Cựu thủ tướng Úc khuyên Trung Quốc bỏ kiểu ngoại giao ‘chiến binh sói’

Ông Malcom Turnbull trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016. (Ảnh: Reuters)
Ông Malcom Turnbull trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trung Quốc nên từ bỏ kiểu ngoại giao “chiến binh sói” để có thêm bạn bè và gia tăng ảnh hưởng, đồng thời khiến minh trở nên khác nước Mỹ dưới thời ông Trump, cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vừa lên tiếng. 

Trong bài trả lời phỏng vấn với một ấn phẩm của báo SCMP, ông Turnbull, người lãnh đạo nước Úc từ năm 2015-2018, nói rằng chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc đang phản tác dụng, và ngôn ngữ ôn hòa cùng với sự nhất quán sẽ hiệu quả hơn giữa những bất định và lo lắng do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra. 

“Nếu mục tiêu của bạn là có thêm bạn bè, gây dựng ảnh hưởng toàn cầu và làm điều đó khắp thế giới, thì càng bớt khó chịu, càng bớt đe dọa, càng bớt dùng sức nặng của mình thì càng tốt”, ông Turnbull nói. “Và tất nhiên nếu ông Trump làm tất cả những điều này thì bạn phải làm ít đi – bạn ở đây là Trung Quốc – bạn cần tạo nên sự tương phản”, ông Turnbull giải thích. 

Ông Turnbull, người đang quảng bá cho cuốn hồi ký chính trị A Bigger Picture của mình, đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc liên quan đến lời kêu gọi của Canberra về việc cần tiến hành một cuộc điều tra quốc tế đối với đại dịch COVID-19.

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cuối tuần qua ban hành cảnh báo đi lại tới Úc vì tình trạng “gia tăng đáng kể” các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc và người châu Á. Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Simon Birmingham đáp lại rằng khuyến cáo này “không có cơ sở thực tế nào”. Nhiều nghị sĩ Úc phản đối Bắc Kinh phát tán thông tin tuyên truyền gây chia rẽ. 

Ngày 8/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng “nhiều người Trung Quốc ở Úc” “bị gây tổn thương...và những bức họa tường hoặc lời nói có ý xúc phạm chủng tộc đối với người Trung Quốc” xuất hiện ở nhiều thành phố của Úc. Hồi tháng 4, Ủy ban nhân quyền Úc nói rằng những phàn nàn về tình trạng kỳ thị chủng tộc gia tăng hồi tháng 2 vì liên quan đến đại dịch COVID-19, nhưng sau đó đã trở về mức bình thường như trước đây. 

Trước khi đưa ra khuyến cáo du lịch, Bắc Kinh áp mức thuế 80% lên mặt hàng lúa mạch và dừng nhập khẩu thịt bò Úc. Những bước đi đó được coi là sự đáp trả về kinh tế sau khi Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Úc nếu Canberra tiếp tục thúc giục điều tra. 

Bắc Kinh khăng khăng nói rằng những bước đi đó không liên quan đến cuộc điều tra được đề xuất, mà chỉ là biện pháp đối với những hành vi vi phạm thương mại. Hơn 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Úc được bán sang Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2019, mang về hơn 153 tỷ đô la Úc. 

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đương nhiệm Úc Scott Morrison tuần trước tiết lộ kế hoạch sẽ thắt chặt quy định đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong bối cảnh gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của nước khác. Nhưng ông vẫn khẳng định những thay đổi này không nên gây căng thẳng hơn nữa với Trung Quốc. 

Cựu thủ tướng Turnbull cho rằng việc đại sứ Trung Quốc ở Úc lên báo chí để đe dọa các biện pháp đáp trả về thương mại là không làm phù hợp, chỉ gây phản tác dụng. 

Khi ông Turnbull lãnh đạo, chính phủ Úc đã soạn thảo luật về minh bạch trong đầu tư và chống ảnh hưởng từ nước ngoài, khiến Bắc Kinh phản đối. Ông Turnbull nói rằng Úc không nên phản ứng thái quá với các hành động thương mại hung hăng của Trung Quốc và “cố tránh trả lời những câu hỏi khó” khi ứng xử với đối tác thương mại lớn nhất. 

“Sự thật là cả Trung Quốc và Úc đều hưởng lợi từ quan hệ thương mại. Đó không phải chuyện Trung Quốc ban phát một món quà quý giá cho Úc. Quan hệ thương mại của chúng ta là cuộc chơi cùng thắng”, ông Turnbull nói. 

Cựu thủ tướng Úc cho rằng Canberra không nên dấn sâu vào “những phân tích Chiến tranh Lạnh” để nhìn thế giới hoàn toàn qua lăng kính của một cuộc cạnh tranh một mất một còn giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng quan hệ với các nước khác trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia.  

Tuần trước, Canberra và New Delhi ký 2 thỏa thuận về quốc phòng, cho phép triển khai các cuộc diễn tập quân sự phức tạp hơn và hỗ trợ hậu cần cho nhau, trong bối cảnh hai nước chia sẻ quan ngại chung về tham vọng trên biển của Bắc Kinh. 

“Chúng ta hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc, chúng ta hoan nghênh tăng trưởng kinh tế của họ, chúng ta cảm thấy đã có đóng góp vào đó, nhưng Trung Quốc không phải nước duy nhất ở bán cầu hay khu vực của chúng ta”, ông Turnbull nói. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG