Những gương mặt tiêu biểu trong sáng tạo, cống hiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với những nỗ lực hết mình trong thực hiện nhiệm vụ, có nhiều ý tưởng sáng tạo đóng góp cho đơn vị, Thượng úy Nguyễn Viết Anh Tuấn (SN 1997) và Kiện tướng Đoàn Văn Giáp (SN 1990) đã trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2022.

Lan tỏa tình yêu sách

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, Nguyễn Viết Anh Tuấn được phân công về Trường Quân sự Quân khu 9. Anh hiện là Chính trị viên Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 2, Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 2. Trong vai trò thủ lĩnh Đoàn, anh Tuấn đã cùng Ban chấp hành Đoàn cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, mô hình như “Tủ sách quân nhân”, “Người con hiếu thảo, nghĩa tình đồng đội”, “Sức sống xanh”, “Đoàn viên với nếp sống văn hóa”…

Những gương mặt tiêu biểu trong sáng tạo, cống hiến ảnh 1

Thượng úy Nguyễn Viết Anh Tuấn (đứng giữa) bên “Tủ sách quân nhân” ở đơn vị

“Xuất phát từ thực tế, việc quan tâm chăm lo văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa được thực hiện đúng mức, dẫn đến hiệu quả của phong trào đọc sách không cao và chưa bảo đảm chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội. Do đó, tôi đã đề xuất mô hình “Tủ sách quân nhân” mang chủ đề “Tủ sách di động, quyển sách tôi yêu” ở đơn vị. Nguồn sách bao gồm từ tủ sách của tiểu đoàn và hàng trăm đầu sách về chính trị - xã hội, quân sự, lịch sử, văn hóa, kinh tế, giáo dục, văn học nghệ thuật của thư viện nhà trường”, Thượng úy Tuấn chia sẻ.

Những gương mặt tiêu biểu trong sáng tạo, cống hiến ảnh 2

Công nhân Đoàn Văn Giáp tham gia Hội thi Thợ giỏi khai thác mủ cao su Binh đoàn 15 năm 2022

Mỗi tuần, tủ sách được chuyển đến một đại đội và luân phiên giữa các đại đội trong toàn tiểu đoàn. Vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ Đoàn của đơn vị có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu sách cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mình thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, định kỳ cập nhật sách mới mỗi tháng một lần. “Tôi rất vui là mô hình này đã giúp anh em trong đơn vị say mê, hứng thú tiếp nhận thông tin, tri thức bổ ích từ việc đọc sách”, Thượng úy Tuấn nói.

Không chỉ năng nổ trong công tác Đoàn, Thượng úy Tuấn còn đam mê nghiên cứu khoa học. Với sáng kiến “Hệ thống quản lý đạn dược” (đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu) đã đạt loại xuất sắc năm 2022. Đề tài “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh ở Trường Quân sự Quân khu 9” năm 2023 đang được đề nghị Cục Nhà trường đánh giá, nghiệm thu.

“Trước sự tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động quân sự, đảm bảo quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước ta vô cùng quan tâm, đặc biệt là trong việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Là một sĩ quan trẻ, tôi thấy mình cần phải cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho Quân đội và đất nước bằng những đề tài, sáng kiến khoa học mới”, Thượng úy Tuấn nói thêm.

Quá trình công tác, Thượng úy Nguyễn Viết Anh Tuấn là Chiến sĩ thi đua cơ sở 6 năm liền (2017-2022) và là Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2020. Anh đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, T.Ư Đoàn, Quân khu 9, Trường Quân sự Quân khu… nhiều lần biểu dương, khen thưởng.

“Bàn tay vàng” thu hoạch mủ cao su

Học hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2009, Đoàn Văn Giáp rời miền quê Tuyên Hóa (Quảng Bình) tới vùng đất Tây Nguyên xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH MTV 78 thuộc Binh đoàn 15. “Những ngày đầu tôi tới Kon Tum làm công nhân khai thác mủ cao su, có những khó nhọc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Công việc của ngành cao su thì ngày nắng cũng như ngày mưa, đều phải thức khuya dậy sớm. Cái khó nhất là kỹ thuật cạo mủ, nhìn thì có vẻ rất đơn giản, nhưng người thợ kỹ thuật khai thác mủ luôn phải chính xác tới từng milimet. Nếu đường cạo quá cạn (cạo cạn) thì không cắt hết ống dẫn mủ, năng suất thấp. Nếu cạo quá sâu (cạo phạm) thì sẽ cắt hết phần vỏ cây dẫn tới cây bị khô miệng cạo”, anh Giáp nhớ lại.

Cần mẫn và chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp, anh Giáp sớm trở thành một công nhân lành nghề. Anh xin nhận khoán 5,3 ha cao su để chăm sóc và khai thác. Coi vườn cây được giao như tài sản của chính mình, anh chăm chút 5,3 ha cao su sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Hàng năm anh khai thác được 22,7 tấn mủ nước tiêu chuẩn, vượt mức kế hoạch 10-15% và cho thu nhập bình quân trên 11 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, nhờ sự khổ luyện sau nhiều năm làm thợ khai thác mủ cao su, Đoàn Văn Giáp đã nhiều lần đoạt giải “Bàn tay vàng” tại các hội thi do Công ty 78 và Binh đoàn 15 tổ chức. Được Binh đoàn lựa chọn vào đội tuyển tham gia Hội thi “Bàn tay vàng” thu hoạch mủ cấp ngành cao su Việt Nam - nơi quy tụ những người thợ tiêu biểu nhất, anh Giáp đã xuất sắc giành danh hiệu Kiện tướng trong 3 năm 2018, 2020 và 2022.

“Trước mỗi hội thi, tôi luôn tập trung vào tập luyện, xem mỗi ngày cạo, giờ cạo, đường cạo là một ngày luyện thi, một lần tham dự hội thi. Tôi luôn xác định phải có lòng đam mê, kiên định với nhiệm vụ và công việc mà mình đã lựa chọn”, anh Giáp chia sẻ thêm.

7 năm liên tục (2016-2022), anh Đoàn Văn Giáp (công nhân Công ty TNHH MTV 78, Binh đoàn 15) là Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2022 là Chiến sỹ thi đua toàn quân. Anh đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tư lệnh Binh đoàn 15 và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tặng 15 Bằng khen. Anh là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong Công đoàn Quân đội lần thứ V, giai đoạn 2017-2022; hai lần được trao danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Binh đoàn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.