Những cú bứt tốc để tàu metro lăn bánh

Thiết kế của đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội
Thiết kế của đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội
TP - Với việc đưa được đoàn tàu đầu tiên và “siêu” máy khoan hầm hiện đại - TBM về Việt Nam, năm qua dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) đã ghi được dấu ấn bứt tốc, giúp dự án sớm cán đích. Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB Nguyễn Cao Minh cho rằng, hai sự kiện trên có tính quyết định để tàu metro sớm lăn bánh.

Ðoạn đi trên cao hoàn thành 82%

Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn với các dự án thi công, trong đó có việc phải giãn cách, hạn chế tập trung đông người để phòng chống dịch, tuy nhiên dư luận ghi nhận công trường metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn có những diễn biến ấn tượng, ông cho biết cụ thể việc này?

Trải qua rất nhiều khó khăn về mặt bằng, về nguồn vốn, năm qua dự án gặp thêm khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát… tuy nhiên với sự cố gắng của Ban, của các nhà thầu, Tư vấn giám sát và sự hỗ trợ của các sở ngành, đến nay tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai trên cả 9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị, trong đó, đã thi công xong gói thầu đoạn tuyến trên (CP01) và gói thầu công trình hạ tầng kỹ thuật depot (CP04). Tiến độ chung của toàn dự án đạt 67,8%, riêng tiến độ đoạn tàu chạy trên cao đạt 82%.

Quá trình thi công đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, thiên tai. Đảm bảo tuyệt đối việc phòng chống COVID trên công trường, các chuyên gia nước ngoài được cách ly theo đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại vẫn duy trì kiểm tra thân nhiệt khi ra vào công trường.

Về khó khăn, hiện dự án đang gặp một số vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, Ban đang tích cực và cũng nhận được hối hợp chặt chẽ của các quận liên quan để từng bước tháo gỡ.

Tàu chở đến 23.000 lượt hành khách/giờ

Trong năm qua, dự án đã đưa được đoàn tàu đầu tiên và “siêu” máy đào hầm tự động TBM về công trường, việc này có ý ra sao với tiến độ dự án thưa ông?

Cùng với các chuyển biến trên công trường, trong năm, cụ thể là tháng 10/2020, dự án ghi dấu mốc quan trọng khi đưa đoàn tàu đầu tiên (thiết kế và sản xuất tại Pháp) về tới khu depot Nhổn (quận Bắc Từ Liêm), sớm hơn tiến độ dự kiến. Trên dọc cung đường vận chuyển trên xe siêu trường, siêu trọng bằng đường bộ dài 180 km từ cảng ở Hải Phòng về Hà Nội, đoàn tàu đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đến nay sau hơn 2 tháng vận chuyển về depot, 4 toa tàu đã được hoàn thiện lắp ráp và bước sang giai đoạn kiểm tra vận hành thử nghiệm trên đường ray, chuẩn bị cho việc vận hành chính thức. 

Cũng trong tháng 10/2020, các bộ phận của máy đào hầm đầu tiên (gọi tắt là TBM) cho đoạn đi ngầm đã cập cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng và được vận chuyển về ga ngầm S9 (Kim Mã). Sau đó, ngày 31/12/2020, những bộ phận cuối cùng của cỗ máy khổng lồ và phức tạp này đã được lắp ráp tại tầng đáy của ga S9. Cỗ máy tiếp theo (máy đào hầm thứ 2) hiện đang được vận chuyển về Việt Nam. Sau khi lắp ráp xong, các máy TBM sẽ bắt đầu khoan đường hầm từ ga S9 (đoạn trước khách sạn Daewoo) tới ga S12 (ga Hà Nội) với chiều dài 4 km. Khoan đến đâu, máy đào hầm cũng lắp đặt vỏ hầm đến đấy.

Với việc đưa đoàn tàu đầu tiên từ nước ngoài và máy đào hầm TBM về công trường, đây là bước tiến quan trọng của quá trình thi công, hoàn thiện dự án. Ngoài thành công về mặt phối hợp với đối tác nước ngoài, sự kiện này còn thể hiện dự án đã có không gian, mặt bằng và đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa thiết bị có kỹ thuật, công nghệ cao vào vận hành, đáp ứng các mốc tiến độ đặt ra.

Về tiến độ dự án đã được thành phố chấp thuận, đoạn tàu đi trên cao (Nhổn - Cầu Giấy), dài 8,5 km dự kiến khai thác vào quý IV/2021; đoạn đi ngầm dài 4 km sẽ khai thác vào cuối năm 2022. Với công suất chuyên chở, sau khi được đưa vào hoạt động chính thức, các đoàn tàu của dự án sẽ vận chuyển 8.600 hành khách mỗi giờ trong thời gian khai thác ban đầu, sau đó sẽ tăng lên 23.900 hành khách mỗi giờ.

Những cú bứt tốc để tàu metro lăn bánh ảnh 1

Ông Nguyễn Cao Minh

Chuyển động nhiều dự án metro khác

Với các hoạt động và dự án khác của MRB trong năm 2020 thế nào thưa ông?

Trong năm qua, MRB đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Ban đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nên đến nay, tiến độ thi công các gói thầu xây lắp, thiết bị, triển khai giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị đầu tư đã có nhiều chuyển biến.

Cụ thể,  kết quả công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công đã được đẩy nhanh. Tính đến hết năm 2020, MRB đã giải ngân (đặc biệt là giải ngân nguồn vốn nước ngoài) đạt 2.998,7 tỷ - tương đương 74,8% kế hoạch; trong đó: dự án tuyến 3.1 (Nhổn - ga Hà Nội) thực hiện giải ngân 2.989 tỷ đồng đạt 75,3% kế hoạch.

Những cú bứt tốc để tàu metro lăn bánh ảnh 2 Đoàn tầu đầu tiên được đưa về Việt Nam và lắp đặt lên đường ray ở đề-pô Nhổn

Với công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đã được giao, MRB đã tham mưu để UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các dự án tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) và dự án tuyến 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); trình UBND Thành phố báo cáo cuối kỳ tuyến 2.3 (Nam Thăng Long - Nội Bài), hoàn chỉnh báo cáo giữa kỳ tuyến 8 (Dương Xá - Mai Dịch - Sơn Đồng)… nhằm từng bước dần định hình mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô hiện đại, văn minh trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.