Để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng chưa từng thấy, các quốc gia đã sử dụng tổng cộng hơn 8,5 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19. Nhiều “ông lớn” ngành dược cũng đã phát triển thành công các phương pháp điều trị mới.
Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong 2 năm thế giới đối phó với đại dịch COVID-19:
Ngày 31/12/2019
Uỷ ban Y tế thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) báo cáo hàng loạt ca viêm phổi do một chủng virus mới.
Tháng 1/2020
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cơ quan y tế Trung Quốc đã xác định được nguyên nhân bùng phát dịch viêm phổi là một loại virus corona mới. Ngay sau đó, Thái Lan phát hiện ca bệnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Ngày 23/1: Trung Quốc tuyên bố phong toả Vũ Hán.
Cuối tháng 1: WHO gọi dịch bệnh liên quan đến chủng virus corona mới là “tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng”.
Tháng 2/2020: WHO đặt tên cho chủng virus mới là SARS-CoV-2 (viết tắt của Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng-virus corona-2, phân biệt với dịch SARS hồi năm 2002-2004). Căn bệnh do SARS-CoV-2 gây ra được gọi là COVID-19 (viết tắt của Dịch virus corona 2019).
Tháng 3/2020
WHO lần đầu tiên gọi COVID-19 là đại dịch.
Vùng Lombardy (Ý) trở thành điểm nóng COVID-19 với hơn 3.000 ca tử vong, cao hơn cả Hồ Bắc (Trung Quốc).
“Toàn bộ nước Ý đã đóng cửa”, tờ Corriere della Sera viết sau khi chính phủ nước này áp đặt những biện pháp kiểm soát gắt gao nhất mà một quốc gia phương Tây từng ban hành kể từ Thế chiến thứ hai.
Một số quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia và Malaysia, cũng bắt đầu áp lệnh phong toả.
Tháng 3/2020
Ngày 13/3: Mỹ tuyên bố đại dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và xuất 50 tỷ USD viện trợ liên bang. Cuối tháng 3, California trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ áp dụng lệnh hạn chế ra đường, còn New York bắt đầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu.
Ngày 24/3: Ấn Độ áp lệnh phong toả toàn quốc. Cùng ngày, Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 ở Nhật Bản bị hoãn.
Ngày 27/3: Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Một phụ nữ được tiêm vắc xin khi đi làm đồng ở Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Reuters |
Tháng 4/2020
Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu ca. WHO báo cáo bằng chứng cho thấy người nhiễm SARS-CoV-2 có thể lây truyền virus cho người khác ngay cả khi chưa có biểu hiện bệnh.
Tháng 7/2020
Ngày 7/7: Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Cuối tháng 7: Moderna và Pfizer bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa COVID-19.
Tháng 9/2020
Số người tử vong do COVID-19 vượt mốc 1 triệu người, chưa đầy một năm sau khi virus được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc.
Tháng 10/2020
Ngày 1/10: Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump được xác nhận mắc COVID-19 giữa lúc đang vận động tái tranh cử.
Tháng 11/2020
Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh hơn 90%. Đây là tín hiệu lạc quan đầu tiên về vắc xin từ một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.
Moderna trở thành công ty thứ hai ở Mỹ chứng minh hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 khi thông báo vắc xin của hãng này đạt hiệu quả phòng bệnh lên tới 94,5%.
Tháng 12/2020
Anh phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 vào ngày 8/12.
Ngày 11/12: Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer cho nhóm đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Lúc này, số người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã lên đến gần 300.000 người.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Ấn Độ. WHO xếp biến thể từ Anh và Nam Phi vào nhóm Biến thể đáng quan ngại, sau đó đặt tên cho 2 biến thể này là Alpha và Beta.
Cuối tháng 12: Anh phê duyệt sử dụng vắc xin do nước này sản xuất là AstraZeneca.
Tháng 1/2021
WHO xếp biến thể P.1 (được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil hồi tháng 11/2020) vào nhóm Biến thể đáng quan ngại và đặt tên cho biến thể này là Gamma. Lúc này, Brazil đang tăng mạnh số ca mắc và tử vong do COVID-19.
Tháng 5/2021
WHO xếp biến thể B.1.617.2 (được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) vào nhóm Biến thể đáng quan ngại và đặt tên cho biến thể này là Delta.
Biến thể Delta đã thổi bùng làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ, khiến số ca mắc mới hàng ngày tăng lên đến hơn 300.000 ca và làm tê liệt hệ thống y tế.
Tháng 6/2021
Số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 4 triệu ca. Delta trở thành biến thể trội trên toàn thế giới.
Tháng 7/2021
Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tăng cường nỗ lực đối phó với biến thể Delta bằng cách triển khai tiêm mũi thứ ba vắc xin Pfizer cho những người trên 60 tuổi.
Trung Quốc phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin bất hoạt Sinopharm cho nhóm 3-17 tuổi.
Tháng 8/2021
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm liều thứ ba vắc xin Pfizer và Moderna cho những người suy giảm miễn dịch.
Tháng 9/2021
Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi sau khi cơ quan y tế nước này khẳng định các loại vắc-xin nội địa an toàn cho trẻ nhỏ. Nhóm đối tượng từ 2 đến 18 tuổi ở Cuba được tiêm vắc-xin Soberana-02, với liệu trình hai liều Soberana-02 và một liều Soberana Plus
Tháng 10/2021
Số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 5 triệu ca.
Ngày 14/12, các nghị sĩ Mỹ thắp nến tưởng niệm 800.000 người tử vong vì COVID-19 ở nước này. Ảnh: Reuters |
Tháng 11/2021
Ngày 2/11: Mỹ chấp thuận sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer liều thấp cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Ngày 4/11: Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc uống kháng virus do Merck & Co Inc và Ridgeback Biotherapeutics đồng phát triển.
Mỹ cho phép toàn dân trên 18 tuổi tiêm vắc xin liều tăng cường.
Một biến thể SARS-CoV-2 mới được phát hiện ở miền Nam châu Phi, lập tức được xếp vào nhóm Biến thể đáng quan ngại và được đặt tên là Omicron.
Tháng 12/2021
Hà Lan thông báo áp đặt lệnh phong toả chặt chẽ trong dịp nghỉ Giáng sinh và năm mới để đối phó với biến thể Omicron.
Tính đến sáng 20/12: Thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 275 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 5,3 triệu ca tử vong.