> Đình chỉ hoạt động bến du thuyền 'lậu' Dìn Ký
Nhanh chóng là bởi thực ra, những sai phạm này đã được phát hiện từ trước đó. Cơ sở du lịch Dìn Ký đã mở bến tàu du lịch tại nơi không được phép do ở đó có luồng xoáy sâu 20m. Đó còn là việc Thanh tra Cục Đường thủy nội địa từng lập biên bản vi phạm hành chính chủ doanh nghiệp Dìn Ký về lỗi “neo đậu tàu tại khu vực không được cấp phép”.
Mới đây nhất, đầu tháng 3-2011, CSGT đường thủy đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tự ý mở bến đưa đón khách không phép đối với doanh nghiệp này.
Khi vụ việc 16 người thiệt mạng xảy ra thì cơ quan chức năng phát hiện thêm lái tàu không có bằng lái hợp lệ (điều khiển tàu loại 1 nhưng bằng chỉ cho phép lái tàu loại 2-3); con tàu đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 2-2011. Có thể nói, với những dữ liệu trên, trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương không nhỏ. Nhưng vì sao, việc phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp lại không đi đến quyết định đình chỉ các hoạt động kinh doanh của họ?
Ngoài những nguyên nhân về sự thiếu quyết liệt xử lý (không loại trừ những lý do tế nhị nào đó), còn có nguyên nhân bắt nguồn từ sự chồng chéo của các văn bản pháp luật. Sự chồng chéo ấy đang tồn tại như những “điểm đen” trong môi trường du lịch đường thủy.
Về việc này, Cục phó Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Phạm Minh Nghĩa đã chỉ ra. Theo ông Nghĩa, tàu du lịch và tàu chở khách đều được đăng ký chở khách. Tuy nhiên, không như tàu chở khách thông thường, tàu du lịch được phép cho du khách lên mui tàu ngắm cảnh. Điều khác biệt là ở các quy định của luật Đường thủy nội địa và luật Du lịch.
Cũng theo ông Nghĩa, tiêu chuẩn tàu thuyền du lịch cho khách trú ngụ qua đêm, chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền trưởng, phục vụ… là tùy từng tỉnh quy định chứ chẳng có bộ, ngành nào đưa ra cụ thể. Rồi vấn đề nhân viên phục vụ, thuyền trưởng, máy trưởng… cần có chứng chỉ cứu hộ cứu nạn thế nào thì ngành du lịch và giao thông đều chưa có quy định cụ thể.
Đó là chưa kể tình trạng đăng kiểm là tàu chở khách nhưng trong thực tế được sử dụng như tàu du lịch, theo lời một quan chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong vụ lật tàu Dìn Ký, các phóng viên đã rất khó khăn để có thể lập danh sách những người mất tích, bởi chẳng ai làm điều này trước đó. Khi con tàu lật, nhân viên nhà hàng không thể biết chính xác có bao nhiêu người trên tàu, bao nhiêu còn mất tích.
“Lâu nay, nhiều tàu thuyền chở khách du ngoạn nhưng chẳng có nhân viên lập danh sách số khách có trên tàu. Sắp tới, Cục Đường thủy nội địa sẽ có văn bản kiến nghị để Bộ Giao thông Vận tải ban hành các quy định liên quan”, ông Nghĩa nói.
Như vậy, sai phạm của cơ sở du lịch Dìn Ký và những chồng chéo, lỏng lẻo của các văn bản quản lý đều đã được phát hiện từ trước. Nhưng việc xử lý thiếu kiên quyết, chậm trễ trong sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đã dẫn đến những hậu quả khôn lường: chỉ từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 3 vụ lật tàu du lịch, làm chết 28 người.