Chiều 31/10, phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, nhiều đại biểu nêu ý kiến về vấn đề phát triển văn hóa nói chung, vấn đề đạo đức của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nói riêng.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) |
Phát triển văn hóa và đạo đức công vụ
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, trọng tâm của phát triển văn hóa là phát triển con người, tránh chuyện tư duy văn hóa chỉ là giải trí, mà đã là con người thì trước hết phải phát triển văn hóa công vụ, đạo đức công vụ.
“Chúng ta thấy trên báo chí và tiếp xúc hằng ngày, rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ và không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân”, ông Nghĩa nói.
Bày tỏ rất thấm thía lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực và phải kiên quyết đấu tranh để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam, ông Nghĩa nói “cốt cách văn hóa Việt Nam ở những chiều sâu là như vậy”.
Cùng chung nhận định, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ nỗi lo khi đạo đức, lối sống xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế chúng ta thấy, trong số những người đã và đang chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống”, ông Tám nói.
Cùng với đó là những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng, mà theo nhận xét của ông là không mới, nhưng có tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm và gây hậu quả đau lòng.
“Nếu bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì đạo đức hay sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động của con người trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái này”, ông Tám nói.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) |
Rất đáng suy nghĩ qua 2 đêm diễn của Black Pink
Đề cập đến mục tiêu phát triển văn hóa, trong đó nghệ thuật biểu diễn, ông Nghĩa cho rằng, với 100 triệu dân, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trở lên, nước ta có dư địa rất lớn để phát triển văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa tận dụng được ưu thế này.
Dẫn câu chuyện ban nhạc Black Pink sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm mà tổng thu của họ là hơn 13 triệu USD, ông Nghĩa cho biết, mục tiêu phấn đấu của nước ta theo chiến lược được phê duyệt từ năm 2016 là đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD.
“Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã được non nửa con số chúng ta phấn đấu đạt tổng thu của nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Họ thu ở trên đất nước chúng ta, của người Việt Nam chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình của chúng ta”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu đoàn Phú Yên kể khi vào TPHCM, đại diện Sở Văn hóa nói rất tiếc là tiêu chuẩn của sân vận động ở thành phố không đạt, chứ nếu họ lại vào đấy biểu diễn thêm 2 đêm nữa, chỉ cần 4 đêm diễn là bằng chúng ta phấn đấu năm 2030.
Nêu thực trạng nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát, ông Nghĩa phản ánh, có những đơn vị quản lý tới 5 khu đất ‘vàng’ ở trung tâm thành phố nhưng chỉ vận hành một điểm, các địa điểm còn lại thì bỏ hoang hoặc cho thuê. Ngược lại, nhiều đoàn nghệ thuật không có nhà hát, phải đi thuê để tập luyện, biểu diễn. Trong khi đó, có những nghệ sỹ đã hành nghề 10 năm nhưng vẫn phải rời nhà hát vì không có biên chế. Từ thực tế này, ông Nghĩa khẳng định rằng muốn có những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm thì Nhà nước phải có những chính sách xứng tầm cho các nghệ sỹ.