Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực

Gia đình khó khăn, vừa đi học vừa đi làm để tự trang trải tiền ăn học xa nhà, thế nhưng các em vẫn giữ học lực giỏi và tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ trên tay - những tấm bằng đỏ cho cả thành tích học tập và nghị lực.

Đó là điểm chung của 7 tân cử nhân vượt khó học giỏi chúng tôi gặp trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên (SV) năm cuối ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vừa qua. Đằng sau tấm bằng đỏ các em được trao trong ngày tốt nghiệp là những năm tháng thời SV vất vả vừa học vừa đi làm thêm để đuổi theo con chữ ở giảng đường.

SV Lê Thị Liên (khoa Tin học) trú tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Ở quê, mẹ của Liên một mình làm nông lo cho 6 người: 3 con đang tuổi ăn học, bà ngoại tuổi cao sức yếu, một người cô ruột của Liên bị tâm thần và cả con của người cô. 

“Biết má không thể nào lo xuể cho em ăn học ở Đà Nẵng, nên từ năm nhất đại học em đã kiếm việc làm thêm, đi dạy kèm để trang trải một phần học phí và sinh hoạt phí. Đi làm thêm nhưng em vẫn luôn ghi nhớ không lơ là việc học, những mong ra trường có công ăn việc làm phụ má lo cho gia đình” - Liên tâm sự.
Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 1 Tân cử nhân Lê Thị Liên - tốt nghiệp loại Giỏi khoa Tin học - ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Trần Công Lâm (khoa Hóa học) trú tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Do nhà ở khu vực miền núi, từ năm học lớp 10, Lâm đã xa nhà xuống TP Tam Kỳ (Quảng Nam) học THPT, rồi ra tiếp Đà Nẵng học đại học. Nhà Lâm có ba anh chị em, ba mẹ em làm nông thu nhập quá thấp không đủ gửi cho con ăn học xa nhà. Từ năm lớp 10, bắt đầu đi học xa nhà, Lâm cũng bắt đầu đi làm thêm, dạy kèm. “Rời lớp học là phải đi làm thêm. Thời gian tự học ở nhà eo hẹp. Nên ở lớp em gắng nghe giảng kỹ, khắc sâu kiến thức ngay tại lớp” - Lâm chia sẻ cách học giúp em giữ vững học lực Giỏi suốt 16 năm từ cấp Tiểu học lên đến Đại học.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 2 Tân cử nhân Trần Công Lâm tốt nghiệp loại Giỏi khoa Hóa học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Dương Thị Mỹ Ly (khoa Sinh - Môi trường) trú tại Thăng Bình, Quảng Nam. Ba em Ly đã qua khi em vào đại học. Một mình mẹ em Ly nuôi 5 người con; trong đó có một chị kề của Ly bị bệnh tâm thần. Gia đình quá khó khăn, em gái Ly phải nghỉ học lớp 12 để nhường cho Ly là chị khỏi dở dang việc học đại học. Ly vừa đi học, vừa đi dạy kèm, vừa đi làm công nhân trong những tháng nghỉ hè; thậm chí phụ bán trái cây ngoài chợ… làm mọi cách để có tiền ăn học. Dẫu vất vả, nhưng cô SV có vóc người nhỏ bé vẫn luôn nỗ lực từng ngày để đạt tấm bằng tốt nghiệp đại học loại Giỏi.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 3 Tân cử nhân Dương Thị Mỹ Ly tốt nghiệp loại Giỏi khoa Sinh - Môi trường, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Trần Thị Phúc (khoa Lịch Sử), trú tại trú tại Quảng Trị. Ba mẹ em đều làm nông, nuôi 4 con ăn học. Phúc vào Đà Nẵng ở nhờ nhà dì để đi học đại học. Phúc còn có một em gái cũng ra Đà Nẵng học Cao đẳng. Ngoài giờ học, Phúc đi phụ bán chè. Vừa học vừa làm nhưng Phúc vẫn cố gắng kết quả học tập mỗi năm mỗi tiến bộ và tốt nghiệp đại học loại Giỏi.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 4 Tân cử nhân Trần Thị Phúc tốt nghiệp loại Giỏi khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Lê Thị Hạnh (khoa Địa lý) trú tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nhà chỉ có một mình mẹ của em làm nông vừa nuôi em ăn học đại học, và chăm lo cho bà ngoại bị tai biến nằm một chỗ đã nhiều năm nay. Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng học đại học, biết mẹ ở nhà rất vất vả, Hạnh đã cố gắng vừa học vừa làm. 

“Những tháng trong năm em đi dạy kèm, có lúc đi phụ bán quán ăn buổi chiều tối; còn những tháng hè em không về quê nghỉ mà ở lại xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Hôm nào đau nặng em mới nghỉ còn thì ngày nào cũng làm thẳng từ 11-12 tiếng đồng hồ” - Hạnh nói về những năm tháng học xa nhà.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 5 Tân cử nhân Lê Thị Hạnh tốt nghiệp loại Giỏi khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Nguyễn Thị Phương (khoa Tâm lý) quê ở Quảng Ngãi. Gia đình khó khăn, để nuôi con ăn học, ba Phương phải vào tận tỉnh Bình Dương đi bán vé số kiếm tiền gửi về phụ vợ nuôi con ăn học. Mẹ Phương ở nhà làm nông. Phương cũng vừa học vừa làm thêm (phụ bán quán ăn), những tháng hè thì em xin đi làm công nhân để lo tiền học phí cho năm học mới. Vừa học vừa làm, Phương vẫn luôn cầu tiến trong học tập và đạt tốt nghiệp đại học loại Giỏi. “Ngành học của em ở đây khó xin việc làm nên em tính ít nữa em vào Sài Gòn thuê trọ rồi kiếm việc vừa làm thêm vừa tìm công việc phù hợp với ngành học của mình. Em thật sự mơ ước có được công việc phù hợp dù có phải đi xa vì em thật sự yêu thích ngành Tâm lý học”.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 6 Tân cử nhân Nguyễn Thị Phương tốt nghiệp loại Giỏi khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

SV Lê Thị Mơ (khoa Giáo dục Chính trị) trú tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Bố của Mơ bị ốm nặng, mất sức lao động và thường xuyên nằm viện chữa bệnh từ 13 năm nay. Mẹ em đi bán ngoài chợ mưu sinh vừa lo chạy chữa bệnh cho chồng, vừa lo cho 3 con ăn học. Bốn năm học đại học xa nhà, Mơ cũng tìm đủ việc làm thêm để phần nào tự trang trải tiền ăn học ở thành phố. “Bây giờ ra trường, em mong sớm tìm được công ăn việc lòng phụ má lo cho gia đình…”.

Những cử nhân bằng đỏ giàu nghị lực ảnh 7 Tân cử nhân Lê Thị Mơ tốt nghiệp loại Giỏi khoa Giáo dục chính trị, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng điểm chung của chủ nhân những tấm bằng đỏ ấy là ý chí vươn lên vượt qua con đường đến giảng đường đại học đầy khó khăn vất vả. Những tấm bằng đỏ trên tay các em trong ngày tốt nghiệp đại học thấm đẫm mồ hôi cha mẹ và cả mồ hôi của các em trong những tháng năm đời SV vừa miệt mài theo con chữ, vừa bươn chải mưu sinh. Chia sẻ ước mơ ngày ra trường, các em có chung một ước mơ gần là tìm được công ăn việc làm ổn định. Một chặng đường mới bắt đầu, dù cho con đường phía trước có còn nhiều khó khăn, mong các em bền chí vươn lên trong cuộc sống như các em đã bền chí trong những tháng năm ăn học xa nhà vất vả vừa qua.

Theo Khánh Hiền

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG