Những cử tri Mỹ không còn thờ ơ

Một cử tri da màu Mỹ đeo khẩu trang có dòng chữ: “Che mặt nhưng không im lặng. Bầu cử” Ảnh: Getty
Một cử tri da màu Mỹ đeo khẩu trang có dòng chữ: “Che mặt nhưng không im lặng. Bầu cử” Ảnh: Getty
TP - LeAnne Putman-Thomas ở bang Iowa đã chứng kiến nước Mỹ tham gia nhiều cuộc chiến, trải qua suy thoái và có vị tổng thống da màu đầu tiên. Nhưng người phụ nữ 53 tuổi này chưa bao giờ cảm thấy thực sự muốn đi bầu cử. 

Điều đó đã thay đổi. Trong tháng này bà đã đi bỏ phiếu sớm để ủng hộ ông Joe Biden, hay nói đúng hơn là để gạch tên Tổng thống Donald Trump. “Nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy làm bung ra điều tồi tệ đang mưng mủ ở đất nước này. Tôi muốn là một phần của giải pháp”, người thợ thêu Putman-Thomas nói với Reuters.

Nếu ông Biden đánh bại được ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, những cử tri như bà Putman-Thomas có thể là một lý do lớn. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận và số lượng phiếu bầu sớm cho thấy nhiều triệu người Mỹ trước đây thường không tham gia bỏ phiếu, nhưng năm nay đang vào cuộc và giúp đảng Dân chủ tạo nên mức chênh lớn.

Tính đến ngày 20/10, gần 7,3 triệu cử tri không thường xuyên và lần đầu đi bầu cử đã tham gia bỏ phiếu sớm, theo hãng phân tích TargetSmart của đảng Dân chủ. Con số đó nhiều hơn 2,5 lần lượng phiếu bầu sớm cùng thời điểm này cách đây 4 năm. TargetSmart ước tính, nhóm cử tri này giúp đảng Dân chủ đạt được mức chênh 16 điểm phần trăm. Phe Cộng hòa cho rằng, không nên dựa quá nhiều vào những con số này vì năm nay có thể chứng kiến tỷ lệ tham gia cao hơn của nhóm cử tri da trắng không có trình độ đại học, một lực lượng ủng hộ chính của ông Trump.

Các chiến lược gia của đảng Dân chủ tin rằng, họ có lợi thế khi huy động được nhóm cử tri không thường xuyên, một phần vì họ thất vọng trước chiến thắng của ông Trump hồi năm 2016. Khi đó, tổng số 78.000 phiếu trên 3 bang chiến trường Michigan, Pennsylvania và Wisconsin giúp ông Trump chiến thắng bằng phiếu đại cử tri trước đối thủ Hillary Clinton, dù ông kém 3 triệu phiếu phổ thông.

Tình thế ấy vẫn ám ảnh những người ở nhà năm đó, ông Barry Burden, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Wisconsin, đánh giá. “Họ thấy choáng váng và kinh ngạc trước điều xảy ra 4 năm trước. Vì thế, năm nay họ cố gắng sửa chữa sai lầm của quá khứ”, ông Burden nói.

Trong khi đó, nhóm của ông Trump đang rốt ráo vận động các cử tri không thường xuyên tại các bang chiến trường. Ví dụ tại Pennsylvania, các tình nguyện viên đang đến từng nhà để nói chuyện với cử tri và cung cấp thông tin về cách thức và nơi bỏ phiếu. Cách làm đó đã giúp đảng Cộng hòa giành được 200.000 thành viên mới từ năm 2016, khiến phe Dân chủ đánh mất lợi thế tại bang này với mức thấp nhất kể từ những năm 1970. Tình hình ở Florida và Bắc Carolina cũng tương tự.

Các nhà phân tích nói rằng, trong bối cảnh chia rẽ chính trị, những cử tri không thường xuyên có thể quyết định ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng từ tháng 1 năm sau. Khoảng 40% cử tri Mỹ đủ điều kiện thường không đi bầu cử. Cuộc đua giữa ông Trump và bà Hillary Clinton phù hợp với xu thế này. Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều lý do, gồm sự thờ ơ với chính trị, không tin chính phủ hoặc thiếu giấy tờ tùy thân để tham gia.

Một số chuyên gia dự đoán tỷ lệ cử tri tham gia năm nay sẽ cao hơn đáng kể vì nhiệm kỳ tổng thống gây chia rẽ của ông Trump khiến nhiều người quyết định không thờ ơ nữa.

Bất lợi cho ông Trump
Một diễn biến mới bất lợi cho ông Trump là bài điều tra vừa đăng của báo New York Times phanh phui ông Trump có tài khoản ngân hàng và nhiều năm theo đuổi các dự án ở Trung Quốc nhưng không thành công. Tài khoản đó không đứng tên ông Trump mà thuộc Công ty quản lý khách sạn quốc tế Trump LLC, với hồ sơ thuế cho thấy tài khoản này đã trả 188.561 USD tiền thuế ở Trung Quốc khi công ty đang theo đuổi các thỏa thuận về cấp phép ở nước này từ năm 2013-2015. 

MỚI - NÓNG