Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng trong một bộ phận cán bộ đảng viên và những vấn đề cần quan tâm để làm sao lựa chọn được những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có “miễn dịch” trước cám dỗ tầm thường, toàn tâm cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước.
Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn là một trong những vấn đề được người dân quan tâm, lo lắng, trăn trở, nhất là sau khi xảy ra những vụ như Việt Á, “chuyến bay giải cứu”. Từ những vụ việc trên, bà đánh giá sao về tình trạng suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, vì đồng tiền mà đánh mất phẩm giá, danh dự?
Phải thừa nhận, giữa “trùng điệp” những cán bộ, đảng viên đang nỗ lực từng ngày cống hiến cho sự nghiệp phát triển của Tổ quốc thì vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thiếu sự kiểm tra giám sát của tổ chức đảng, tập thể nên đã sa ngã trước những cám dỗ vật chất tầm thường.
Thoạt nhìn, vật chất nhận được từ sự bán mua “phẩm giá” ấy có vẻ đáng để đánh đổi. Thế nhưng, hãy tỉnh táo để nhận thấy rằng vật chất, tiền bạc chỉ mang lại sự hưởng thụ nhất định, thứ còn lại mãi theo cuộc đời là gánh nặng lương tâm, nó có thể nhấn chìm toàn bộ cuộc đời còn lại. Những cán bộ thoái hóa, biến chất thực chất đã trở thành kẻ thù của Nhân dân, những kẻ phá hoại uy tín, thanh danh của Đảng, của Nhà nước ta. Uy tín, thanh danh thiêng liêng ấy đã nhuốm máu biết bao Anh hùng liệt sĩ qua các cuộc kháng chiến và mồ hôi, nước mắt, công sức của nhân dân trong thời chiến cũng như thời bình.
Tôi lên án những việc làm của họ. Tôi nghĩ họ cũng đang bị lương tâm dày xéo, đau khổ khôn nguôi trong muộn màng!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói nhiều lần: “Tiền bạc nhiều làm gì, chết có mang đi được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Bà nghĩ sao về những điều Tổng Bí thư nói?
Từ quá khứ lịch sử cho đến hiện nay, chúng ta thấy phần lớn đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước đều hết lòng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả, vì Đảng, vì dân. Nhiều người được nhân dân muôn đời thương yêu, kính trọng. Những con người đó đã đi vào lịch sử, được đưa vào sách giáo khoa, thơ ca, nhạc họa để con cháu đời đời học tập, noi theo. Đó chẳng phải là vinh dự lớn lao sao! Truyền thống của dân tộc ta luôn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nên những vị tiền bối có công với nước, với dân luôn được nhân dân “ghi lòng tạc dạ”. Đó chẳng phải quý hơn tiền bạc, vật chất!
Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
Cá nhân tôi luôn tâm niệm, làm sao phải sống và làm việc phục vụ nhân dân, tổ chức thật tốt, với những việc làm, đóng góp của mình Nhà nước sẽ có chính sách chăm lo, bù đắp cho mình và gia đình tương xứng với những gì mình đã cống hiến. Tiền lương hôm nay có thể còn eo hẹp trong khi đất nước chưa giàu, nhưng hy vọng tương lai sẽ ngày một tốt hơn. Cha ông ta ngày xưa làm cách mạng cũng luôn nghĩ tới ngày mai tươi sáng. Phúc, đức hôm nay là dành cho con cháu ngày mai. Có cớ nào vì những đòi hỏi vị kỷ của hôm nay mà để ánh sáng của tương lai bị khuất che bởi những đám mây mờ.
Một lần nữa, tôi xin trích lại ý trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần dẫn lại: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!".
Tuy nhiên, lòng tham luôn có ở trong mỗi con người. Vậy làm thế nào để có thể vượt qua được những cám dỗ vật chất, giữ vững phẩm giá, đạo đức của người cán bộ, đảng viên?
Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất sẽ dẫn đến nhận thức đúng. Trong mỗi con người luôn có 2 mặt xấu và tốt, luôn đấu tranh với nhau. Nếu nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng. Tôi không coi thường vật chất, nhưng tôi luôn nghĩ những gì tôi đang được hưởng từ Nhà nước với tiền lương, chế độ, chính sách hiện hành cũng là vừa đủ để tôi có thể tái tạo sức lực cho công việc, có thể tự thu xếp chăm lo cho bản thân và gia đình. Thực sự là khi công việc cuốn hút mọi thời gian, sức lực của bạn, bạn sẽ ít nghĩ tới vật chất hơn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, các cán bộ, nhân viên y tế cùng lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm lao vào tâm dịch để hỗ trợ, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân. |
Người đời hay nói “lòng tham không đáy” nên nếu như trong thâm tâm đã nhen nhóm lòng tham thì sẽ khó có thể dừng lại được. Nên tốt nhất hãy tránh xa nó, càng xa càng tốt. Nếu bạn tham lam, thì tập thể, đồng chí, đồng nghiệp sẽ nhận ra ngay, làm sao “vải thưa che mắt thánh” được. Mà “thánh” ở đây chính là nhân dân! Chỉ nghĩ đến điều đó, bạn sẽ vượt qua được những “thói hư, tật xấu” để không bị sa lầy trong tội lỗi.
Cán bộ được coi là cái gốc của mọi công việc. Vậy làm thế nào để có thể chọn được đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức, thưa bà?
Tôi nghĩ để lựa chọn được người đức - tài phải đến từ 2 phía: chính con người họ và tổ chức lựa chọn họ. Bởi vì tổ chức có công tâm thế nào thì cũng khó có thể thấy hết được con người mà họ lựa chọn. Có những nhân cách bộc lộ khi thiếu bản lĩnh ở một môi trường hay tình huống cụ thể mà tổ chức, tập thể không có bên cạnh để phòng ngừa, ngăn chặn. Những cán bộ đó khi được lựa chọn thì họ đều là những người tốt, nhưng do cám dỗ của lợi ích vật chất, họ đã bị mờ mắt, dần bị “thoái hóa, biến chất” nên mới sa ngã, vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để lựa chọn được cán bộ tốt, tôi nghĩ phải nhìn vào sự rèn luyện của cả một quá trình. Từ tố chất, thế mạnh riêng của từng người về tri thức, kiến thức, tư cách, tính cách… xuất sắc ban đầu, phải được tôi luyện trong thử thách để “lửa thử vàng, gian nan thử sức” mới có thể tìm ra những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có “miễn dịch” trước cám dỗ tầm thường, toàn tâm cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", có khi "xanh vỏ mà đỏ lòng đấy"”. Để không lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những cán bộ không xứng đáng, suy thoái về đạo đức, tham nhũng, tiêu cực thì vai trò của các “chốt chặn” của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức có ý nghĩa ra sao, thưa bà?
Đúng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan tới công tác cán bộ rất lớn. Điều này đã được ghi rõ trong quy định về nhiệm vụ, chức năng của cơ quan, tổ chức, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu, mục tiêu lựa chọn cán bộ. Có rất nhiều những quy định như vậy ở các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan trong bộ máy Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.
|
Tuy nhiên, ngoài hồ sơ thì kết quả thực thi công vụ, việc làm cụ thể của từng cá nhân là những tiêu chí có thể đong đếm, định lượng được. Còn nhân cách, tính cách, cá tính… và tất cả những gì “tiềm ẩn” bên trong của con người đó thì chỉ có tập thể, đồng chí, đồng nghiệp công tác hàng ngày, cộng đồng dân cư xung quanh mới có thể hiểu rõ. Đó là những kênh thông tin quan trọng.
Theo các chuyên gia, Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương mới chỉ là bước “khởi động” ban đầu, muốn được đại hội bầu, muốn “đi dài”, “đi xa” đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng, đạo đức, giữ vững phẩm giá và bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên trước những cám dỗ của quyền lực và vật chất.
Thực tế có những cán bộ cư xử hết sức chuẩn mực ở cơ quan nhưng về nơi cư trú thì coi thường, cãi vã với hàng xóm. Đã là gương mẫu, chuẩn mực, đạo đức ăn vào máu rồi thì nó sẽ thể hiện ở mọi nơi, mọi chốn như vậy. Chỉ những gì là giả tạo thì mới có thể “lúc này, lúc khác”. Bây giờ có nhiều cán bộ cao cấp “ngã ngựa”, người dân hay truyền tai những bài nói, bài giảng, câu nói hết sức hay ho của họ ngày trước, nhưng thực tế ngay lúc diễn thuyết trên bục, tay họ đã “nhúng chàm”.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện người làm công tác cán bộ: “Việc gì cũng phải công minh, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chỉ sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 123). Lời dạy của Bác Hồ năm nào thật sâu sắc, tâm huyết với mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác nhân sự để lựa chọn, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng ngày một trưởng thành, tiếp tục lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.
Cảm ơn bà!