Được thế giới bên ngoài biết đến chỉ 60 năm trước, bộ tộc Waorani đã sống trong khu vực hẻo lánh biệt lập nhất của rừng già Amazon trên lãnh thổ Ecuador suốt nhiều thế hệ.
Sống ở một trong những nơi hoang dã nhiều thách thức nhất trên trái đất đồng nghĩa với việc người Waorani phải có một mối quan hệ độc đáo với môi trường tự nhiên ở đây.
Bảo vệ lãnh thổ trước kia có nghĩa là chiến đấu với những bộ tộc đối địch trong khu vực lân cận. Nhưng giờ đây, với những công ty dầu lửa đặt giàn khoan chỉ cách nơi ở của họ một hai ngày đi rừng, mối đe dọa lớn nhất đối với sự sinh tồn người Waorani trở nên phức tạp hơn nhiều.
Kể từ những năm 1960, 15% diện tích rừng nhiệt đới của Ecuador đã biến mất bởi việc khai thác dầu mỏ và những công nghiệp khai khoáng khác. Hai phần ba lãnh thổ rừng của người Waorani đã bị mất, và bộ lạc kiên quyết giữ những gì còn lại – và loài rắn xanh khổng lồ bất ngờ tìm thấy một đồng minh mới. Vai trò của những con anaconda tình cờ xuất hiện khi những người thổ dân kết hợp với nhà khoa học nổi tiếng Renata Leite Pitman, một bác sĩ thú y đồng thời là nhà nghiên cứu liên kết với Trung tâm Bảo tồn Nhiệt đới.
Là một loài sống về đêm với phần lớn thời gian ở dưới nước hoặc gần nước, rắn khổng lồ xanh là một loài sống bí mật và không được biết đến nhiều trong cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, loài động vật săn mồi này đóng vai trò lớn trong việc nghiên cứu mức độ ô nhiễm của dòng sông vì các chất ô nhiễm trong nước tích tụ ở mức độ cao trong cơ thể chúng. Việc giám sát những con anaconda có thể cung cấp bằng chứng vô giá về những điều đang thực sự xảy ra ở những con sông này.
Một thổ dân Waorani đang hơ mũi tên trên lửa
Một con rắn khổng lồ xanh anaconda có thể dài đến 8m
Một đường ống dẫn dầu chạy qua khu rừng Amazon ở Ecuador
Làm việc với những bộ lạc thổ dân khắp Nam Mỹ trong suốt 25 năm qua, nhà khoa học Renata Leite Pitman đánh giá rất cao hiểu biết và sự tận tâm của họ đã giúp bà thu được nhiều dữ liệu quý giá cho nghiên cứu của mình.
“Một trong số những cộng sự người Yine của tôi (một bộ lạc Peru) chỉ bé bằng nửa tôi, nhưng có thể bắt 6 con rắn xanh khổng lồ trong chỉ một ngày”, bà Pitman nói với BBC.
Khi bắt được một con anaconda, nhóm của bà sẽ lấy mẫu để kiểm tra các chất ô nhiểm rồi cấy một thiết bị phát sóng vào động vật này nhằm theo dõi hoạt động của nó. Giờ đã là mẹ của 2 con nhỏ, bà Pitman không thể tiếp tục ở lại dài ngày trong các trung tâm nghiên cứu giữa rừng rậm như trước kia, nên bà phải phụ thuộc nhiều hơn vào những cộng sự thổ dân của mình. Ngoài việc vẽ bản đồ những hồ mà lũ rắn khổng lồ thường lui tới, các kĩ thuật của thế kỉ 21 đóng vai trò trung tâm trong những hoạt động nghiên cứu.
“Họ có thể cấy các thiết bị phát sóng và thậm chí có thể gửi dữ liệu cho tôi qua Skype”, bà Pitman nói về những thổ dân đang hỗ trợ bà.
Công việc nghiên cứu khó khăn này đã bắt đầu cho những kết quả thú vị. Ví dụ, mãi đến gần đây mọi người vẫn chưa biết gì về sự phân tán của rắn con. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, sau một hồi lang thang, những con anaconda nhỏ cuối cùng quyết định rằng không có nơi nào bằng nơi chúng được sinh ra.
Sự hợp tác giữa nhà khoa học và những người thổ dân hứa hẹn sẽ còn tiếp tục hé lộ rất nhiều bí mật từ nơi sâu thẳm của Amazon.