Từ khi các cây bút là người dân tộc thiểu số nhập cuộc sáng tác bằng tiếng Việt, các thế hệ thơ liên tục xuất hiện, ở nhiều dân tộc và vùng miền khác nhau. Họ nói lên tiếng nói dân tộc và tâm cảm dân tộc mình, thể hiện bản sắc dân tộc và bản sắc vùng miền, ở đó không ít tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ: thơ tiếng Tày, Thái, Khmer, Cham… Tất cả làm giàu sang nền thơ Việt Nam đa dân tộc, với những cái khác lạ, độc đáo.
Nhà thơ nữ người dân tộc Mường Bùi Tuyết Mai qua tham luận thứ nhất đưa ra cái nhìn tổng quan những thành tựu thơ của người dân tộc thiểu số, từ thế hệ chống Pháp, thế hệ chống Mỹ đến thế hệ nhà thơ mới thành danh sau khi đất nước thống nhất, từ các nhà thơ lão thành khu vực phía Bắc cho đến nhà thơ trẻ xuất hiện ở miền Nam vào đầu thế kỉ XXI.
Đó là điểm chung. Từ điểm chung đó nảy sinh khác biệt mang tính dân tộc và vùng miền riêng.
Ở tham luận thứ hai, nhà thơ người Chăm Inrasara đi vào phân tích những khác biệt mang tính vùng miền. Nói như nhà thơ Mai Liễu, dân tộc Tày, người chủ trì bàn Bàn tròn: chính sự khác biệt này làm cho vườn hoa thơ ca dân tộc thiểu số đa thanh đa sắc.
Các nhà thơ dân tộc thiểu số bước vào thế giới văn chương Việt Nam luôn khẳng định cái tôi qua bản sắc dân tộc. Và lạ, các bài thơ nổi tiếng nhất của họ lại là những bài thơ khẳng định bản sắc đó: Dương Thuấn với đất và người Bản Hon, Pờ Sảo Mìn là con trai người tộc Padí qua “Cây hai ngàn lá”, Vương Anh là “Hoa trong Mường”. Ngược lại, ở miền Trung, Trần Wũ Khang chưa một lần gọi tên làng quê, tên con sông quê hương hay bất kì cái gì khác mang đặc sản Chăm để làm hành trang lên đường. Nếu có đưa xuất xứ bản thân, anh còn đùa nghịch nó không chút mặc cảm hay bất kì vướng bận nào khác: “Thằng con hai dòng máu” (Chăm Việt). Bước vào thế giới chữ nghĩa, anh đã là công dân toàn cầu. Đó là thứ thơ phố thị với cảm thức người phố thị đúng nghĩa.
Trong lúc Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) sử dụng thuần thục lối nói dân dã, thì Kiều Maily đã khác hẳn. Nhà thơ Chăm đậm chất nữ quyền này rời bỏ cách nói dân gian mà đi thẳng vào hiện đại. “Nhảy” nói lên đầy đủ phẩm chất ấy.
Giữa anh và em là vực thẳm
mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy
giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm
đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy
giữa thân thể chúng ta là vực thẳm
ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy
anh có muốn cùng em nhảy không?
Ở thế hệ trẻ hơn, Hoàng Chiến Thắng dân tộc Tày phía Bắc dù có lối suy nghĩ mới, nhưng nhịp điệu thơ anh vẫn giữ lại truyền thống trước đó.
Đứa trẻ bưng tuổi thơ/ chạy ngược/ Tiếng rao vỡ vào phố đêm/ … Người đàn bà cõng mưa/ Che con/ Tiếng đàn rong va vào ngõ phố (“Phố đêm”).
Trong khi đó Tuệ Nguyên ở TPHCM thì khác hẳn:
Tôi đang sống cùng thời đại với họ, nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay
(“Những đoạn trích”, Những giấc mơ đa chiều)
Và, trong khi tuyệt đại đa số nhà thơ dân tộc thiểu số vận dụng mọi thể thơ để sáng tác, từ lục bát đến ngũ ngôn, từ tám chữ đến thơ tự do, thậm chí có người còn vận dụng cả các thủ pháp hậu hiện đại, thì nhà thơ Thạch Đờ - ni ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn sáng tác thơ bằng thể thơ “lục bát” Khmer. Đó là cái hay riêng của nhà thơ người Khmer này.
Khác biệt từ thủ pháp so sánh cho đến khác biệt về tâm thế sáng tạo, nhất là khác biệt về ngôn ngữ thơ cũng được phân tích và minh dẫn.
Sự khác biệt này nói lên điều gì? Hay cụ thể hơn, Bàn tròn Văn chương đi sâu vào phân tích sự khác biệt này để làm gì? Nhà văn Cao Duy Sơn kết luận Bàn tròn: rằng thơ dân tộc thiểu số không phải chỉ mang giọng chung chung, là đậm đà bản sắc, nó còn là tổng hòa nhiều giọng điệu khác nhau thể hiện qua nhiều thủ pháp và phương thức nghệ thuật khác nhau của nhiều nhà thơ thuộc vùng miền khác nhau. Chúng ta đã có thành tựu, trước mắt sự đổi mới vẫn là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người viết, vấn đề là đổi mới thế nào, để chúng ta có thể hội nhập thời đại mà không đánh mất bản sắc vẫn dân tộc.