Những điều thú vị ít biết về sao võ thuật Lý Liên Kiệt

Ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt
Ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt
TPO - Là một trong những ngôi sao võ thuật chói sáng nhất trên bầu trời điện ảnh Hoa Ngữ, cuộc đời Lý Liên Kiệt cũng nhiều điều thú vị mà ít ai biết đến.

Sở hữu bộ sưu tập báu vật Phật giáo

Lý Liên Kiệt sùng bá đạo Phật và có sở thích sưu tầm những bảo vật Phật giáo độc nhất vô nhị. Trong đó, có những bảo vật nghìn năm từ Phật giáo Mật tông Tây Tạng như Thiên thiết đà giáp cực hiếm hay vòng ngọc Thiên châu răng hổ và nhiều tượng quý giá khác. 

Những điều thú vị ít biết về sao võ thuật Lý Liên Kiệt ảnh 1

Chiếc vòng Kapala nghìn năm tuổi vô cùng quý giá

Đặc biệt nhất phải kể đến vòng Kapala nghìn năm tuổi cực hiếm mà người thường khó lòng có được. Theo đó, một chiếc vòng Kapala được kết từ những pháp khí quý giá và xương sọ, xương chân và các khớp xương ngón tay của một vị Lạt Ma tu hành đắc đạo sau khi viên tịch. 

Theo nam tài tử 52 tuổi, những bảo vật này mang trên người tượng trưng cho người tu hành, do đó, anh thường xuyên mang chúng bên người.

Từng lấy vợ để đổi vận

Tâm sự về việc kết hôn với người vợ đầu Hoàng Thu Yến – cô bạn học hơn mình 2 tuổi, anh nói, thời điểm ấy, anh đang gặp rắc rối trong sự nghiệp và cảm thấy vô cùng bế tắc: "Lúc đó, mẹ đỡ đầu đã khuyên tôi nên chọn cô ấy làm vợ. Bà khẳng định rằng Thu Yến sẽ là người giúp tôi thay đổi vận số, thậm chí mang đến cho tôi cơ hội trở thành ngôi sao. Sau đó thì tôi đã quyết định lấy vợ".

Những điều thú vị ít biết về sao võ thuật Lý Liên Kiệt ảnh 2

Lý Liên Kiệt và người vợ đầu

Quả thực sau khi kết hôn, sự nghiệp của Lý Liên Kiệt thăng tiến "như diều gặp gió", tuy nhiên cuộc hôn nhân của anh với Hoàng Thu Yến sớm tan vỡ chỉ sau 2 năm kể từ ngày cưới, với nguyên nhân bắt đầu từ sự hững hờ của chàng diễn viên nổi tiếng. Một số nguồn tin khẳng định, dù Hoàng Thu Yến yêu chồng sâu sắc, nhưng đổi lại, cô chỉ nhận được sự dửng dưng của anh, dù cặp đôi có với nhau hai đứa con.

Bị bắt học wushu để tránh... lêu lổng

Lý Liên Kiệt bắt đầu học wushu vào mùa hè năm 1971. Trong một tháng nghỉ hè, nhà trường cậu đang theo học, vì không muốn học sinh của mình lêu lổng nên đã quyết định gửi tất cả học sinh vào Trường Thể dục thể thao Bắc Kinh.

Các học sinh mỗi khối lớp được chỉ định phải học các môn như bóng đá, bơi lội. Khối lớp 1 của Lý Liên Kiệt phải học môn thể dục dụng cụ mặc dù chẳng ai biết nó là cái gì. Nhưng thầy giáo lại bắt học cậu học wushu nên cậu buộc phải chấp hành.

Khi năm học mới bắt đầu vào mùa thu, hầu hết 1.000 học sinh học wushu đều bị loại và về trường cũ học văn hóa như bình thường. Chỉ có 20 học sinh, trong đó có Lý được mời đến luyện võ hàng chiều sau giờ đi học. Điều đáng tự hào hơn là chỉ có duy nhất Lý Liên Kiệt đang học lớp 1.

Sau những giây phút tự hào, cậu nhận thấy rằng tất cả các bạn học của mình đều được về nhà và chơi đùa sau khi tan học còn mình thì phải vội vàng đến một ngôi trường khác để khổ luyện trong vòng 2 giờ. Đã có lúc, cậu bắt đầu cảm thấy nản chí về con đường mà mình đã lựa chọn.

Đổ máu trên sân khấu biểu diễn

Năm 1975, một giải trình diễn wushu quan trọng được tổ chức tại Côn Minh (Vân Nam) với sự tham gia của 8 thành phố lớn nhất Trung Quốc. Lý Liên Kiệt khi đó mới 12 tuổi, trong khi các đối thủ của anh thường đều ở tuổi 20 hoặc 30, to cao hơn anh một cái đầu.

Khi anh bước lên thảm thi đấu vòng loại nội dung kiếm thuật, ngay từ những bước đầu tiên, anh vô tình để lưỡi kiếm vập một đường khá sâu vào mé đầu.

Đầu anh nóng dần lên và ướt sũng, anh bắt đầu cảm thấy các bước di chuyển nặng nề hơn. Anh càng đá và nhảy thì “mồ hôi” dường như lại túa ra nhiều hơn. Những giọt máu cứ thế tuôn chảy vào mắt anh, rồi bắn tung tóe khắp nơi. “Lạ thật”, khi đó anh nghĩ vậy.

Ngay từ lúc còn khá nhỏ, anh đã được tôi rèn không thể để sự đau đớn thể chất làm ảnh hưởng đến bài biểu diễn. Kể cả có gãy xương thì vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cho nên, có chút máu chảy như vậy cũng chẳng nhằm nhò gì. Anh vẫn điềm nhiên biểu diễn bài võ của mình.

Khi anh hoàn thành bài biểu diễn, chào khán giả và chạy ra khu vực kĩ thuật, anh thấy khoảng 3 hay 4 đồng đội nữ của anh đứng đó đang khóc nức nở.

Ai đó vội chùm chiếc khăn tắm lên đầu anh. Khi nhìn xuống, anh thấy một nửa bộ võ phục của mình thấm đẫm máu. Đến lúc cởi áo ra, từ vai đến tận gót chân anh đều đỏ nhòe nhoẹt.

Nhìn thấy máu me như vậy, anh mới kêu lên đầy ngạc nhiên rồi gần như ngất lịm. Họ phải đưa anh ngay vào bệnh viện để khâu vết thương lại.

Từ chối lời mời làm vệ sỹ của Tổng thống Mỹ

Năm 1974, Lý Liên Kiệt được chọn tham gia một khóa tập luyện đặc biệt khác của chính phủ Trung Quốc nhằm tìm kiếm các vận động viên wushu trẻ triển vọng nhất. Quá trình tuyển chọn kéo dài mấy tháng, 13 học viên được vào vòng chung kết, trong đó có Lý Liên Kiệt. Một bất ngờ đến với các võ sĩ Trung Quốc. Đoàn wushu nước này được mời đến Mỹ để biểu diễn võ thuật cổ truyền.

Những điều thú vị ít biết về sao võ thuật Lý Liên Kiệt ảnh 3

Tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt tay Lý Liên Kiệt ở Nhà Trắng năm 1974

Vào cuối chuyến lưu diễn, một số học sinh xuất sắc được mời đến Nhà Trắng để trổ tài. Lý Liên Kiệt giờ vẫn còn nhớ, một bạn học của anh được chụp ảnh đứng cạnh Tổng thống Richard Nixon, còn anh thì đứng cạnh Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger. Hơn thế nữa, Nixon còn nói với Kiệt: “Chàng trai trẻ, võ thuật của cậu ấn tượng đấy. Cậu có muốn làm vệ sĩ cho chúng tôi khi lớn lên không?”, và Lý Liên Kiệt rắn rỏi đáp: "Không, cháu không muốn bảo vệ cho riêng cá nhân nào cả. Cháu muốn bảo vệ cả đất nước Trung Quốc hàng tỷ người dân cơ”.

Khỏi phải nói tất thảy mọi người có mặt ở đó ngạc nhiên thế nào. Một sự im lặng không mấy dễ chịu bao trùm. Kissinger là người phá tan sự im lặng đó: “Chúa ơi, một chàng trai trẻ thế này mà đã biết ăn nói như một nhà ngoại giao cỡ bự rồi”. Vài ngày sau, vụ thăm Nhà Trắng của họ được đăng trên báo New York Times, và câu trả lời của Lý Liên Kiệt được đưa ra bình luận. May mắn là chính phủ Trung Quốc không gặp vấn đề gì về chính trị, thậm chí chàng trai họ Lý còn được tuyên dương vì tinh thần ái quốc.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".