Những chiêu trò quanh bình 'hải mã tửu'

Năm Giáp Ngọ 2014 này là năm loài ngựa cầm tinh nên các món ăn chơi liên quan đến loài này cũng được bá tánh "chiếu cố" rầm rộ. Săn các mẻ cao ngựa được quảng cáo ầm ĩ giữa đời thực và trên các trang mạng ảo chưa đã, nhiều người còn tích cực săn cá ngựa h
Năm Giáp Ngọ 2014 này là năm loài ngựa cầm tinh nên các món ăn chơi liên quan đến loài này cũng được bá tánh "chiếu cố" rầm rộ. Săn các mẻ cao ngựa được quảng cáo ầm ĩ giữa đời thực và trên các trang mạng ảo chưa đã, nhiều người còn tích cực săn cá ngựa h
Lạc chân vào chợ Đầm, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo về công dụng thần kỳ "ông uống bà khen" của cá ngựa. Nhưng liệu có nhiều hải mã tự nhiên để cho người ta bắt và bán hết năm này qua năm nọ như không?

Theo chân các môn đồ của loài cá có tên ngựa vì sở hữu phần đầu với cấu hình rất giống cái loài chân khỏe-sức dai-hí vang-phi nhanh, chúng tôi đến thành phố biển Nha Trang thơ mộng. Cảm giác "ngộp" toàn tập khi mục kích nhiều hình ảnh các ông, các bà ra sức tuyển hải mã về luyện nội công. Cũng từ trào lưu săn hải mã nhân năm Giáp Ngọ này, chúng tôi ghi nhận nhiều tình huống oái oăm, bi hài đến cười ra nước mắt.

Gặp dân sành sỏi các món tăng lực tráng dương này nọ, nếu hỏi nơi đâu có cá ngựa hay hải mã được bày bán nhiều nhất, tin rằng câu trả lời của mười người chẵn chục chính là phố biển Nha Trang. Thật vậy, tại thủ phủ của xứ trầm hương này, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán cá ngựa, từ "hàng" phơi khô đến tươi sống hoặc đã ngâm rượu. Tại Nha Trang, người ta bày bán cá ngựa ở các kiốt hải sản trên nhiều con đường có đông khách du lịch lại qua, tại chợ hay các điểm du lịch.

Không dừng lại ở đó, một người bạn là dân sở tại bật mí không ít quán nhà hàng đặc sản ở Nha Trang còn đưa cá ngựa chễm chệ trên danh sách thực đơn với các món chiên giòn, hấp cuộn rau sống hay chưng thuốc bắc. Lạ kỳ hơn, không chỉ thu hút dân du lịch quốc nội, cá ngựa hay hải mã còn có hấp lực mãnh liệt với không ít khách phương Tây. Bạn còn cho biết tại Nha Trang, hình ảnh mấy ông Tây túm tụm bên bàn nhậu với nghêu-sò-ốc-hến và cùng đưa cay với những ly rượu ngâm hải mã thì chẳng có gì lạ!

1. Trước khi tìm đến Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung, người viết thử làm phép tính nhẩm về những sản vật trứ danh ở miền đất này. Phàm đã là dân Khánh Hòa, hầu như ai cũng nằm lòng câu vè nói về các món ngon, món "độc" ở quê hương mình, xin chép để bạn đọc được rõ: "Yến sào Hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá trầu Võ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều…".

Chỉ một câu vè ngắn mà đã có đến 6 món ngon ở Khánh Hòa được vinh danh. Nếu xét trên bình diện rộng thì 6 món ngon, món lạ kia chỉ là con số khiêm tốn so với "kho" sản vật ở "xứ trầm hương" này. Khánh Hòa được mệnh danh xứ trầm vì có nguồn trầm hương, kỳ nam phong phú, khí chất rất đượm. Ngoài ra người ta còn biết đến Khánh Hòa là quê hương của loài cây tô hạp cũng cho hương thơm quyến rũ đến lạ kỳ. Và mới đây, tên tuổi của Khánh Hòa nổi như cồn với cây xáo tam phân phát hiện tại xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) được Viện Dược liệu - Bộ Y tế công nhận tiêu diệt được 5 dòng tế bào ung thư!

Trên đây người viết chỉ đề cập đến những sản vật nơi rừng sâu và chốn đồng bằng, nếu nói về sản vật biển, danh sách món ngon vật lạ ở Khánh Hòa có thể nói… dài dằng dặc.

Cùng với "Tôm hùm Bình Ba" (rất nhiều tỉnh ven biển miền Trung nuôi tôm hùm nhưng sở dĩ tôm hùm ở xã đảo Bình Ba được lưu truyền trong nhân gian vì thịt và gạch chắc, thơm, ngọt hơn tôm hùm ở các địa phương khác-PV), "Sò huyết Thủy Triều" (sò huyết ở đầm Thủy Triều thuộc huyện Cam Lâm to con, huyết nhiều, thơm, ngọt từng là món ăn được dân miệt biển đãi bạn quý phương xa nhưng nay gần như tuyệt chủng-PV), vùng biển Khánh Hòa còn là quê hương của các loài hải sản trứ danh khác như ốc tù và, trai tai tượng, cá bò giáp, cá bò gù (cá ngừ đại dương), mực ống, mực nang, đẻn (rắn biến)…, có cả các loài cá nóc mà người Nhật rất khoái khẩu. Và trong hằng hà sa số sản vật từ biển kia, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến loài… hải mã!

Gắn với loài cá có cái tên của con vật cầm tinh năm Giáp Ngọ 2014 này, thiên hạ đã không ngoa ngôn khi "gán" cho Khánh Hòa những biệt danh như "vương quốc cá ngựa", "thiên đường hải mã"… Với lợi thế bờ biển trải dài, lại được bao bọc bởi các rạn san hô, dưới đáy biển có hệ thống cỏ, tảo biển phủ dày, chính những điều kiện tự nhiên này đã tạo nên môi trường sống lý tưởng cho loài hải mã sinh sôi, phát triển.

Trở lại hành trình theo chân cánh dân chơi cùng các môn đồ của loài hải mã. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là chợ Đầm. Nằm giữa trung tâm thành phố Nha Trang, theo đánh giá của nhiều hướng dẫn viên thuộc các hãng lữ hành tại TP HCM, chợ Đầm là chợ sản vật "khủng" nhất miền Trung: "Ở chợ Đầm, bất kỳ nhu cầu nào của khách về đồ biển đều được các chủ quầy đáp ứng. Nhiều bận đưa khách ra đây săn những món độc, tôi chưa thấy các chủ quầy để khách buồn lòng bao giờ.

Ở đây người ta bán đủ loại vỏ ốc mỹ nghệ, bán tổ yến sào, khô cá mực với cả trăm loại. Với những người có nhu cầu sản vật tăng lực này nọ, giới chủ quầy cũng phục vụ chu đáo luôn với các loài đẻn, hải long và đình đám nhất là cá ngựa" - anh Quốc Truyền, hướng dẫn viên Công ty lữ hành Bốn Miền có trụ sở tại TP HCM, chia sẻ.

Bước chân vào khu vực bày bán sản vật biển, chúng tôi hoa cả mắt trước rừng hải sản, đặc biệt là những xâu cá ngựa được các chủ quầy treo toòng teng trước sạp để câu khách. Cá được treo dây chỉ là cá nhỏ, giá dao động từ 150.000-250.000đồng/cặp. Thứ cá ngựa mini này theo bà Quỳnh, chủ sạp khô hải sản ở đầu lối vào chỉ để bán cho khách bình dân. Với khách quý tộc, như các chủ sạp khác, bà Quỳnh sẽ lấy ra cặp cá ngựa khủng dài gần bằng gang tay người lớn với giá bán từ 2-5 triệu đồng/cặp tùy kích cỡ, màu sắc (trắng, vàng hay đen-PV)…

"Cá ngựa còn gọi là cá uyên ương đó em à, bởi lúc nào nó cũng có đôi có cặp, con đực tuy nhỏ hơn con cái nhưng lúc nào cũng bám sát để giữ bạn tình tránh bị tay nào đó bắn tỉa… Khỏi cần phải xem sách, coi thầy gì hết, muốn biết cá ngựa bổ khỏe ra sao cứ việc ghé các làng chài. Dân biển nó sinh toàn con trai, đứa nào đứa nấy chắc nùi nụi cũng nhờ thường xuyên uống rượu ngâm hải mã…

Thương hiệu tráng dương bổ thận của cá ngựa phải nói là nhất xứ. Mấy thằng Tây bị vợ chê, vợ khinh cùng đường đã phải thân chinh qua đây cầu cứu hải mã tửu nữa là…".

Đảo qua "chợ hải mã", tôi nghe lắm ông bà chủ khi có khách đứng săm soi mấy xâu cá ngựa đã chào hàng bằng cách pha trò như thế. Thoạt nghe thấy vui tai nhưng ngẫm đi nghĩ lại thấy cũng có lý, vậy là các ông, các bà xì tiền tới tấp để tuyển về những cặp hải mã ngâm rượu dùng cho chính mình hoặc làm quà cho “tướng công” với những mong sau khi "quất" vào rồi sẽ không làm hổ danh hùng binh lúc xông trận…

Nếu vì lý do gì đó không thích các cặp cá ngựa treo dây hay đựng trong hộp kiếng, khách có thể chọn mua mấy gói tăng lực gồm hải mã, hải long, sao biển cùng vài loại rễ cây thuốc cả thảy đều bé tí tẹo giá chỉ vài mươi ngàn đồng về đổ vài ba lít rượu vào ngâm. Hàng tăng lực đặc trưng xứ biển mà giá lại "bèo" như vậy nên "mặt hàng" này được các chủ sạp bán rất chạy!

3. Ngoài chợ Đầm, Nha Trang còn có một điểm bán cá ngựa sầm uất khác là phố hải mã Cầu Đá, thuộc địa phận phường Vĩnh Nguyên, nằm ở phía đối diện Bảo tàng Hải dương học. Sở dĩ nơi này hợp phố bởi khách du lịch muốn ghé cầu cảng Cầu Đá để từ đó đi du ngoạn các đảo dù muốn hay không cũng phải đi qua nơi này. Khác với chợ Đầm, bên cạnh mặt hàng hải mã phơi khô và hải mã qua đông lạnh, như đã nói, tại phố hải mã, các chủ quầy còn bán cả cá ngựa tươi sống được rọng trong những chiếc tủ kính sủi bọt khí oxy trông rất bắt mắt!

"Nói thiệt nghen, chị cũng có bán cá ngựa khô nhưng nếu cưng hỏi cá ngựa phơi khô với cá ngựa tươi sống dùng loại nào tốt hơn thì chị sẽ nói ngay là hàng tươi sống. Loại khô nó ít nhiều mất khí chất, có khi mất sạch trăm phần trăm. Đó là chưa kể có những trường hợp người bán chơi chiêu, biết cưng không rành nên giao cho cưng mấy cặp cá con cụt đuôi, con mù mắt coi như chẳng bổ béo gì".

Khi được người phụ nữ tên Loan ngoài bán hải mã còn bán cả bìm bịp lẫn tắc kè úp úp mở mở những điều ấy, tôi hỏi tới và vỡ lẽ nhiều chuyện cười ra nước mắt. Theo chị Loan, cá ngựa khô nếu gai không mẩy nhọn mà mòn, đuôi không còn nguyên vẹn, mắt bị mất thì đích thị cá đó đã bị ngâm qua rượu.

Khi tước sạch khí chất của con cá tăng lực, người ta sẽ lôi ra phơi khô trở lại trước khi bán cho đám khách… ngu: "Nhận biết cá đã qua ngâm rượu bằng cách khi mua ngửi xem có mùi tanh đặc trưng của cá hay nồng mùi thuốc bắc. Gặp trúng cao thủ triệt tiêu luôn cả mùi thuốc thì phải xem kỹ phần mắt cá, đó là mắt thật hay mắt giả được người ta "chế tác" bằng cách dùng nang mực nhét vào rồi dùng phần túi mực đen chấm cho giống thật. Bởi cá đã qua ngâm rượu thường bị hỏng phần mắt".

Đảo qua các quầy hải mã tươi sống khác, tôi chứng kiến khung cảnh mua bán khá xôm tụ. Tức cười nhất là cảnh các bóng hồng đi săn "cá tăng lực", có bà máu đến độ đích thân cầm vợt chọn những cặp cá ưng ý rồi túm lấy bỏ vào mấy chai rượu Vodka. Có bà còn máu hơn khi "quýnh" tại chỗ bình rượu sung ngâm cả chục cặp hải mã tươi sống với bìm bịp và dăm bảy con tắc kè.

"Mấy khi có dịp đến Nha Trang, ở đây toàn hàng tươi sống, chẳng lo bị lừa nên tranh thủ làm bình rượu cho ông nhà khỏe gân mạnh cốt" - bà khách luống tuổi tên Trang, ở Pleiku-Gia Lai, thật tình thổ lộ.

Một cặp cá ngựa tươi giá đắt hơn cá ngựa khô dao động từ 50-100.000 đồng. Hỏi một số người bán, người bảo cá họ bày trong tủ kính là cá được ngư dân bắt ngoài biển rồi rọng khí đưa vào đất liền, kẻ thì nói cả thảy 100% cá tươi sống được bày bán ở phố cá ngựa hay phố hải mã này đều là cá nuôi.

"Hồi trước nguồn cá ngựa cung ứng cho thị trường đều phụ thuộc hoàn toàn vào thuyền viên các tàu cá đi đánh bắt xa bờ. Khi kéo lưới, thấy cá ngựa thì họ nhặt riêng mang vào đất liền giao cho các chủ vựa, từ đó vựa chủ thu gom và phân phối lại cho các mối. Sau này cá ngựa được Viện Hải dương học Nha Trang nhân giống thành công, người ta nuôi đại trà nên nguồn cung khá dồi dào. Mình buôn bán phải thật thà, có sao thì nói vậy chứ không lấp liếm, cá ngựa tươi sống ở đây toàn cá nuôi không hà" - ông V., đề nghị giấu tên, tiết lộ.

Có lẽ sẽ có ai đó sốc khi biết những con cá ngựa tươi sống mà họ mua về là cá nuôi chứ chẳng phải cá được bắt từ đại dương. Nhưng với tôi, tôi thấy rất "phấn khởi" bởi đó là tín hiệu khả quan cho sự tồn vong của một loài cá vốn chịu quá nhiều đau khổ từ nhu cầu hám sung hám mạnh của con người.

"Cứ tạm cho đó là cá đánh bắt từ tự nhiên đi thì vùng biển Khánh Hòa làm gì có lắm cá ngựa để cho người ta bắt và bán hết năm này qua năm nọ như vậy được. Bây giờ thợ săn, thợ lặn xục xạo từng tấc đất dưới lòng biển, lại thêm nạn đánh bắt bằng giã cào của các hạm đội cào bay đến từ nhiều địa phương nên lấy đâu ra hải mã có kích cỡ bằng ngón tay cái được" - ông V. bộc bạch.

Theo An ninh thế giới
MỚI - NÓNG