Những cú sốc của Mỹ trước sức mạnh vũ khí Nga

Năng lực của các cơ quan tình báo không giúp Mỹ khỏi bị động và bất ngờ trước nhiều màn phô diễn sức mạnh của các loại vũ khí Nga.

Rất tự tin vào sức mạnh và khả năng tình báo của mình, nhưng Mỹ đã nhiều lần tỏ ra bị động và bất ngờ trước các loại vũ khí mới do Liên Xô (Nga) triển khai đối phó Washington và đồng minh trên chiến trường, theoReseauinternational.

Vụ thử bom hạt nhân năm 1949

Ngay từ những năm 1940, Mỹ, Anh và Liên Xô đã bắt đầu cuộc đua phát triển vũ khí nguyên tử. Cuối năm 1941, chính phủ Mỹ đầu tư mạnh tay cho dự án bom hạt nhân. Kết quả là sau đó Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử năm 1945 khiến hàng trăm nghìn người Nhật thiệt mạng.

Hai quả bom nguyên tử này của Mỹ đã khiến lãnh tụ Liên Xô là Joseph Stalin thực sự bị sốc. Lập tức chính quyền Moscow xem phát triển vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia.

Những cú sốc của Mỹ trước sức mạnh vũ khí Nga ảnh 1

Cột khói hình nầm bốc lên sau cuộc thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô năm 1949: Ảnh: Wikipedia

Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của nước này có tên RDS-1 ở Semipalatinsk, Kazakhstan và trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới có năng lực hạt nhân.

Điều này khiến chính quyền Washington vô cùng bất ngờ, bởi vào thời điểm đó, giới chức và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ nghĩ rằng Liên Xô chưa đủ khả năng và tiềm lực tài chính để phát triển thành công loại vũ khí khủng khiếp này.

Theo học giả Mỹ J.W. Smith, Mỹ lúc đó không hề coi Liên Xô là một mối đe dọa khi tổng thu nhập quốc nội của nước này chỉ là 65 tỷ USD so với 250 tỷ của Washington. Thậm chí các chiến lược gia của Lầu Năm Góc phán đoán rằng nếu xung đột xảy ra thì Moscow hoàn toàn không có khả năng phản công và sẽ bị tiêu diệt bất cứ lúc nào.

“Thực sự thì các chiến lược gia quân sự của Washington tin rằng họ sẽ được hưởng thế độc quyền hạt nhân đến sau năm 1954”, học giả Smith khẳng định.

Cuộc thử nghiệm thành công của Liên Xô phá vỡ thế độc quyền của Mỹ về vũ khí hạt nhân, làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực hậu Thế chiến 2. Sau vụ việc, Mỹ đã buộc phải “chào đón” Liên Xô với một vai trò ngang bằng hơn và buộc phải tính đến lợi ích của nước này và các đồng minh.

Cú sốc Mig-15 trên chiến trường Triều Tiên

Sáng ngày 30/11/1950, một oanh tạc cơ hạng nặng B-29 của Mỹ đang ném bom trên chiến trường Triều Tiên thì bất ngờ bị một chiếc tiêm kích Mig-15 bay vụt qua tấn công, khiến nó bị hư hại nhẹ. Chiếc tiêm kích bay nhanh đến mức các pháo thủ trên B-29 không kịp ngắm bắn, và các máy bay phản lực F-80 hộ tống cũng nhanh chóng mất dấu vết của nó, theoAirspacemag.com.

Chuyên gia phân tích quân sự Michael Peck của National Interest cho biết sự xuất hiện của tiêm kích Mig-15 trên bán đảo Triều Tiên thực sự là một cú sốc với các phi công Mỹ vốn đã quen với vị thế thống lĩnh bầu trời.

Những cú sốc của Mỹ trước sức mạnh vũ khí Nga ảnh 2

Một chiếc Mig-15 của không quân Liên Xô. Ảnh: Military History.

Các tiêm kích phản lực Mig-15 của Liên Xô nguy hiểm đến mức B-29 dù được đông đảo các tiêm kích F-80 Shooting Star và F-84 Thunderjet hộ tống vẫn phải chuyển thời gian hoạt động sang ban đêm và ưu thế trên không tạm thời thuộc về phi công Trung Quốc. Đỉnh điểm là vào một ngày thảm họa trong tháng 10/1951, được gọi là Ngày thứ ba Đen tối, tiêm kích Mig-15 đã loại 6 trong tổng số 9 chiếc B-29 của Mỹ ở Triều Tiên khỏi vòng chiến đấu.

Sự lợi hại của Mig-15 buộc không quân Mỹ phải nhanh chóng điều động tiêm kích mới phát triển F-86 Sabre tới Triều Tiên để giành lại thế cân bằng trong không chiến.

Tên lửa chống tăng Nga hai lần khiến Israel khóc hận

Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa một bên là Israel một bên là liên quân Ai Cập - Syria, quân đội Israel và các cố vấn quân sự Mỹ vô cùng bất ngờ trước hiệu quả của một loại tên lửa chống tăng mới của Liên Xô là AT-3 Sagger, để rồi hứng chịu những thiệt hại nặng nề trong thời điểm đầu cuộc chiến.

Ngày 8/10/1973, tướng Shmuel Gonen, chỉ huy mặt trận nam Israel hạ lệnh phản công với ba lữ đoàn từ sư đoàn thiết giáp162 của tướng Abraham Adan. Họ tấn công quân Ai Cập cố thủ tại Hizayon, nhưng bất kỳ xe tăng nào tiến đến gần đều bị tên lửa AT-3 Sagger phá hủy trước sự ngỡ ngàng của binh sĩ Israel. Theo thống kê, trong các đợt phản công bất thành này, Israel đã mất 100 xe tăng.

Những cú sốc của Mỹ trước sức mạnh vũ khí Nga ảnh 3

Một quả tên lửa chống tăng AT-3 Sagger của Liên Xô. Ảnh: Sputnik.

Ngày 9/10, trên toàn mặt trận, quân Ai Cập tiếp tục tiến công thăm dò nhằm củng cố và mở rộng đầu cầu. Sư đoàn số hai bộ binh Ai Cập tấn công tiêu diệt lữ đoàn xe tăng 190 của Israel, tiếp tục phá phá hủy 80 xe tăng bằng AT-3 Sagger và bắt sống chỉ huy đơn vị này.

Rút kinh nghiệm từ bài học năm 1973, trong cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006 đối đầu với lực lượng Hezbollah, quân đội Israel chỉ sử dụng các xe tăng và xe bọc thép chở quân có vỏ giáp mạnh sử dụng khung gầm tăng chủ lực là Achazari.

Tuy nhiên, thêm một lần nữa quân đội Israel phải khóc hận trước các hệ thống tên lửa chống tăng mới của Hezbollah là 9K115-2 Metis-M (AT-13) và 9K129 Kornet-E (AT-14), và súng rocket chống tăng RPG-29 Vampir do Nga cung cấp cho Syria năm 1998-1999.

Ba hệ thống vũ khí mới này đã xuyên phá vỏ giáp cực tốt nhờ đầu đạn chống tăng HEAT của chúng.

Theo ước tính của Israel, các chiến binh Hezbollah đã phóng hơn 500 quả tên lửa chống tăng có điều khiển chỉ riêng trong tháng 7/2006 và khoảng 1.000 quả trong suốt cuộc chiến, tiêu diệt gần 100 xe tăng của nước này. Các tên lửa chống tăng có điều khiển đã được sử dụng để chống không chỉ các mục tiêu thiết giáp mà cả chống bộ binh Israel ở tầm xa nhất có thể.

Xét tổng thể thì cả quy mô sử dụng các hệ thống vũ khí chống tăng của Hezbollah lẫn việc họ có các hệ thống hiện đại với khả năng xuyên giáp vượt trội đã là sự bất ngờ đối với bộ chỉ huy Israel và các cố vấn quân sự Mỹ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG