế của Trung Quốc khi sức mạnh của nước này tăng lên.

“Các lãnh đạo Trung Quốc làm điều này vì họ coi chủ nghĩa dân tộc là chìa khoá để củng cố sự ủng hộ trong nước đối với Đảng. Hơn nữa, sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng làm tăng kỳ vọng của dư luận nước này về sự tôn trọng họ muốn nhận được từ các chính phủ, công ty và cá nhân nước ngoài”, Kacie Miura, giảng viên về chính trị Trung Quốc tại ĐH San Diego, nói với SCMP.

Khác với những thế hệ trước, những người sinh ra trong 2 thập kỷ qua không chứng kiến khoảng cách quá lớn giữa Trung Quốc và phương Tây trước đây, cũng như giai đoạn tăng trưởng nhiều đau đớn của Trung Quốc trước những năm 1990, Zhao Suisheng, nhà khoa học chính trị tại ĐH Denver, đánh giá.

“Tất cả những gì họ thấy là những đường tàu cao tốc, phố xá và tốc độ đô thị hoá mà họ tin rằng những nước khác không làm được như vậy. Tự nhiên họ sẽ cảm thấy tự hào, dù vẫn có vấn đề bóp méo thông tin”, Zhao nói.

Theo một cuộc khảo sát năm 2018 do ĐH Purdue thực hiện, 42% sinh viên Trung Quốc ở Mỹ nói rằng kỳ vọng của họ đối với Mỹ lao dốc sau khi đến đó. 46% nói rằng quan điểm của họ đối với Trung Quốc trở nên tích cực hơn sau khi từ Mỹ về nước.

Albert Yang, một kỹ sư làm việc tại Thường Châu, miền đông Trung Quốc, cũng là một blogger có tiếng trên Zhihu, với hơn 150.000 người theo dõi.

Trước khi Olympic Tokyo năm nay diễn ra, Yang đăng một bài chúc các vận động viên Trung Quốc thi đấu thành công để quốc thiều của nước này được vang lên nhiều lần và “làm phiền những con quỷ già trong đền Yasukuni ở Tokyo”.

Giữa làn sóng dân tộc chủ nghĩa vẫn có một số tiếng nói phản đối, trong đó có Yuan Nansheng, phó chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

“Nếu chúng ta để chủ nghĩa dân tuý và dân tộc chủ nghĩa cực đoan phát triển tự do, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu là Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu Trung Quốc là trên hết”, Yuan so sánh với khẩu hiệu “Mỹ là trên hết” của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bài viết này đăng trên trang WeChat của Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược thuộc ĐH Bắc Kinh và đã gây sốt trong nhiều ngày trước khi bị kiểm duyệt.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG